Cập nhật tình hình cơn bão số 3 – Yagi

Sáng nay (6.9), Yagi duy trì cấp siêu bão với sức gió mạnh nhất 201 km/h, dự kiến đêm nay vào vịnh Bắc Bộ gây gió mạnh, mưa to và giông lốc ở miền Bắc, Thanh Hóa.

Lãnh đạo TKV kiểm tra công tác phòng, chống bão Yagi tại mỏ than lộ thiên của Công ty CP Than Hà Tu. Ảnh: Truyền thông TKV

Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng yêu cầu các đơn vị khai thác lộ thiên nhanh chóng di chuyển các thiết bị đến nơi an toàn khi có mưa.

Đối với các đơn vị khai thác than hầm lò, tiếp tục củng cố các đường lò, đảm bảo hệ thống phát điện, hệ thống bơm. Khi bão vào khu vực nào thì lập tức dừng sản xuất, củng cố duy trì, bơm nước liên tục, thực hiện thông gió… đảm bảo an toàn cho các đường lò. Khi bão số 3 (bão Yagi) về, tất cả giám đốc các đơn vị sẽ trực 24/24h tại công ty theo yêu cầu của tập đoàn, chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ tán người, thiết bị, dân cư kịp thời.

Để phòng chống bão Yagi, từ nhiều ngày qua, các đơn vị của TKV đã triển khai các phương án phòng chống thiên tai đã xây dựng theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”. Các đơn vị có vận tải thủy kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện và thông báo yêu cầu di chuyển ra khỏi vùng có gió giật mạnh; neo đậu chắc chắn tại nơi tránh trú bão bảo đảm an toàn cho phương tiện và tài sản, hàng hóa. Thực hiện gia cố, chằng chống chắc chắn các thiết bị, kho dự trữ, nhà cửa, tài sản, nhất là các thiết bị có chiều cao lớn tại khu vực cảng biển.

Các công ty khai thác lộ thiên đã khẩn trương triển khai thực hiện phương án PCTT-TKCN, đặc biệt công tác thoát nước moong, huy động tối đa các hệ thống bơm hoạt động liên tục để bơm hạ nhanh mực nước moong và bố trí bơm dự phòng để bơm thoát nước nhanh nhất khi mưa lớn kéo dài, lượng nước xuống moong nhiều; bố trí hệ thống máy phát điện dự phòng phục vụ bơm nước moong; tăng cường công tác che chắn, quản lý các kho than… Cùng với đó, sẵn sàng phối hợp với địa phương và các đơn vị trong thực hiện phương án PCTT-TKCN, ứng phó với các tình huống có thể xảy ra, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của mưa bão đến sản xuất.

Với các mỏ khai thác hầm lò, đã bố trí lực lượng, phương tiện, thường xuyên kiểm tra bề mặt địa hình, khai thông dòng chảy, hạn chế nước xuống moong, đặc biệt công tác thoát nước mỏ hầm lò, không để ảnh hưởng đến sản xuất hầm lò.

Hiện, tại Quảng Ninh, TKV có 17 công ty khai thác than, trong đó có 4 đơn vị khai thác lộ thiên và 13 đơn vị khai thác hầm lò.

Trong trận đại hồng thủy vào cuối tháng 7 đầu tháng 8 năm 2015, các mỏ than ở Quảng Ninh bị thiệt hại khá nặng nề với nhiều hầm lò bị vùi lấp và các khai trường than lộ thiên, bãi thải bị sạt lở nặng.

Một khu nhà xưởng trong khai trường Công ty Than Hòn Gai bị đất, đá phủ lấp trong trận đại hồng thủy năm 2015. Ảnh: Nguyễn Hùng

Kiên Giang tạm ngưng tất cả tàu phà đi các đảo

Vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan, gió Tây Nam giật cấp 7-8, toàn bộ những chuyến tàu ra các đảo của Kiên Giang tạm ngưng hoạt động.

Những chuyến tàu phà đi các đảo ở Kiên Giang tạm ngưng hoạt động vì thời tiết xấu. Ảnh: Nguyên Anh

Cảng vụ Hàng hải tỉnh Kiên Giang cho biết, trước diễn biến thời tiết trên biển chuyển biến xấu, toàn bộ tàu phà từ đất liền đi các đảo Phú Quốc, Nam Du, Hòn Sơn và ngược lại đều tạm ngưng hoạt động đến khi có thông báo mới.

Sóng cao, gió giật mạnh nên để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của hành khách vì thế các tuyến tàu phà từ phải tạm ngưng hoạt động. Các hãng tàu và đại lý bán vé sẽ thông báo đến khách hàng ngay khi có lịch tàu chạy lại để hành khách chủ động sắp xếp.

Trước đó, từ ngày 31.8 đến ngày 3.9, địa bàn tỉnh có mưa lớn, dông lốc, gió mạnh, sóng lớn trên các vùng biển đã gây thiệt hại về tài sản của người dân.

Mưa lớn kèm theo dông lốc đã làm sập và tốc mái 4 căn nhà trên địa bàn huyện Gò Quao và huyện Vĩnh Thuận. Một phương tiện sà lan chở vật liệu xây dựng bị chìm, có 3 thuyền viên trôi dạt nhưng đã được cứu vớt đưa vào bờ an toàn. Mưa lớn kèm theo dông lốc cũng làm đổ sập cổng chào trên tuyến Quốc lộ N1, huyện Giang Thành.

Quảng Bình hoãn cuộc họp chưa cấp bách để ứng phó bão số 3

Tỉnh Quảng Bình yêu cầu các đơn vị căn cứ tình hình thực tế, chủ động tạm hoãn các cuộc họp chưa cấp bách nhằm triển khai ứng phó bão số 3.

Do ảnh hưởng của bão số 3, sáng 6.9, tỉnh Quảng Bình đã bắt đầu có mưa. Ảnh: Công Sáng

Sáng 6.9, ảnh hưởng của bão số 3, theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, thời tiết tại Quảng Bình bắt đầu mưa nặng hạt, chưa có gió.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình cho biết, UBND tỉnh Quảng Bình vừa ban hành công điện về việc triển khai ứng phó khẩn cấp bão số 3 (Yagi).

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Bình cũng chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ bản tin, cảnh báo diễn biến của bão, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” với tinh thần phải chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất.

Cùng đó, kiểm tra rà soát, chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn các khu dân cư có nguy cơ ảnh hưởng bão, nước dâng do bão ở khu vực ven biển, cửa sông, khu vực có nguy cơ ngập sâu, sạt lở, các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, các nhà không đảm bảo an toàn.

Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình, UBND các huyện, thành phố, thị xã ven biển khẩn trương rà soát kỹ, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển và tại nơi tránh trú, đặc biệt lưu ý các bờ nan, thuyền nhỏ.

Tiếp tục thông báo vị trí hướng di chuyển và diễn biến của bão, kiên quyết yêu cầu chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển không đi vào hoặc thoát ra khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn.

Các địa phương hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, triển khai công tác đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại nơi tránh trú, không để tàu thuyền hư hỏng do va chạm, cháy nổ khi neo đậu.

Sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các công trình, hệ thống đê, kè cửa sông, ven biển, đặc biệt là các công trình đang thi công ven biển (như kè biển Quảng Phúc, Nhật Lệ, Dự án đường ven biển và cầu Nhật lệ 2…), chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư tại chỗ để thực hiện ứng phó khi cần thiết.

Theo Báo Lao Động