Theo đánh giá ở thời điểm hiện nay, đề xuất chuyển hoàn toàn việc quản lý xăng dầu về Bộ Công Thương gồm cả quyết định về giá, chi phí định mức… là hợp lý.
Các công ty bán lẻ xăng dầu cho biết vẫn khó lấy hàng, chiết khấu thấp, thua lỗ kéo dài. Tình trạng đứt gãy cục bộ nguồn cung, cửa hàng xăng dầu ở một số địa phương hết hàng khiến người dân mệt mỏi, bức xúc.
Vẫn chưa gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp xăng dầu
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến những bất ổn trên thị trường xăng dầu, Bộ Công Thương nhiều lần cho biết do diễn biến thị trường xăng dầu thế giới phức tạp, nguồn cung khan hiếm, giá liên tục tăng cao. Do giá biến động lớn, các công ty kinh doanh xăng dầu thua lỗ liên tục, phải cắt giảm chiết khấu, giảm sản lượng hoặc gián đoạn việc bán hàng.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cho biết nguồn cung xăng dầu sụt giảm còn do nguyên nhân như tín dụng bị thắt chặt trong khi giá xăng dầu tăng. Trong khi đó, các công ty đầu mối do thua lỗ, chi phí nhập khẩu xăng dầu tăng cao nên không đủ tài chính nhập hàng…
Để tháo gỡ vấn đề này, Bộ Công Thương đã có văn bản hỏa tốc đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm giúp các doanh nghiệp tăng nguồn lực mua xăng dầu.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa kiến nghị Bộ Tài chính có tính toán, điều chỉnh phù hợp nhằm bù đắp chi phí phát sinh và đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Bởi thời gian qua một loạt chi phí đầu vào tăng mạnh chưa được tính đúng, tính đủ.
Trước đó, hàng loạt công ty xăng dầu cũng đưa ra kiến nghị tương tự. |
Về phần mình, các công ty đầu mối xăng dầu cho rằng họ được cấp hạn mức tín dụng ở ngân hàng với số tiền rất lớn. Tuy nhiên, với nhiều lý do nên chỉ giải ngân được phần nhỏ hạn mức được cấp.
Về chi phí định mức xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biếtngày 21-10 bộ đã có văn bản lấy ý kiến Bộ Công Thương và các doanh nghiệp đầu mối về việc nâng chi phí định mức. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Phớc, đến nay mới chỉ nhận được văn bản trả lời của sáu công ty đầu mối và văn bản phản hồi của Bộ Công Thương cũng chưa có.
Chính phủ yêu cầu giải quyết ngay nhiều vấn đề
Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường xăng dầu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính liên tiếp có chỉ đạo đến Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan. Vào cuối tuần qua, ngày 29-10, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành có liên quan và một số công ty đầu mối lớn như Petrolimex, PVN. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết tại cuộc họp này, Phó Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo thực hiện các giải pháp trước mắt và căn cơ lâu dài.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính kịp thời điều chỉnh các chi phí trong cơ cấu giá xăng dầu. Đơn cử như chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức… nhằm bảo đảm duy trì hoạt động cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Đồng thời, Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo điều kiện cho các công ty đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện việc thông quan hàng hóa xăng dầu, để kịp thời bổ sung nguồn hàng từ nguồn nhập khẩu cho thị trường trong nước.
Phó Thủ tướng cũng giao NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại hỗ trợ, tạo điều kiện cho các công ty kinh doanh xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ. Thông qua đó hỗ trợ các doanh nghiệp tăng nguồn lực tài chính, giảm chi phí để nhập khẩu hoặc mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường.
Đối với Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng yêu cầu bộ phối hợp với các bộ, ngành để đảm bảo nguồn cung xăng dầu, rà soát các hệ thống phân phối đại lý xăng dầu trên toàn quốc; UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương chỉ đạo các sở, ban ngành tạo điều kiện cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu vận chuyển xăng dầu trong giờ cao điểm; chỉ đạo các doanh nghiệp cung ứng xăng dầu trên địa bàn có phương án đảm bảo nguồn cung xăng dầu.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành như Nghị định 83/2014 và Nghị định 95/2021 và các thông tư hướng dẫn liên quan kinh doanh xăng dầu. Qua đó tổng hợp những nội dung bất cập trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế.
Hy vọng sau chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, thị trường xăng dầu sẽ sớm ổn định trở lại. Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, nói rằng tới thời điểm này, có thể khẳng định sức chịu đựng của các đơn vị kinh doanh xăng dầu rất kiên cường bởi những biến động khó lường của thị trường xăng dầu thế giới năm 2022.
Giao quản lý xăng dầu về một đầu mối là hợp lý
Tại phiên thảo luận về kinh tế – xã hội của Quốc hội ngày 28-10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề xuất sắp tới Chính phủ sửa đổi quy định về kinh doanh xăng dầu thì giao toàn diện phần xăng dầu về cho Bộ Công Thương, kể cả phần quyết định giá và chi phí định mức để chủ động trong việc đảm bảo nguồn cung. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 diễn ra ngày 29-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng giao Bộ Công Thương sửa đổi Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, với tinh thần chung là quy về một đầu mối quản lý phù hợp tình hình. Bình luận về đề xuất này, một số chuyên gia cho rằng việc đưa mảng xăng dầu về Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý thống nhất là phù hợp, tránh tình trạng “bộ này đổ cho bộ kia” mà không làm rõ được trách nhiệm thiếu xăng dầu là do bộ ngành nào, chậm trễ trong việc đưa ra các giải pháp như tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ diễn ra vừa qua. Mặt khác, lâu nay giao cho Bộ Công Thương quản lý sản xuất, kinh doanh, hướng dẫn về giá cơ sở xăng dầu nhưng liên quan đến công thức tính giá xăng dầu thì lại vẫn giao một phần trách nhiệm cho Bộ Tài chính quản lý là phần chi phí định mức… dẫn đến bị cắt khúc, không hợp lý. Trong khi đó, vướng mắc lớn nhất trên thị trường xăng dầu thời gian qua là việc chi phí giá xăng dầu chưa được tính đúng, tính đủ khiến nhà kinh doanh xăng dầu thua lỗ. |
Theo PLO