Chiêu “lùa gà” bán hàng triệu USD để hút người tham gia các khóa đào tạo livestream

Nhiều chủ cửa hàng sẵn sàng chi tiền để tham gia các khóa học dạy livestream với mong muốn thoát nghèo và nổi tiếng. Song kết quả khiến không ít người thất vọng.

Nhiều khoá học bán hàng trên mạng có giá không hề rẻ

Livestream bán hàng nổi lên như một trào lưu thu hút nhiều nhân sự trẻ tham gia. Cũng từ đó, các khóa đào tạo livestream ra đời với những lời mời gọi hấp dẫn: “Biến bạn thành người bán hàng triệu đô trong 30 ngày!”, “Khóa học độc quyền từ chuyên gia hàng đầu”, “Đảm bảo kiếm tiền ngay từ buổi livestream đầu tiên”.

Những lời hứa hẹn này đã khiến nhiều người không tiếc tiền để đăng ký tham gia.

Bán hàng đỉnh cao, nhân 10 doanh số?

Chị Trang Nhung (35 tuổi, chủ một cửa hàng gia dụng ở đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) trước đây chỉ bán hàng cho khách đến mua trực tiếp. Lướt mạng xã hội, chị thấy nhiều người livestream bán hàng có tỷ lệ chốt đơn cao, thu nhập khủng nên quyết tâm thay đổi cách kinh doanh.

Thấy cần phải trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết, chị tìm hiểu khóa học được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội với những lời hứa hẹn “học nhanh, kiếm tiền dễ”, chị đã đăng ký tham gia.

Chia sẻ với VietTimes, chị Nhung cho biết khóa học livestream được quảng cáo là giảng dạy theo phương thức 1:1 với cam kết bán được nghìn đơn trong một ngày. Có giá 30 triệu đồng/10 buổi, nhưng thực chất, nội dung khoá học chỉ là những video quay một nhân vật nói về những lý thuyết bán hàng.

Nhiều người mong muốn học xong khoá học bán hàng online sẽ kiếm được thu nhập khủng. Ảnh: Vietnamnet.

Không được dạy trực tiếp, mọi trao đổi diễn ra trong một nhóm chat chung. Giảng viên gửi tài liệu để mọi người xem trước, đến tối, người này sẽ online và giải đáp thắc mắc của học viên.

“Học phí 35 triệu đồng, giảm nhanh 5 triệu cho người đăng ký sớm và còn tặng kèm bộ tài liệu đi nghìn đơn. Thấy hấp dẫn nên tôi vội đăng ký. Đó không phải số tiền nhỏ nhưng nghĩ đến việc sau này có thể thu lại được nhiều hơn nên tôi vẫn rút tiết kiệm ra để đăng ký học”, chị Nhung kể lại.

Giống chị Nhung, Tài Phúc (27 tuổi, khởi nghiệp với cửa hàng công nghệ ở Đông Anh, Hà Nội) cũng tìm đến các khóa học livestream được rao bán trên mạng xã hội. Thấy nhiều người livestream chỉ cầm sản phẩm lên nói rất dễ dàng, không mất nhiều công sức mà thu lại lợi nhuận cao nên chàng trai này càng muốn tham gia.

Những cụm từ như “chỉ với vài triệu, nắm trọn bí quyết ra nghìn đơn”, “bán hàng đỉnh cao, nhân 10 doanh số” hay “ nghìn đơn về tay”,… khiến Phúc hào hứng. Thanh niên này liên hệ một người tự xưng là chuyên gia rồi trả 15 triệu đồng cho 5 buổi học với nội dung định hình phong cách livestream, cách bán hàng thu hút, giữ chân khách hàng,…

“Tôi lướt Facebook thấy quảng cáo chỉ mất 500.000 đồng là có thể thành thạo mọi công cụ để livestream nên nhắn tin cho page đó luôn. Tuy nhiên, lúc nhân viên tư vấn học báo số tiền vài trăm kia chỉ là để mở tài khoản học lý thuyết, còn muốn học thực chiến có kết quả luôn phải học khóa 15 triệu đồng”, Phúc nói.

Nhiều khoá học bán hàng online xuất hiện trên mạng.

Sau khi thanh toán, Phúc được tham gia một nhóm chat, cung cấp quyền truy cập vào các video bài giảng. Ban đầu, các bài giảng được thiết kế đẹp mắt và dễ hiểu. Tuy nhiên, sau vài buổi học, anh nhận ra nội dung khóa học khá sơ sài, thiếu chiều sâu, chủ yếu là những kiến thức cơ bản dễ dàng tìm thấy trên mạng.

Những buổi học trên lớp chỉ kéo dài 1 giờ, các bài giảng thiếu tính thực tiễn và không có hướng dẫn cụ thể để áp dụng kiến thức vào thực tế, còn người giảng dạy thường trả lời rất chung chung, qua loa. Ngoài ra, người học chỉ nhận được một bộ tài liệu rất sơ sài, cung cấp vài thông tin cơ bản như mở gian hàng, đăng sản phẩm, quy trình bán hàng trên TikTok Shop.

“Tôi thấy mình như vứt tiền qua cửa sổ. Học xong 5 buổi nhưng thực sự vẫn không có được quá nhiều kiến thức trong đầu. Nhiều hôm giảng viên dạy còn báo bận, thay vào đó là một bạn sinh viên năm 2, năm 3 đứng lớp dạy chúng tôi. Không khác gì mấy lớp học lùa gà”, Phúc bức xúc.

Một số thành viên trong lớp đã gặp giáo viên để đòi lại học phí vì chất lượng khoá học không được như cam kết ban đầu nhưng thành công. Thậm chí, sau khi kết thúc khóa học, các link tài liệu, video bài giảng đều bị khoá.

“Học xong, tôi như gà mờ”

Chị Đàm Huyền (33 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) cũng tỏ rất thất vọng với số tiền bỏ ra quá lớn nhưng chất lượng khóa học không được như ý.

“Lúc đầu tôi được giới thiệu chỉ phải bỏ ra 4 triệu để học trọn vẹn các kiến thức bán hàng online. Thời điểm đó, đang nghỉ thai sản nên tôi thấy việc bỏ số tiền đó ra học cũng không quá đắt, cũng có cái để làm luôn. Tuy nhiên, sau khi học gần xong, tôi được tư vấn nên bỏ thêm 11 triệu sẽ được học trọn gói 3 lớp chuyên sâu bán hàng, chuyên livestream và dịch vụ hỗ trợ xây kênh”, Huyền nói.

Rất nhiều đơn hàng đã đóng gói được đăng tải nhằm dẫn dụ các “con mồi” tham gia vào các khóa đào tạo bán hàng online.

Huyền chia sẻ bản thân thấy phí phạm tiền bạc, thời gian cho những khoá học như vậy. Chị cảm thấy bị ‘lùa gà’ vì người dạy không có kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực livestream bán hàng. Các buổi học thường chỉ lặp lại những thông tin lý thuyết mà không có sự hướng dẫn cụ thể hay giải đáp thắc mắc một cách thỏa đáng.

“Sau khi học xong khóa học đó, cảm nhận đầu tiên của tôi là như gà mờ. Tất cả những kiến thức ấy đều rất cơ bản, lên mạng tìm kiếm là ra. Hơn nữa, họ còn tinh vi đến mức cài cắm, tự lập nick ảo để đi đơn trên shop của mình, nhằm tạo lòng tin. Tuy nhiên tất cả là đơn ảo, khiến kênh mình xây trên Shopee và TikTok đều bị vi phạm chính sách dẫn đến khoá kênh”, chị Huyền chia sẻ.

Các học viên chi tiền cho các lớp học “lùa gà” nhận ra rằng người bán các khóa học thường áp dụng chiêu bài hối thúc “chốt sale” như: nhanh tay đăng ký, để lại số điện thoại, đặt cọc ngay trong hôm nay sẽ nhận được ưu đãi khủng,… Nhiều người lo sợ mình chậm tay nên vội vã chuyển khoản, thậm chí đi vay mượn đóng tiền học mà chưa kịp nhấp chuột để tìm hiểu, kiểm tra kỹ càng.

Chị Trần Tú Quyên, Giám đốc Kinh doanh của Vitamin Network – đối tác chiến lược chính thức của TikTok tại Việt Nam đồng thời là đơn vị triển khai TikTok Shop và quản lý nhiều hot TikToker – cho biết hiện nay trên thị trường có rất nhiều khóa học đào tạo livestream đang cung cấp những kiến thức chỉ mang tính sách vở mà thiếu tính thực chiến, khiến học viên học xong về cũng không thể ứng dụng.

Người lao động trước khi muốn đăng kí khoá học bán hàng online, livestream cần phải tìm hiểu thông tin kỹ càng, chính xác từ người giảng dạy cho đến thông tin khóa học.

Theo Tạp Chí Điện Tử VIET TIMES