Chính sách bồi thường dự án điện hạt nhân Ninh Thuận ở mức cao nhất

Với 459/460 phiếu tán thành, Quốc hội chính thức thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Phối cảnh dự án điện hạt nhân Ninh Thuận năm 2016. Ảnh tư liệu: VGP

Sáng 19.2, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Trước khi biểu quyết thông qua, Chủ nhiệm ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đã trình bày trước Quốc hội Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Theo ông Huy, trên cơ sở ý kiến của Chính phủ, các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH), các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết và có Báo cáo đầy đủ số 1197/BC-UBTVQH15 ngày 18.2.2025 gửi các vị ĐBQH. Ông Huy cũng trình bày tóm tắt một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ – Môi trường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết. Ảnh Quochoi.vn

Về cơ chế, chính sách đối với tỉnh Ninh Thuận (khoản 9 Điều 3), theo báo cáo của Cơ quan chủ trì soạn thảo trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân, tỉnh Ninh Thuận rất khó thu hút các nhà đầu tư, trong khi tỉnh có xuất phát điểm thấp, gặp nhiều khó khăn, nguồn lực rất hạn chế để triển khai các dự án phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Việc hỗ trợ thêm nguồn thu cho tỉnh Ninh Thuận trong thời gian này là hết sức cần thiết để vừa phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương vừa tạo điều kiện phát triển hạ tầng tạo thuận lợi để phục vụ triển khai đầu tư xây dựng Dự án, trong đó có việc bồi thường, thu hồi đất, tái định cư và an sinh xã hội trong giai đoạn trước mắt. Các chính sách cụ thể, dài hạn sẽ giao Chính phủ và UBND tỉnh Ninh Thuận nghiên cứu ban hành hoặc đề xuất ban hành. Do đó, xin Quốc hội cho phép được chỉnh lý, bổ sung quy định về cơ chế, chính sách đối với tỉnh Ninh Thuận và thể hiện như quy định tại khoản 9 Điều 3 dự thảo Nghị quyết.

Theo đó, tại điểm g, h, i khoản 9 Điều 3 dự thảo Nghị quyết cũng nêu rõ phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất để xây dựng Dự án, gồm:

– Được áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất để xây dựng Dự án ở mức cao nhất theo quy định nhân (x) với 1,5 lần;

– Cho áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện Dự án đối với người đang sử dụng đất chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất như đối với người sử dụng đất đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;

– Được phép triển khai đồng thời công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư song song với việc điều chỉnh dự án đầu tư dự án di dân, tái định cư của Dự án.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày Quốc hội thông qua.

Theo Lao Động