Trong quy hoạch, sân bay này sẽ được nâng mức công suất thiết kế dự kiến 8 triệu hành khách/năm.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản chấp thuận danh mục cho phép chuẩn bị đầu tư dự án sửa chữa đường cất, hạ cánh, đường lăn Cảng HKQT Vinh. Trước đó, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã có văn bản đề xuất phương án và chấp thuận danh mục cho phép chuẩn bị đầu tư dự án sửa chữa đường cất, hạ cánh, đường lăn Cảng HKQT Vinh.
Theo báo cáo, từ năm 1993 – 2000, sân bay Vinh được đầu tư sửa chữa và đưa vào khai thác với đường cất hạ cánh có kích thước 2.174x30m. Từ năm 2001 – 2003, đường cất hạ cánh của sân bay này được nâng cấp từ 2.174m lên 2.400m, mở rộng đường cất hạ cánh từ 30m lên 45m.
Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn chỉ được duy tu bảo trì để đảm bảo yêu cầu điều kiện về an toàn khai thác và chưa được nâng cấp, cải tạo, sửa chữa tổng thể. Hiện, đường cất hạ cánh, đường lăn sân bay Vinh đã bị xuống cấp, hết tuổi thọ thiết kế. Mặt đường bê tông nhựa bị biến dạng, hằn vệt bánh xe; nứt dọc, nứt rạn chân chim; bong bật cốt liệu bê tông nhựa… theo vệt lăn càng trước và càng sau của máy bay, ảnh hưởng đến an toàn khai thác.
Để đảm bảo khai thác an toàn, bền vững, lâu dài, nâng cao năng lực khai thác của sân bay Vinh có khả năng khai thác được các tàu bay mới hiện đại như A320/A321, ACV đề nghị cải tạo, sửa chữa đường cất hạ cánh, hệ thống đường lăn hiện hữu…
Chấp thuận danh mục cho phép chuẩn bị đầu tư dự án sửa chữa đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng HKQT Vinh theo đề xuất của ACV, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn nêu rõ: Trong bước triển khai tiếp theo, ACV cần thực hiện trình tự, thủ tục dự án sửa chữa đảm bảo đúng các quy định của pháp luật về đấu thầu, pháp luật về xây dựng và quy định khác có liên quan.
Cùng đó, căn cứ ý kiến của Bộ GTVT và các đơn vị liên quan để khẩn trương thực hiện các thủ tục triển khai dự án; tổ chức lựa chọn và chỉ đạo tư vấn thiết kế rà soát kết quả kiểm định, thực hiện khảo sát, thiết kế xác định nguyên nhân gây hư hỏng kết cấu mặt đường, móng đường (nếu có).
ACV cũng cần nghiên cứu, đề xuất giải pháp sửa chữa phù hợp đảm bảo yếu tố kinh tế – kỹ thuật, thuận lợi cho thi công và công tác quản lý, bảo trì sau này nhằm đáp ứng khai thác cho các loại tàu bay code C hiện hành. Tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt dự án sửa chữa đảm bảo các quy định hiện hành về sửa chữa, bảo trì công trình, trình Bộ GTVT phê duyệt kế hoạch bảo trì để triển khai thực hiện.
Quá trình triển khai các thủ tục sửa chữa, ACV cần tiếp tục tăng cường công tác bảo dưỡng công trình đường cất hạ cánh, đường lăn tại Cảng HKQT Vinh theo tiêu chuẩn kỹ thuật về bảo dưỡng công trình hàng không và quy trình bảo trì, chịu trách nhiệm về đảm bảo an toàn khai thác và hoạt động vận tải hàng không thông suốt theo quy định, báo cáo Bộ GTVT các khó khăn, vướng mắc (nếu có).
Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra thường xuyên đối với các đường cất hạ cánh, đường lăn tại các cảng hàng không, đặc biệt tại Cảng HKQT Vinh, kịp thời phát hiện các dấu hiệu xuống cấp gây nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác sử dụng, chịu trách nhiệm tổ chức sửa chữa kịp thời theo quy định, báo cáo Bộ GTVT và Cục Hàng không VN kết quả thực hiện.
Trong quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay thời kỳ 2021-2030, Cảng hàng không Quốc tế Vinh có quy mô, cấp sân bay 4E với tổng diện tích hơn 557 ha; công suất thiết kế dự kiến 8 triệu hành khách/năm và lớn thứ 6/14 cảng hàng không quốc tế của Việt Nam.
Dự kiến tổng mức đầu tư dự án là 745 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn bảo trì kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý. ACV đề xuất thời gian dự kiến đóng cửa sân bay để thi công vào thời điểm sau cao điểm Tết Nguyên đán năm 2025 và kết thúc thi công trước cao điểm hè năm 2025 (dự kiến khoảng 4 tháng).