Tập đoàn Lộc Trời liên tiếp nhận thêm các đơn hàng nhập khẩu gạo mới với số lượng lớn sau khi sản phẩm gạo mang thương hiệu Cơm Việt Nam Rice của tập đoàn này chính thức được bán vào thị trường châu Âu và lên kệ tại 2 hệ thống đại siêu thị hàng đầu châu Âu và Pháp (Carrefour và Leclerc) hồi tháng 9 vừa qua.
Theo tiết lộ của ban lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, tính đến tháng 10/2022, tập đoàn đã nhận đặt hàng trên 400.000 tấn gạo từ các khách hàng. Trước đó, 1.000 tấn gạo đầu tiên mang thương hiệu Cơm Việt Nam Rice xuất khẩu sang châu Âu đã nhanh chóng được bán hết và các đối tác nhập khẩu tiếp tục đặt hàng với số lượng lớn hơn. “Số lượng đặt hàng tăng lên cho thấy các khách hàng đã tin tưởng và sử dụng gạo Cơm Việt Nam Rice của Lộc Trời” – ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ. Theo đó, điều này tạo cơ sở cho Lộc Trời đẩy mạnh mở rộng sản xuất lớn, tổ chức các vùng trồng theo các yêu cầu của thị trường.
Để chuẩn bị nguồn vốn cho việc sản xuất gạo đáp ứng các đơn hàng, ngày 24/10, Lộc Trời đã ký kết hợp đồng cấp tín dụng hợp vốn với 7 ngân hàng lớn trong và ngoài nước với hạn mức 100 triệu USD trong thời hạn 3 năm.
Đó là Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB), Ngân hàng Kasikornbank, Ngân hàng First Commercial Bank (FCB), Agricultural Bank Of China Limited (Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, chi nhánh Hà Nội), China Construction Bank Corporation (Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, chi nhánh TP.HCM), CTBC Bank Co.Ltd. (Ngân hàng TNHH CTBC), E.SUN Commercial Bank (Ngân hàng Thương mại E.SUN, chi nhánh Đồng Nai).
Gói tín dụng được giải ngân thông qua việc cấp giống, vật tư nông nghiệp, các dịch vụ nông nghiệp của tập đoàn cho các liên minh hợp tác xã, hợp tác xã, tổ sản xuất và bà con nông dân liên kết với Lộc Trời. Việc giải ngân này được tiến hành theo tiến độ mùa vụ và được số hóa toàn bộ thông qua các ứng dụng công nghệ được phát triển riêng với giao diện dễ sử dụng, giúp bà con dễ theo dõi tiến độ sản xuất trong suốt thời gian canh tác.
Ông Huỳnh Văn Thòn cho biết hiện nhu cầu vốn của Lộc Trời lên đến 1 tỷ USD dành cho sản xuất và thêm 2 tỷ USD nữa để thu mua toàn bộ nguyên liệu lúa của nông dân. Theo đó, so với nhu cầu của Lộc Trời thì gói tín dụng 100 triệu USD lần này không lớn, nhưng sẽ là cơ sở để tiến tới con số 1 tỷ USD trong tương lai.
Ông Lê Thanh Hạo Nhiên, Giám đốc Tài chính Tập đoàn Lộc Trời cho biết, để có được kết quả ký kết với 7 ngân hàng, Lộc Trời đã trải qua 1 năm đàm phán với các đối tác ngân hàng nhằm có được nguồn vốn ổn định và chi phí vốn hợp lý, đảm bảo lợi ích cho các bên tham gia trong chuỗi sản xuất lúa gạo của tập đoàn.
Theo HQ online