Đi đầu trong chuyển đổi số, ngành thuế ngày càng cung cấp nhiều dịch vụ thuế số, dịch vụ thuế thông minh để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; từ đó, hình thành kho dữ liệu phục vụ công tác quản lý thuế, chống thất thu ngân sách…
Với kinh nghiệm hơn 30 năm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong các công tác quản lý thuế và 13 năm cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hệ thống công nghệ thông tin ngành thuế phát triển một cách toàn diện và ứng dụng trong tất cả các khâu của quy trình quản lý thuế.
ẤN TƯỢNG TỪ NHỮNG ỨNG DỤNG PHỤC VỤ NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP
Xác định chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích chuyển đổi số mang lại, chính vì vậy, ngành thuế đang triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh cải cách, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa công tác quản lý thuế.
Cụ thể, việc triển khai hóa đơn điện tử không những góp phần đẩy mạnh sự phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới, mang lại nhiều lợi ích chung cho xã hội như tiết kiệm chi phí in ấn, lưu trữ, tài nguyên, nguồn lực và bảo vệ môi trường…, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng cho doanh nghiệp mà còn thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cơ quan thuế.
Theo đó, đến hết ngày 30/6, Tổng cục Thuế hoàn thành triển khai hóa đơn điện tử cho 100% doanh nghiệp, tổ chức và hộ, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai theo hiệu lực của Luật Quản lý thuế. Tính đến hết tháng 10, số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế tiếp nhận và xử lý là 1,8 tỷ hóa đơn điện tử. |
Cùng với đó, Tổng cục Thuế hoàn thành việc triển khai dịch vụ khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử trên phạm vi toàn quốc.
Trong đó, 99% doanh nghiệp trong tổng số hơn 870.000 doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử.
Việc ngành thuế đẩy mạnh triển khai các dịch vụ thuế điện tử nhằm hỗ trợ tra cứu thông tin nghĩa vụ thuế, khai thuế, nộp thuế mọi lúc, mọi nơi không những tạo thuận lợi cho người dân mà còn góp phần hạn chế tiếp xúc xã hội trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Một điểm nhấn trong năm nay của ngành thuế đó là Tổng cục Thuế chính thức công bố Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài không có địa chỉ kinh doanh tại Việt Nam tháng 3 vừa qua. Nhà cung cấp nước ngoài có thể dễ dàng thực hiện nộp thuế bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu.
Hiện có 39 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai thuế thành công. Trong đó, riêng 6 nhà cung cấp nước ngoài lớn (Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok,Netfix, Apple) chiếm 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới tại Việt Nam thực hiện đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam với tổng số thuế nộp hàng chục triệu USD, EUR tương đương 1.200 tỷ đồng.
Để tạo thuận lợi cho người nộp thuế không cần phải đến cơ quan thuế để làm thủ tục, ứng dụng thuế điện tử cho thiết bị di động (eTax Mobile) cũng được ra đời. Đến cuối tháng 9, có gần 75.000 giao dịch với tổng số tiền trên 320 tỷ đồng và đã nộp thành công 86 tỷ đồng. Tương lai dịch vụ thuế điện tử trên các thiết bị di động sẽ được tiếp tục phát triển hỗ trợ hộ kinh doanh và người nộp thuế là cá nhân.
Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng hoàn thành kết nối hệ thống tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để sử dụng mã căn cước công dân xác thực số định danh cá nhân và tổ chức khi thực hiện các thủ tục hành chính thuế; dịch vụ xác nhận thông tin hộ gia đình và dịch vụ chia sẻ thông tin công dân qua kênh kết nối với Văn phòng Chính phủ; hoàn thành triển khai tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đăng ký thuế lần đầu, thay đổi thông tin đăng ký thuế của cá nhân không kinh doanh qua Cổng Dịch vụ công quốc gia có kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tiến tới sử dụng mã định danh cá nhân làm mã số thuế.
5 NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH THUẾ
Tiếp tục phát huy các thành tích đạt được trong công tác chuyển đổi số, giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030, ngành thuế đẩy mạnh triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm.
Bộ Tài chính chỉ rõ một là, tiếp tục đẩy mạnh triển khai phần mềm hóa đơn điện tử và mở rộng xây dựng hệ thống Cổng kết nối tiếp nhận dữ liệu hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền. Xây dựng kho cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử và triển khai các giải pháp, công cụ phân tích, tổng hợp dữ liệu phục vụ quản lý rủi ro về thuế.
Hai là, xây dựng và triển khai hệ thống quản lý thuế tích hợp, tập trung đáp ứng tái thiết kế quy trình nghiệp vụ trên nền tảng kiến trúc hiện đại, ứng dụng công nghệ mới về trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối và dữ liệu lớn…
Ba là, triển khai giải pháp quản lý hoạt động thương mại điện tử trong nước và dịch vụ số xuyên biên giới theo hướng tập trung dữ liệu quản lý từ các sàn thương mại điện tử, nhà cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới.
Xây dựng hệ thống giám sát tự động 24/7, quy định trách nhiệm phối hợp quản lý của sàn thương mại điện tử và các nhà cung cấp dịch vụ số.
Bốn là, xây dựng nền tảng dữ liệu phục vụ nghiệp vụ quản lý thuế và các dịch vụ thuế thông minh.
Theo đó, triển khai nền tảng quản trị dữ liệu hiện đại hỗ trợ dữ liệu lớn và quản lý dữ liệu chủ; triển khai các mô hình phân tích dự báo dữ liệu hỗ trợ quản trị rủi ro, quản trị chất lượng và quản trị hiệu năng.
Năm là, triển khai hạ tầng kỹ thuật đảm bảo an toàn an ninh cho hệ thống công nghệ thông tin ngành thuế theo định hướng chuyển đổi số, phát triển theo xu hướng công nghệ điện toán đám mây; phát triển hạ tầng Internet vạn vật và ứng dụng các công nghệ số mới trong xây dựng các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công tác quản lý thuế.
Với các kết quả đạt được nêu trên, trong 2 năm liên tiếp, Tổng cục Thuế vinh dự được nhận giải thưởng cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc năm 2021- 2022. Đây là động lực cho ngành thuế tiếp tục mở rộng, triển khai các dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực thuế phục vụ người dân, doanh nghiệp, đồng thời đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số trong ngành thuế trong giai đoạn tiếp theo, góp phần nâng cao hình ảnh của cơ quan thuế đối với các người dân, doanh nghiệp.
Với phương châm lấy người nộp thuế làm trung tâm để phục vụ, việc triển khai thành công các nhiệm vụ nêu trên sẽ đem lại hiệu quả to lớn trong công cuộc cải cách thủ tục hành chính thuế, góp phần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số ngành thuế nói riêng và chiến lược chuyển đổi số quốc gia nói chung. |
Theo Vneconomy