Lãi suất xuống thấp, nhưng các kênh khác như chứng khoán hay bất động sản không phải là lựa chọn quá hấp dẫn trước những yếu tố bất định của vĩ mô.
Gửi tiết kiệm
Thời gian qua, các ngân hàng liên tục hạ mạnh lãi suất tiền gửi. Khảo sát vào đầu tháng 10 của VnExpress cho thấy lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại một số nhà băng lớn đã về dưới 5,5% một năm, thấp hơn cả giai đoạn Covid-19.
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta, một bộ phận nhà đầu tư gửi tiền đã dịch chuyển sang các kênh có khả năng sinh lời cao hơn, như chứng khoán. Tuy nhiên, “bài học” của giai đoạn nửa cuối năm 2022 – chứng khoán lao dốc hay “bong bóng” bất động sản đầu cơ xì hơi quá nhanh – khiến sự dịch chuyển không quá ồ ạt.
“Nhà đầu tư có thể chỉ chuyển một phần tiền tiết kiệm qua đầu tư chứng khoán, bởi lo ngại việc all-in rồi gặp rủi ro như cuối năm 2022”, ông Nguyễn Thế Minh nói. Điều này có thể là nguyên nhân khiến gửi tiết kiệm, dù lãi suất thấp, vẫn là kênh đầu tư được nhiều người lựa chọn.
Ngoài ra, theo ông Phạm Hoàng Quang Kiệt – Phó trưởng phòng Nghiên cứu và phân tích tại Công ty Tư vấn đầu tư và Quản lý gia sản FIDT, lãi suất tiết kiệm đã có xu hướng chạm đáy với diễn biến hiện tại của nền kinh tế.
Dư địa giảm lãi suất thời điểm này không còn cao do Ngân hàng Nhà nước khó duy trì thanh khoản dư thừa khi tỷ giá chịu áp lực. Tín dụng quý cuối năm cũng thường tăng nhanh sẽ khiến các nhà băng khó hạ thêm lãi suất. Cùng với việc áp dụng tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn mới, theo dự báo của ông Kiệt, lãi suất huy động sẽ đi ngang từ nay đến hết quý I năm sau.
Xét từ đầu năm 2023, VN-Index đã tăng hơn 14%, tuy nhiên diễn biến của thị trường không phải một đường đi lên.
Chỉ số của sàn HoSE tăng mạnh trong tháng đầu tiên của năm rồi chững lại, đi ngang cho tới cuối tháng 4. Ba tháng sau đó, VN-Index vọt hơn 20%, từ vùng 1.035 lên gần 1.250 điểm. Dù vậy, mức đỉnh ngắn hạn không giữ được lâu. Chỉ số của HoSE lần thứ hai chạm 1.250 điểm vào tháng 9 rồi điều chỉnh về sát ngưỡng 1.100 điểm, mất hơn 11% chỉ trong hơn một tháng.
Một điểm khác biệt so với những nhịp tăng trong giai đoạn 2021 là tâm lý thị trường.
Lãi suất và chứng khoán được đánh giá là ngược chiều nhau khi lãi suất tăng, chứng khoán giảm và ngược lại. Tuy nhiên, giai đoạn hiện tại khi lãi suất liên tục xuống thấp nhưng chứng khoán vẫn không đột biến. Dù có lúc VN-Index ghi nhận mức tăng hơn 20%, dòng tiền vẫn khá thận trọng.
Theo các chuyên gia, diễn biến vĩ mô còn nhiều yếu tố khó lường, cùng “bài học” từ nhịp giảm sâu của thị trường nửa cuối năm 2022 với nhiều điểm tương đồng với bối cảnh hiện nay, khiến nhà đầu tư không còn “all-in” vào một kênh có mức độ rủi ro cao như chứng khoán.
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu – Giám đốc khối Đầu tư của VinaCapital – cho rằng thị trường sẽ còn biến động trong ngắn hạn, cũng là “diễn biến bình thường và dễ hiểu” vì VN-Index đã có nhịp tăng tốt trong thời gian dài. Theo chuyên gia từ VinaCapital, nhà đầu tư dài hạn không nên lo lắng bởi về lâu dài chứng khoán sẽ diễn biến tích cực với tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận, mức định giá hấp dẫn.
Tuy nhiên, đơn vị này cũng lưu ý, thị trường trong năm sau có thể còn nhiều rủi ro khi diễn biến vĩ mô nhiều yếu tố bất định, về khả năng suy thoái ở các nền kinh tế lớn, Fed tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ hay căng thẳng địa chính trị. Trong nước, các vấn đề về đáo hạn nợ trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản cần nhiều thời gian hơn để phục hồi, lạm phát hay áp lực tỷ giá sẽ là những yếu tố cần theo dõi chặt chẽ.
Ở góc nhìn tích cực hơn, ông Quản Trọng Thành – Giám đốc Nghiên cứu phân tích Maybank Investment Bank Việt Nam (MSVN), cho rằng thị trường chứng khoán trong 6 tháng tới có thể mang nhiều nét tương đồng so với năm 2013 khi bối cảnh kinh tế khá giống nhau như bất động sản đóng băng, nợ xấu trong ngân hàng có xu hướng tăng.
Thực tế trong năm 2013, VN-Index tăng mạnh trong nửa đầu năm, sau đó có mức điều chỉnh khá lớn. Nhưng nhờ nới lỏng tiền tệ, giảm nợ xấu và các chính sách điều hành khác, thị trường đón làn sóng tăng trưởng trở lại trong những tháng cuối năm.
MSVN cho rằng thị trường chứng khoán thời gian tới cũng phục hồi tương tự, vì nền kinh tế Việt Nam hiện tại có nhiều điều kiện tích cực hơn hẳn thời điểm 2013.
Bất động sản
Theo ông Trần Khánh Quang – Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, thị trường bất động sản đang trong giai đoạn đầu của quá trình phục hồi. Chính phủ gỡ pháp lý cho các dự án là tín hiệu tốt, nhưng phải có thêm thời gian để khơi thông hẳn các điểm nghẽn. Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng hạ nhiệt và dư địa tăng tín dụng lớn, nhưng các nhà băng vẫn còn rụt rè cho vay bất động sản.
Thời gian qua, một số chủ đầu tư đã bắt đầu mở bán trở lại. Tuy nhiên, ông Quang nói đây chỉ là bước thăm dò thị trường. Về phía khách hàng, họ bắt đầu tham gia kênh này nhưng chỉ chuộng phân khúc có nhu cầu thực và vị trí khu trung tâm. Cả hai phía tạo ra độ “nén” về đầu tư. Do đó, những tháng cuối năm có thể xuất hiện yếu tố mùa vụ giúp hỗ trợ thị trường.
Tuy nhiên ở giai đoạn này, ông Quang lưu ý không phải ai cũng phù hợp để rót tiền vào bất động sản. Chuyên gia này nhận định có hai đối tượng có thể cân nhắc tham gia.
Thứ nhất là những người có nhu cầu mua ở thực, mong muốn sở hữu bất động sản phát sinh từ gia tăng dân số, kết hôn và di cư, nhất là các đại đô thị. Trong bối cảnh giá bất động sản giảm mạnh, lãi suất đang hạ nhiệt và nhóm này cũng dễ được ngân hàng ưu tiên cho vay hơn, đây là thời điểm tốt để họ mua được sản phẩm vừa ý.
Thứ hai là những nhà đầu tư lâu năm thoát được đợt khủng hoảng vừa qua. Nhóm này có sẵn kinh nghiệm để chọn sản phẩm, thương lượng giá cả và tìm cách tiếp cận vốn. Với đặc trưng sử dụng tỷ lệ đòn bẩy cao, trong bối cảnh lãi suất giảm, nhà đầu tư lâu năm dễ có lợi nhuận hơn giai đoạn trước.
Ông Quang khuyên những nhà đầu tư mới tham gia thị trường cần cân nhắc và nghiên cứu cẩn thận trước khi rót tiền. Hiện tại bất động sản giảm giá mạnh nhưng để hiểu rõ về một sản phẩm, đòi hỏi người mua phải có nhiều kiến thức và kỹ năng. Theo ông, nhà đầu tư mới nên tránh các bất động sản mập mờ về pháp lý, tránh các khu vực mà bản thân thiếu thông tin và có vị trí quá xa những đại đô thị.
Vàng và USD
Giá vàng trong nước có xu hướng đi lên trong hơn hai tháng qua, tổng cộng đã tăng 2 triệu đồng một lượng. Vàng SJC từ giữa tháng 9 tới nay duy trì giá bán ra quanh 69 triệu đồng một lượng.
Tương tự, tỷ giá đôla Mỹ trên thị trường ngân hàng và tự do gần đây đạt mức cao nhất 9 tháng qua, quanh ngưỡng 24.000-24.500 đồng đổi 1 USD.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thế Minh, đà tăng của đồng bạc xanh có thể chỉ mang tính ngắn hạn. “Mọi người đang lo ngại về tỷ giá, nhưng USD sẽ khó tăng nóng như năm 2022”, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta nhận xét.
Năm ngoái, tỷ giá “nổi sóng” trong quý III khi giá USD ngân hàng lập đỉnh, lên sát 24.900 đồng. Tỷ giá ngân hàng có lúc tăng lên gần 8,5% so với đầu năm, trước khi hạ nhiệt vào tháng cuối năm. Đợt tăng nóng của tỷ giá năm 2022 diễn ra sau khi Ngân hàng Nhà nước cho phép nới biên độ tỷ giá giao ngay thêm 2%, trước diễn biến quốc tế khó lường khi xu hướng của các ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.
Còn với diễn biến tăng gần đây của đồng bạc xanh, ông Minh cho rằng do tình hình lạm phát tăng trong ngắn hạn. Chỉ số CPI chung và cơ bản của Mỹ trong tháng 8 lần lượt tăng 3,7% và 4,3% so với cùng kỳ 2022, cao hơn mức tăng 3,2% và 4,2% của tháng trước đó. Ngược lại, doanh thu bán lẻ vẫn duy trì tốc độ tăng tích cực. Điều này đã giúp cho chỉ số DXY duy trì được sức mạnh.
Theo chuyên gia này, triển vọng trung và dài hạn của USD vẫn trong xu hướng giảm, bởi đồng bạc xanh đang “xoay” khá nhiều theo xu hướng chính sách của Fed. Đà tăng lãi suất liên tục từ năm 2022 đang dần đạt tới đỉnh và sau đó có thể đi ngang hoặc giảm. Chính sách tiền tệ có thể nới lỏng trở lại khi tình hình lạm phát dần hạ nhiệt.
Theo ông Phạm Hoàng Quang Kiệt, xét về xu hướng, ngoại tệ và vàng có tính tương phản. Trong giai đoạn trung hạn, với lãi suất Mỹ đang vùng đỉnh lịch sử, xu hướng giảm trong hai năm tới sẽ khả thi hơn. Đây sẽ là yếu tố hỗ trợ về giá cho vàng trong thời gian tới.
Tỷ giá USD đang ở ngưỡng mà Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ điều tiết, nên dư địa tăng của tỷ giá không nhiều. Vàng vẫn là kênh phòng thủ và lợi suất tăng trưởng bình quân của vàng trong nước không quá 9% trong 10 năm qua, nên chuyên gia này không khuyến nghị tăng tỷ trọng quá 10% trên tổng tài sản.
Theo Vnexpress