Dư luận vẫn luôn phản ứng tiêu cực khi giá vé máy bay “tăng trong khuôn khổ”.
Trong nhiều năm qua, giá vé bay nội địa vận động trong khung giá cố định do Nhà nước quy định, đồng thời cũng có đủ các hãng khai thác từ mô hình giá rẻ tới hàng không truyền thống (full service) để hành khách lựa chọn. Vậy nhưng dư luận vẫn luôn phản ứng tiêu cực khi giá vé máy bay “tăng trong khuôn khổ”.
Bỏ giá sàn, giữ nguyên giá trần
Vừa qua, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 13/2024/TT-BGTVT. Theo đó thay đổi hình thức định giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa từ khung giá sang quyết định giá tối đa, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Thực tế từ trước đến nay, giá vé của các hãng hàng không nội địa luôn tuân thủ theo khung giá vé quy định, bao gồm mức giá tối đa – giá trần. Ngay trong tháng 5 vừa qua, khi có phản ánh về việc giá máy bay tăng cao, Cục Hàng không đã lập tức tiến hành kiểm tra công tác bán vé của các hãng hàng không nội địa và khẳng định các Hãng vẫn đang bán vé dưới mức giá trần của Bộ GTVT.
Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines ông Đặng Anh Tuấn cho biết giá vé máy bay của các hãng bay nội địa có tăng song “còn cách rất xa so với mức giá trần mà Nhà nước quy định; giá vé hiện phổ biến chỉ bằng khoảng 76% so với giá vé quy định, có chặng chỉ bằng 43% so với giá quy định”.
Tuy có những số liệu rõ ràng, kết luận chính thức từ nhà chức trách, song dư luận vẫn gây sức ép lớn cho ngành hàng không nội địa khi cho rằng giá vé tăng do các hãng “thổi giá bất chấp”. Đây liệu có phải là sự đánh giá khách quan và công bằng với các hãng bay nội địa?
So sánh bất cân xứng
Theo dõi giá vé máy bay nội địa, không ít người lên án giá vé máy bay nội địa cao hơn so với các nước trong khu vực hay châu Âu, châu Úc trong cùng thời điểm nhưng so sánh này có phần thiếu công bằng. Bản chất khi so sánh, cần đặt các đối tượng có chung điều kiện và hoàn cảnh. Trong khi đó, giá vé máy bay nội địa thường bị đặt trong những so sánh bất cân xứng.
Đầu tiên, giá vé máy bay là có tính chất thời vụ và thời điểm rất cao nên các hãng bay đều xây dải giá rộng với 15 – 20 mức giá, tương ứng với các điều kiện, thời điểm mua khác nhau, giúp khách hàng có đa dạng lựa chọn về mức giá. Trong cùng một ngày của cùng một mùa cao điểm hay thấp điểm, các chuyến bay đêm đã có sự chênh lệch lượng khách với các chuyến bay giờ đẹp ban ngày, dẫn đến chênh lệch giá vé. Và cùng một thời điểm có thể vừa là cao điểm ở khu vực này, vừa là thấp điểm ở khu vực khác. Do đó, khó có thể so sánh giá vé bay các khu vực khác nhau trong cùng một thời điểm.
Tiếp đến, giá vé còn có thể bị tác động bởi cơ chế, chính sách của mỗi quốc gia. Ví dụ ở Việt Nam, giá vé máy bay được kiểm soát bởi mức giá tối đa để đảm bảo không có hãng hàng không nội địa nào, trong bất cứ giai đoạn nào, có thể tăng giá vé bất thường vượt quá mức trần. Còn ở Thái Lan, đất nước láng giềng thường được lấy làm tham chiếu giá vé với các hãng hàng không Việt Nam, không có quy định về giá trần nhưng có chính sách “cá biệt”.
“Thái Lan xác định doanh thu từ một khách du lịch theo 1 gói tổng thể, thay vì từng cấu thành dịch vụ đơn lẻ. Khi đó, một số đơn vị, trong đó có hãng bay, có thể chịu lỗ để bán vé dưới giá thành, nhằm thu hút khách đến Thái Lan tiêu dùng các dịch vụ tham quan, lưu trú, ăn uống mua sắm… Phần lợi nhuận tổng sau đó được tính toán chia ngược lại cho các đơn vị phải bù lỗ ban đầu. Như vậy, tất cả các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng du lịch đều có lợi, không dồn hết gánh nặng vào một nhóm ngành, cũng không xảy ra những tình trạng đổ lỗi khi vắng khách”, tổng giám đốc Bamboo Airways phân tích.
Ngoài ra, khi nhìn rộng ra theo xu hướng, giá vé máy bay tăng là xu hướng chung của toàn thế giới. Theo Báo cáo xu hướng toàn cầu (Global Trend Report) của FCM Consulting, giá vé máy bay quốc tế hạng phổ thông từ cuối năm 2023 đã tăng 17 – 25% so với năm 2019. Trong đó, giá vé tại khu vực châu Á tăng trung bình 21%, Úc/New Zealand tăng 22%, châu Âu tăng 18%, châu Mỹ tăng 17-25%.
Hàng không nỗ lực
“Các hãng hàng không luôn mong muốn đem đến giá vé tốt nhất cho khách hàng”, ông Nguyễn Bác Toán, Phó tổng giám đốc thương mại Vietjet khẳng định. Là hãng bay giá rẻ quen thuộc với các đợt mở bán vé 0 đồng (chưa bao gồm thuế phí) song thời gian qua, Vietjet Air cũng không tránh khỏi xu hướng tăng giá vé bay do ảnh hưởng của các yếu tố chi phí đầu vào tăng vọt, đội tàu sụt giảm do nhiều tàu bay nằm trong diện triệu hồi để bảo dưỡng hoặc thay thế động cơ.
Theo thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, đội tàu của các hãng bay Việt Nam đã giảm khoảng 50 tàu so với năm 2023. Phần lớn trong đó là tàu bị triệu hồi vì lỗi động cơ mà phải đến hết năm 2026, thậm chí sang đầu năm 2027 mới hoàn thành việc khắc phục để trở lại hoạt động. Năng lực cung ứng của các hãng hàng không Việt vì thế sụt giảm mạnh.
Khan hiếm máy bay cũng là tình trạng chung trên toàn cầu khi có nhiều vấn đề xảy ra với 2 nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới là Airbus và Boeing trong thời gian gần đây, đẩy giá thuê máy bay tăng vọt, thậm chí gấp đôi giá trước dịch. Tuy vậy, các hãng hàng không nội địa vẫn nỗ lực hết sức tìm cách tăng tải. Bamboo Airways cho biết hãng đã ráo riết tìm kiếm, đàm phán với các đối tác cho thuê tàu bay, chấp nhận “gồng lỗ” thêm để thuê thêm tàu trong cao điểm hè năm nay, nhằm tăng cung ứng cho thị trường. Vietjet Air không nhận thêm tàu bay, nhưng tăng cường khai thác các chuyến bay đêm để tung thêm vé giá rẻ.
Các chi phí đầu vào của ngành hàng không như xăng dầu, tỉ giá, giá thuê máy bay… tăng mạnh theo thời gian hoàn toàn có thể kiểm chứng qua các số liệu công khai. Trong khi giá vé bay nội địa phải tuân theo mức giá trần không đổi từ năm 2015 cũng là một sự thật khách quan. Rõ ràng, các hãng hàng không đã và đang rất nỗ lực bù lỗ, dù ít hay nhiều, để duy trì khai thác các đường bay nội địa. Bởi vậy hơn bao giờ hết, câu chuyện giá vé máy bay rất cần được trao đổi thẳng thắn và hiểu chính xác để đảm bảo công bằng với tất cả các bên, bao gồm cả các hãng hàng không.