Thời gian gần đây, lãi suất cho vay tăng mạnh, có ngân hàng đẩy lãi suất cho vay lên tới 14,5%, chưa kể nhiều khoản chi phí khác.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tăng hàng loạt lãi suất điều hành thêm 1%, trong đó lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ một đến dưới sáu tháng tăng lên mức 6%/năm.
Sau động thái này, hàng loạt ngân hàng tiếp tục đẩy mặt bằng lãi suất huy động lên cao hơn và mức cao nhất hiện đã trên 9%/năm. Chi phí vốn đầu vào tại các ngân hàng trở nên đắt đỏ hơn đã đẩy chi phí lãi vay bật lên mức cao mới, gây không ít khó khăn cho người vay tiền.
Lãi tăng mạnh nhưng khó vay
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty Việt Hưng, cho biết: Mấy năm qua, lãi suất cho vay chỉ dao động quanh mức 5,1%-5,4%/năm. Thế nhưng từ đầu tháng 10 đến nay lãi suất cho vay liên tục tăng mạnh.
Mới đây nhất, công ty đã được nhân viên ngân hàng thông báo tăng lãi vay lên 7,7%/năm, tức tăng tới 2,3% so với hợp đồng vay trước đó. Tương tự, lãi suất vay đồng USD cũng tăng từ 3,4% lên trên 5,5%/năm.
Việc giảm lãi suất cho vay gặp không ít thách thức
Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, NHNN cho rằng việc giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Quốc hội trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức với bốn nguyên do chính. Thứ nhất, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục đẩy nhanh tiến trình thu hẹp nới lỏng chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng lãi suất nhanh và mạnh. Thứ hai, lạm phát trong và ngoài nước có xu hướng gia tăng do giá nguyên vật liệu thế giới tăng, chi phí vận chuyển tăng, nguồn cung gián đoạn và tác động trễ của chính sách tiền tệ, tài khóa nới lỏng từ năm 2020. Thứ ba, lãi suất cho vay đã giảm ở mức thấp và đang tăng trở lại chủ yếu do cầu tín dụng gia tăng khi kinh tế tăng trưởng trở lại; lãi suất tiền gửi có xu hướng tăng. Thứ tư, tỉ giá USD/VND có xu hướng tăng, gây sức ép lên lãi suất tiền VND. |
“Nhưng ngay cả khi chấp nhận vay với lãi suất cao thì để ký hợp đồng vay mới cũng không đơn giản, bởi ngân hàng cũng gặp khó vì đã cạn room tín dụng” – ông Đôn nói.
Tương tự, ông Trần Văn An, Giám đốc Công ty CP Mekong Herbals, kể: Trước đây, lãi suất cho vay cao nhất của các ngân hàng mà công ty có quan hệ tín dụng là 9%/năm. Tuy nhiên, hồi đầu tháng 10 vừa qua, ông liên hệ với ngân hàng để làm thủ tục đáo hạn cho khoản vay cũ và muốn ký hợp đồng vay mới thì được nhân viên thông báo lãi suất cho vay hiện đã vọt lên tới 12,5%/năm. Ông tìm hiểu thêm một ngân hàng thương mại cổ phần khác thì họ cho biết lãi suất cho vay lên đến 14,5%/năm.
“Lãi suất cao, thủ tục vay rất nhiêu khê… nhưng đang trong giai đoạn khát vốn nên chúng tôi không thể làm căng với ngân hàng được. Bởi nếu họ không đẩy vốn về cho doanh nghiệp thì không chỉ dẫn đến nguy cơ phải hủy đơn hàng mà còn phải bồi thường thiệt hại cho đơn hàng đó nữa” – ông An nói.
Đại diện một công ty khác phản ánh lãi suất cho vay tăng khiến nhà kinh doanh khó chồng khó. Ví dụ khi lãi suất cho vay tăng 3,5%/năm thì chi phí vốn phải tăng thêm 60% nữa, vì các nhà cung cấp nguyên liệu cũng đẩy giá lên do họ cũng phải đi vay ngân hàng.
Chưa kể chi phí logistics biến động mạnh, chi phí tiền lương, khấu hao máy móc, dịch vụ cung cấp trung gian… cũng bị đẩy lên. Tất cả chi phí vốn trực tiếp lẫn gián tiếp đều tăng sẽ đẩy giá thành sản phẩm tăng lên, trong khi các đơn hàng xuất khẩu ký với đối tác thì không thể điều chỉnh giá với lý do… lãi suất cho vay tăng được.
“Ở thời điểm này, chúng tôi ráng sức làm để cầm cự. Bởi trong bối cảnh hiện nay không thể dự trù được chi phí cho tương lai trong vòng một năm mà chỉ tính theo từng tháng, từng quý” – vị lãnh đạo công ty nói.
Muốn vay thì phải “bia kèm lạc”
Nhiều doanh nghiệp tính toán từ đầu năm đến nay lãi suất cho vay đã tăng trung bình 2%-4,5%/năm tùy ngân hàng. Không chỉ lãi suất tăng mạnh, để vay được vốn khách hàng phải mua bảo hiểm nhân thọ và nhiều chính sách kiểu “bia kèm lạc” khác.
Phó tổng giám đốc một công ty kinh doanh đồ gỗ tại TP.HCM cho biết: Không chỉ tăng mạnh lãi suất cho vay mà nhiều ngân hàng còn điều chỉnh kỳ hạn cho vay. Cụ thể, trước đây ngân hàng đồng ý cho công ty vay với kỳ hạn một năm đáo hạn một lần nhưng sang đến đầu năm nay thì chỉ cho vay chín tháng và đến giờ rút ngắn xuống chỉ còn sáu tháng. Vì rút kỳ hạn cho vay xuống quá ngắn như vậy nên công ty không thể hoạch định được kế hoạch kinh doanh dài hạn, kể cả trong vòng một năm tới.
Vị này thông tin thêm: Trên website của một số ngân hàng công bố lãi suất cho vay thấp nhưng thực tế thì cao hơn rất nhiều. Chưa kể mỗi hợp đồng vay đều bắt buộc phải mua bảo hiểm nhân thọ 70-80 triệu đồng cho khoản vay 5-6 tỉ đồng. Vì vậy nếu cộng thêm khoản chi phí này, lãi suất thực tế còn cao hơn nhiều so với hợp đồng chính thức.
“Thậm chí có ngân hàng còn đặt vấn đề với người đi vay bằng cách ký hợp đồng “tư vấn tài chính” với mức phí 20-30 triệu đồng. Dù đang tồn tại một số điều khoản lạ lùng như vậy nhưng nhà kinh doanh như tôi vẫn phải cắn răng chịu đựng để vay vì sự tồn tại của công ty với mấy trăm người” – vị lãnh đạo công ty bày tỏ.
Giám đốc Mekong Herbals Trần Văn An cũng cho rằng tình hình kinh doanh chưa phục hồi hoàn toàn thì lãi suất vay lại tăng quá nhanh khiến gánh nặng trả nợ ngân hàng càng lớn hơn.
Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, ông An cho biết công ty tìm cách thương thảo với những khách hàng truyền thống để họ giải ngân trước khoảng 30% giá trị hợp đồng. Nếu họ đồng ý với điều kiện này thì công ty sẽ giảm bớt giá thành sản phẩm cho họ.
“Cách làm này vừa giúp cho chúng tôi giảm bớt chi phí lãi vay, còn phía khách hàng có được mức giá tốt hơn. Tuy nhiên, với khách hàng mới thì rất khó để tìm tiếng nói chung khi yêu cầu họ trả tiền trước, nhận hàng sau dù với bất cứ số tiền nào” – lãnh đạo Công ty Mekong Herbals cho biết.
Đại diện một số công ty khác cũng cho hay trong bối cảnh lãi suất cho vay tăng cao như hiện nay quan trọng nhất là kiểm soát dòng tiền, cân nhắc việc mở rộng kinh doanh, tối ưu hóa nguồn vốn để đỡ phải đi vay.
Lãi suất tiền gửi lên mốc mới, có nơi tăng thêm 2,5%
Ngày 26-10, hàng loạt ngân hàng thông báo tiếp tục tăng lãi suất tiền gửi, trong đó có nơi tăng lên mức 9,3%/năm để huy động nguồn vốn. Theo đó, biểu lãi suất tiền gửi tại Ngân hàng VPBank tiếp tục tăng 1,3%-1,6% tùy từng kỳ hạn và hạn mức gửi tiền. Đơn cử, khách hàng gửi tiền dưới 300 triệu đồng với kỳ hạn sáu tháng sẽ được hưởng lãi suất 7,4%/năm, tăng hơn 1,6%/năm so với đầu tháng 10. Cũng trong hôm qua, Ngân hàng Techcombank thông báo biểu lãi suất huy động mới, trong đó các kỳ hạn từ một đến dưới sáu tháng tăng 2,35%-2,55%/năm so với biểu lãi suất cũ. Ví dụ với kỳ hạn sáu tháng cho đến gần một năm đang ở mức 6,9%/năm, tăng 1,35%-1,55%/năm. Tương tự, tại Ngân hàng SCB, lãi suất tiền gửi online với các kỳ hạn từ 15 tháng tăng lên mức 9,3%/năm. Lãi suất kỳ hạn một năm ở mức 9,15%/năm. Đại diện một ngân hàng thừa nhận việc tăng mạnh lãi suất tiền gửi tác động tới mặt bằng chi phí huy động đầu vào, từ đó ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của các ngân hàng. Bên cạnh đó, các ngân hàng đã cạn room tín dụng. Trong bối cảnh trên buộc các ngân hàng phải điều chỉnh lãi suất cho vay. Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng khi lãi suất tăng thì người gửi tiền và người cho vay sẽ được lợi, còn bên đi vay sẽ phải trả lãi suất cao hơn (bao gồm cả nợ đang phải trả và nợ mới). Khi tăng lãi suất sẽ gây khó khăn đối với doanh nghiệp vì họ đi vay là chủ yếu. “Đây là bài toán rất khó của NHNN. Cơ quan này phải cân đối, tính toán đa chiều, tổng hòa các mặt để đưa ra quyết định tăng hay giảm lãi suất, rồi mức độ và tần suất như thế nào” – TS Lực nhấn mạnh. |
Theo PLO