Không ít khách hàng than trời khi không thể mua được vàng miếng để trả món nợ cách đây nhiều năm. Trong khi đó, giao dịch tại thị trường “chợ đen” có phần nhộn nhịp. Chuyên gia đưa cảnh báo.
“Sóng ngầm” mua bán vàng miếng
Chị Trương Ngọc (TP Thủ Đức, TPHCM) đang cần tìm mua gấp 5 lượng vàng để trả nợ, nhưng trầy trật nhiều tuần qua vẫn chưa thể mua. Từ đầu tháng 8 đến nay, chị liên tục canh đặt mua trực tuyến từ sáng sớm nhưng đều bị thông báo là hết lượng bán trong ngày. Sau đó, chị Ngọc tìm các hội nhóm trên mạng xã hội và quyết định mua lại suất mua vàng với giá 200.000 đồng.
Mới đây, một số ngân hàng quốc doanh vừa điều chỉnh quy trình giao nhận vàng miếng SJC. Vietcombank và VietinBank thông báo lùi thời gian giao vàng miếng cho khách hàng. Người mua sẽ nhận vàng miếng sau 2 ngày làm việc kể từ thời điểm đăng ký và giao dịch thành công. Theo Vietcombank, việc thay đổi này do quy trình vận chuyển, giao nhận và quản lý vàng miếng. Agribank, BIDV và Công ty SJC chưa có thông báo thay đổi, vẫn áp dụng cách đặt lịch online và giao vàng trong ngày khi giao dịch thành công.
“Dù đã đăng ký được suất mua vàng nhưng tôi vẫn phải mất tổng cộng là 3-4 ngày để hoàn tất việc mua và nhận vàng về tay”, chị Ngọc chia sẻ. Người mua vàng này cho rằng việc mua vàng hiện không dễ như trước, không phải “nay cần mai có”, mà phải chờ nhiều ngày từ khâu đăng ký mua trực tuyến, giới hạn số lượng, chờ thêm 2 ngày sau mới giao vàng.
Trên các hội nhóm, chị Ngọc cũng thấy nhiều tài khoản đăng bán giao dịch vàng miếng SJC với giá chỉ chênh từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng so với giá của các doanh nghiệp niêm yết. Tuy nhiên, chị Ngọc cũng bày tỏ băn khoăn về chất lượng cũng như tính pháp lý khi giao dịch trên “chợ đen”.
Chị Thùy Dương (Hoàng Mai, Hà Nội) nói có nhu cầu mua 4 lượng vàng miếng SJC để trả nợ. Thế nhưng, nhiều ngày nay chị không thể đặt mua vàng trực tuyến từ 4 ngân hàng quốc doanh cũng như từ Công ty SJC.
Thực tế, nhu cầu mua vàng trong nước vẫn ở mức cao. Lượt đăng ký của các ngân hàng quốc doanh và SJC vẫn trong tình trạng kín chỗ chỉ sau ít phút đầu giờ. Khách hàng bị tình trạng báo lỗi hệ thống ở thời điểm đầu ngày, khó khăn khi đăng nhập đặt trước mua vàng của các ngân hàng. Vài phút sau khi mở cửa, hệ thống các ngân hàng cũng kín chỗ, thông báo ngừng đặt trước. Chị Dương cũng đi nhiều cửa hàng kinh doanh vàng lớn trên địa bàn Hà Nội cũng khó mua được vàng miếng.
Giá bán ra vàng miếng SJC ở mức 81 triệu đồng/lượng. So với thời điểm cách đây 5 năm, chị phải bù thêm gần 40 triệu đồng/lượng. Nhưng vấn đề quan trọng là không biết mua vàng SJC ở đâu để trả nợ. “Người bạn cho vay vàng nên giờ cũng chỉ nhận vàng, tôi đau đầu không biết mua vàng miếng SJC ở đâu. Có người khuyên nên ra cửa hàng vàng chờ người tới bán thì giao dịch bên ngoài. Cách này có thể làm được nhưng tôi sợ không đảm bảo vàng thật”, chị nói.
Trong khi việc mua bán vàng ở Công ty SJC và 4 ngân hàng cũng như tại các tiệm vàng khá trầm lắng thì trên các hội nhóm, mạng xã hội, vẫn có nhiều người rao mua, rao bán vàng miếng số lượng lớn.
Thị trường “chợ đen” xuất hiện tin rao bán vàng giá 82,5-83 triệu đồng/lượng, cao hơn niêm yết 1-2 triệu đồng/lượng. Chị Dương tìm hiểu thì thấy tại Hà Nội có các đầu mối là kinh doanh vàng tự do là những cá nhân không đăng ký kinh doanh, không mở tiệm vàng. Họ thường thu gom vàng miếng SJC trên thị trường để bán lại cho những người cần vàng như chị Dương.
Chuyên gia: Giá vàng vẫn trong vùng nhạy cảm
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM (UEH), chia sẻ vàng là yếu tố mùa vụ, sức nóng của thị trường hạ nhiệt dần sau nhiều tháng. Hiện tại là thấp điểm của thị trường, nhu cầu mua bán vàng thường tăng cao ở giai đoạn đầu và cuối năm.
Bên cạnh đó, các động thái từ phía cơ quan quản lý Nhà nước cũng như Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua cũng khiến không ít nhà đầu tư chùn tay, cân nhắc kỹ hơn trước quyết định mua vàng. Ví dụ, mua vàng phải khai báo, đăng ký mua vàng trực tuyến, nhận vàng sau 2 ngày kể từ khi mua vàng thành công… những điều này làm thị trường hạ nhiệt, kém sôi động hơn trước.
Ông Huân cho rằng nếu muốn bình ổn giá vàng bằng mọi giá thì sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá và lạm phát. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cũng nên xem xét đến những phương án khác hiệu quả hơn. Chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm này của Mỹ, ở thời điểm giá vàng căng thẳng thì người dân không được giữ vàng vật chất mà chỉ được giữ chứng chỉ vàng và gửi vàng ở ngân hàng trung ương. Ngân hàng có thể trả lãi suất cho người gửi vàng này. Tuy nhiên, Việt Nam cần có lộ trình xây dựng cho phương án này.
Cũng theo ông Huân, Nhà nước nên có những quy định khuyến khích người dân đem vàng gửi cho ngân hàng trung ương với mức lãi suất thấp.
Chuyên gia cũng lưu ý, dự trữ ngoại hối Việt Nam không nhiều, dùng ngoại hối để bình ổn thị trường vàng phải trả giá quá cao. Việt Nam đang dành khá nhiều nguồn lực và sự quan tâm về thị trường vàng, làm thị trường này càng thêm sốt.
Vì vậy, cần phải có những biện pháp làm giảm sức hấp dẫn của thị trường vàng, hướng người dân sang những kênh đầu tư khác hỗ trợ phát triển nền kinh tế.
Chuyên gia đánh giá, giá vàng hiện nay vẫn trong vùng nhạy cảm. Nhà đầu tư cần cân đối danh mục của mình sang một số kênh khác như tiền gửi tiết kiệm, chứng khoán, bất động sản phân khúc chung cư. Tránh phụ thuộc chỉ đầu tư vào kênh vàng.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, người dân có nhu cầu mà không mua được vàng đã dần dần hình thành thị trường “chợ đen”, buôn bán ngầm xảy ra giữa các tổ chức, cá nhân.
Nếu đúng theo quy định, người dân chỉ được phép giao dịch ở những điểm mua bán vàng được nhà nước cấp giấy phép mua bán vàng miếng SJC. Thế nhưng, với mặt bằng giá vàng hiện nay, các đơn vị được phép này nếu có vàng miếng SJC cũng sẽ không thể nào bán được bởi thời gian trước, giá mua vào của các đơn vị có thời điểm lên 85-90 triệu đồng/lượng, nếu bán với giá 78-80 triệu đồng/lượng thì coi như lỗ. Do đó, không tránh khỏi trường hợp các công ty dù có vàng cũng sẽ không muốn bán.
Thị trường chỉ có thể bình ổn nếu nguồn cung dồi dào và kéo giá giảm. Với vùng giá thấp thì khả năng nhu cầu sẽ tiếp tục tăng lên nhiều. “Trường hợp cung vàng thoải mái thì sẽ là một khối lượng không hề nhỏ. Điều này sẽ liên quan đến vấn đề tỷ giá mà Ngân hàng Nhà nước sẽ phải tính toán”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Khi giao dịch trên thị trường “chợ đen”, đặc biệt là vàng nhẫn, người mua vàng cần lưu ý về chất lượng vàng và tính thanh khoản. Một số trường hợp, vàng mua tại cửa hàng nào thì chỉ nên bán ở cửa hàng đó, nếu bán khác thương hiệu giá vàng thu mua sẽ không cao, thấp hơn nhiều so với giá mua ở cửa hàng ban đầu.
Chuyên gia cũng lưu ý về việc không tránh khỏi tình trạng vàng bị hao hụt, vàng giả, pha trộn, không đảm bảo tỷ lệ chất lượng. Người dân thực sự có nhu cầu mua vàng thì nên cân nhắc kỹ khi giao dịch tại thị trường này. Còn trường hợp mua để đầu tư, đầu cơ thì nên hạn chế vì có nhiều rủi ro tiềm ẩn.