Nhu cầu vốn trung – dài hạn của nền kinh tế Việt Nam ước khoảng từ 700.000 đến 1 triệu tỷ đồng/năm, song vẫn dựa chủ yếu vào tín dụng ngân hàng. Cho thuê tài chính mới chiếm một phần rất nhỏ trong miếng bánh này.
Thị phần bé nhỏ của cho thuê tài chính
Cho thuê tài chính là kênh cung cấp vốn trung, dài hạn phổ biến tại nhiều nước phát triển, cùng với tín dụng ngân hàng và trái phiếu, cổ phiếu. Tuy vậy, tại Việt Nam, thị phần cho thuê tài chính còn rất nhỏ bé.
Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam (VILEA) cho biết, tỷ lệ dư nợ cho thuê tài chính/GDP tại Việt Nam rất thấp, chưa đầy 0,4%, trong khi ở Mỹ là 22%, Trung Quốc là 18%.
“Dư nợ cho thuê tài chính ở Việt Nam còn rất nhỏ và chưa thể chia sẻ được gánh nặng cung ứng vốn trung, dài hạn với các ngân hàng cũng như kênh trái phiếu doanh nghiệp”, Tổng thư ký VILEA, ông Phạm Xuân Hòe nói.
Theo các chuyên gia, cho thuê tài chính là một hình thức cấp tín dụng trung, dài hạn tối ưu, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn mà không cần tài sản thế chấp. Đáng tiếc, các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, biết đến cho thuê tài chính chưa nhiều, trong khi doanh nghiệp lớn lại chê cho thuê tài chính chưa đủ lực.
Năm 2023, dư nợ của nhóm công ty tài chính tăng 13,75%, đạt 37.200 tỷ đồng. Năm 2024, tăng trưởng tín dụng của nhóm công ty này dự kiến tăng khoảng 20%, đạt 45.000 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp kỳ vọng, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024) sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các công ty tài chính. Cụ thể, Luật cho phép các doanh nghiệp cho thuê tài chính thành lập các công ty con trong xử lý và khai thác tài sản nợ xấu. Đồng thời, Luật cũng cho phép những khoản cho thuê tài chính nhỏ lẻ từ dưới 100 triệu đồng không cần thiết kiểm soát mục đích sử dụng vốn…
Ông Hòe mong muốn, Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm ban hành Nghị định hướng dẫn về cho thuê tài chính theo khung khổ Luật Các tổ chức tín dụng 2024 để doanh nghiệp ngành này tận dụng được cơ hội. Bên cạnh đó, ông Hòe cũng kỳ vọng các bộ, ngành sớm giải quyết những vướng mắc khác để gỡ khó cho thị trường.
Nguy cơ nhường sân cho doanh nghiệp ngoại
“Nếu chúng ta không mở cửa và không đồng bộ hành lang pháp lý thì sẽ nhường thị trường cho thuê tài sản cho doanh nghiệp nước ngoài. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp nước ngoài sẵn sàng bán thiết bị trả chậm 3-5 năm cho doanh nghiệp Việt Nam, không khác gì cho thuê tài chính. Họ gắn chip công nghệ vào thiết bị, doanh nghiệp thanh toán định kỳ 3 tháng/lần, nếu không thanh toán thì thiết bị sẽ bị ngừng hoạt động”, ông Hòe cảnh báo.
Theo ông Hòe, hiện nay, các doanh nghiệp cho thuê tài chính đang gặp vướng mắc lớn với Thông tư 24/2023/TT-BCA của Bộ Công an về cấp thu hồi, đăng ký biển số xe cơ giới. Một số thay đổi về chính sách, quy trình mới trong đăng ký, quản lý phương tiện giao thông vận tải đã tạo thêm những rào cản về pháp lý, gia tăng nhiều chi phí tuân thủ, làm mất đi cơ hội phát triển dư nợ của ngành cho thuê tài chính.
Theo VILEA, các doanh nghiệp đề xuất có biện pháp giảm thời gian chờ đợi do việc di chuyển phương tiện tới nơi đăng ký đang tốn kém chi phí và thời gian; chi phí cấp biển số cao, hay có phương án miễn giảm phí giao thông với khách hàng thuê tại địa bàn tỉnh, thành phố mà khách cư trú, nhưng biển xe thuê lại từ Hà Nội hay TP.HCM do trụ sở của công ty cho thuê tài chính đóng tại đây… |
Hiện nay, nhiều công trình, Dự án lớn thực hiện lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng, riêng tiền mua máy móc thiết bị đã lên tới 500-1.000 tỷ đồng. Mỗi chủ đầu tư đều tự mua máy móc thì sẽ rất lãng phí, giảm hiệu quả kinh doanh. Nếu các doanh nghiệp cho thuê tài chính đáp ứng được nhu cầu này, thì cả hai bên đều có lợi. Vấn đề là doanh nghiệp cho thuê tài chính cũng phải tự nâng cao năng lực để tham gia sân chơi.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam |
Thống kê của VILEA, dư nợ cho thuê ô tô các loại năm 2023 là 6.600 tỷ đồng, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2022. Theo thống kê sơ bộ từ 4 công ty hội viên, tổng số tiền từ các hợp đồng tín dụng không thực hiện được do các quy định của Thông tư 24 lên tới hơn 400 tỷ đồng.
Ngoài ra, VILEA cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần quy định lại về tỷ lệ an toàn rủi ro với nhóm công ty cho thuê tài chính, vì tỷ lệ 20% hiện nay là quá cao.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 về cơ bản đã mở rộng cửa, tạo thuận lợi tối đa cho nhóm công ty cho thuê tài chính. Vấn đề là doanh nghiệp cho thuê tài chính có đủ năng lực để tận dụng cơ hội thị trường hay không.
“Luật đã mở cho các công ty cho thuê tài chính một thị trường mênh mông, đối tượng không hạn chế, hành lang pháp lý thuận lợi. Vấn đề còn lại là các doanh nghiệp trong ngành phải tận dụng được cơ hội, làm sao để doanh nghiệp khi cần vốn dài hạn phải nghĩ đến cho thuê tài chính, thay vì chỉ nghĩ đến phát hành trái phiếu hoặc vay vốn ngân hàng”, ông Hùng khuyến nghị.