Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép Bảo tàng Quảng Ninh phối hợp với Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội khai quật khảo cổ tại đầm Nhà Mạc (xã Yên Đức, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh).
Trong quyết định số 1643/QĐ-BVHTTDL do Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương ký, lãnh đạo Bộ VHTTDL cho phép Bảo tàng Quảng Ninh phối hợp với Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội khai quật khảo cổ tại địa điểm Đầm Nhà Mạc, xã Yên Đức, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
“Trong thời gian khai quật, cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích, có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa”, lãnh đạo Bộ VHTTDL yêu cầu.
Bảo tàng Quảng Ninh, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản những hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật, tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc và báo cáo Bộ trưởng Bộ VHTTDL phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.
Sau khi kết thúc đợt khai quật, hai đơn vị thực hiện khai quật phải có báo cáo sơ bộ và đề xuất phương án quản lý, bảo vệ khu vực đã khai quật trong thời gian chậm nhất một tháng và báo cáo khoa học trong thời gian chậm nhất một năm, gửi về Bộ VHTTDL.
Trong thế kỷ 16, nhà Mạc lấy vùng Đông Bắc làm căn cứ quân sự quan trọng suốt cuộc đấu tranh về quyền lực với nhà Lê – Trịnh. Quảng Ninh là một trong những tỉnh còn lưu lại nhiều dấu ấn của triều Mạc. Đầm nhà Mạc nằm ở vị trí giáp ranh huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) và thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) do Ninh Vương Mạc Phúc Tư khoanh vùng trồng cây ngập mặn, vừa bảo vệ đất đai, vừa làm nơi giấu quân. Ngày nay, đầm Nhà Mạc là nơi khai thác thủy sản. |