Lượng nước về hồ thủy điện thấp hơn nhiều năm, trong khi nguồn điện mới chưa được bổ sung kịp thời, dự án tiến độ đường dây 500kV mạch 3 có nhiệm vụ truyền tải điện ra Bắc vẫn chậm so với tiến độ… Đây là những lý do nếu không có giải pháp căn cơ có thể gây thiếu điện ở miền Bắc trong mùa Hè sắp tới.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ tháng 3 đến tháng 5/2024, tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nắng nóng có khả năng đến sớm và xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm. Đặc biệt, giai đoạn được xem là chính Hè (tháng 6 – 8), hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm.
Đừng chỉ nhờ vào ‘ông trời’
Trong khi đó, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết từ đầu tháng 2/2024 đến nay, các hồ thủy điện khu vực miền Bắc có lưu lượng nước về thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 48 – 99%, ngoại trừ hồ Thác Bà, hồ Tuyên Quang.
Trong bối cảnh nước về các hồ thủy điện miền Bắc ở mức thấp, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) tiếp tục huy động nhà máy nhiệt điện Ninh Bình để giữ nước cho các hồ thủy điện miền Bắc, đáp ứng cao điểm và đảm bảo an ninh cung cấp điện mùa khô. Đồng thời, huy động nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 để đảm bảo khả dụng hệ thống điện miền Bắc và tiết kiệm thủy điện…
Tại khu vực miền Trung và miền Nam, các thủy điện đang xả và các nguồn năng lượng tái tạo được huy động tối đa có thể, các nhà máy còn lại khai thác tối ưu theo kế hoạch.
Theo ông Trần Đình Long, chuyên gia ngành điện, dự báo phụ tải miền Bắc tăng trưởng mạnh vào mùa Hè, có thể dẫn tới nguy cơ xảy ra nguồn không đáp ứng được. Để giải quyết thách thức này, Chính phủ yêu cầu sớm hoàn thành đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch ra tới Phố Nối với nhiệm vụ truyền tải điện từ miền Trung ra Bắc, dự kiến phải hoàn thành trước 30/6/2024.
“Tháng nắng nóng nhu cầu điện tăng cao, nếu không giải tỏa được vấn đề nghẽn mạch, hạn chế lưới truyền tải sẽ gây thiếu điện”, ông Long cảnh báo.
Tuy nhiên, trong một cuộc họp diễn ra cuối tuần trước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng bày tỏ lo lắng, nếu so với cam kết mà các bộ, ngành địa phương với Thủ tướng thì vẫn còn khá xa tiến độ. “Nếu chúng ta không vượt qua những khó khăn vướng mắc để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng hay nói cách khác là thực hiện cam kết của chính mình theo chỉ đạo của Chính phủ thì rất khó có thể thực hiện dự án đúng tiến độ đề ra”, ông Diên cho biết.
Việc đẩy nhanh tiến độ đường dây 500kV mạch 3 là rất cần thiết để đảm bảo cung ứng điện cho miền Bắc khi mùa Hè năm nay được cảnh báo là nắng nóng. Cùng với đó, cần có kịch bản cung ứng điện ứng phó với các tình huống bất thường.
Theo PGS.TS. Bùi Xuân Hồi, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc, trong năm 2024, mệnh lệnh của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là phải đảm bảo an ninh cung cấp điện cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. “Chúng ta tìm mọi cách để kịch bản thiếu điện không xảy ra, chúng ta đang cố gắng đến phần nguồn điện ở miền Nam, chúng ta đang cố gắng xây dựng thật nhanh đường truyền tải điện, kỳ vọng thêm một phần nguồn điện dôi dư từ miền Trung ra. Đó là nỗ lực của Chính phủ, có thể thực hiện được và có thể cân đối được”.
“Đồng thời, chúng ta cũng cần nghĩ đến định hướng chung, ví dụ phát triển các nguồn tái tạo, ngay lập tức có thể xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển giá điện ở khu vực miền Bắc”, ông Hồi chia sẻ. Trước đây khi làm giá FiT, vị chuyên gia cho rằng, làm giá FiT cho 3 miền theo bức xạ, dẫn đến nhà đầu tư họ sẽ chỉ tập trung vào khu vực có hiệu quả kinh tế cao.
“Bây giờ thiếu điện ở khu vực miền Bắc và trong chủ trương phát triển năng lượng tái tạo rải đều phần nguồn điện ra thì nên chăng thực hiện cơ chế hỗ trợ để phát triển năng lượng tái tạo ở miền Bắc, cho phép giảm bớt tổn thất, đáp ứng phần nào nguồn”, ông Hồi nói.
Chủ động có kịch bản ứng phó
Với phương án của năm 2024, PGS. TS. Bùi Xuân Hồi nhấn mạnh, ngoài nỗ lực đưa nhanh các nhà máy, đường dây truyền tải vào thì cũng nghĩ đến các phương án nhập khẩu và chuẩn bị kỹ lưỡng điều kiện kỹ thuật để nhập khẩu điện. Từ đó mới lên được bài toán tổng thể là đưa nguồn lưới vào được bao nhiêu, những cơ chế chính sách phát triển năng lượng tái tạo ở miền Bắc được bao nhiêu và bài toán nhập khẩu như thế nào, để đảm bảo cung ứng điện cho năm 2024.
Về lâu dài, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần phải đẩy mạnh phát triển thêm nguồn điện mới, bởi hiện nay nhiều dự án vẫn chậm tiến độ. Ví dụ rõ nét nhất phải kể tới là điện khí LNG – vốn được xem là nguồn điện tương lai, thay thế điện than nhưng đến nay tương lai vẫn chưa rõ ràng.
Theo Quy hoạch điện VIII, nhiệt điện khí trong nước và LNG đến năm 2030 sẽ đạt 37.330 MW, tương ứng 24,8% tổng công suất nguồn điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện. Trong đó, nhiệt điện khí trong nước là 14.930 MW chiếm 9,9% và nhiệt điện LNG là 22.400 MW, chiếm 14,9%.
Hiện nay, cả nước có 13 dự án điện LNG đã được Thủ tướng phê duyệt trong danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện tại Quyết định 500/QĐ-TTg (5 dự án đang triển khai, 4 dự án đã tìm được nhà đầu tư, 4 dự án còn lại đang được các địa phương lựa chọn nhà đầu tư).
Trong số đó, dự án điện khí Nhơn Trạch 3 và 4 (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) là dự án trọng điểm quốc gia thuộc Quy hoạch điện VII, được Chính phủ giao cho Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) làm chủ đầu tư, có công suất 1.500MW, tổng vốn 1,4 tỷ USD. Đây cũng là dự án điện LNG đầu tiên tại Việt Nam, dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2024-2025. Theo tính toán từ thực tế, để thực hiện 1 dự án điện khí LNG mất trên 8 năm. Như vậy, khó có thể hoàn thành kế hoạch xây dựng 13 nhà máy điện khí LNG đến năm 2030.
Trong khi đó, báo cáo tóm tắt Kết quả giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021” của Đoàn Giám sát thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cảnh báo khả năng thiếu điện trong ngắn hạn (2024-2025), trung hạn (2025-2030) và dài hạn (2030–2050) là nguy cơ hiện hữu.
Đặc biệt, Đoàn Giám sát cũng chỉ ra việc các tập đoàn năng lớn của nhà nước như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã không hoàn thành việc đầu tư các dự án nguồn điện và lưới điện theo nhiệm vụ được giao tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Theo Kết luận thanh tra EVN của Bộ Công Thương, từ ngày 1/1/2021 – 1/6/2023, EVN và các đơn vị thành viên thực hiện đầu tư 13 dự án nguồn điện, tổng công suất 8.973 MW. Tính đến thời điểm thanh tra, EVN thực hiện đầu tư Dự án Quảng Trạch I chậm tiến độ 3 năm.
Với dự án Ô Môn III, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, dự án dự kiến đưa vào vận hành năm 2020. Tuy nhiên, thời điểm thanh tra, Dự án Ô Môn III vẫn chưa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận dự án vay vốn ODA của Nhật Bản. EVN đang tiến hành công tác bàn giao Dự án Ô Môn III sang Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) theo chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ.
Với dự án Ô Môn IV (dự kiến đưa vào vận hành năm 2021), EVN đã hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư để thực hiện dự án. Tuy nhiên, do tiến độ cấp khí của mỏ khí Lô B bị chậm tiến độ nên Dự án bị chậm tiến độ theo Quy hoạch VII điều chỉnh và Quyết định phê duyệt kế hoạch khai thác mỏ khí Lô B của Thủ tướng Chính phủ….
Cùng với đó, Kết luận thanh tra cũng chỉ ra, nhiều dự án, công trình truyền tải điện (220-500kV) do Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đầu tư thực hiện chậm tiến độ, trong đó có: Đường dây 500 kV mạch 3, các công trình lưới điện phục vụ nhập khẩu điện từ Lào, các công trình phục vụ giải tỏa công suất thủy điện phía Bắc, phục vụ giải tỏa công suất nguồn điện năng lượng tái tạo, các dự án Đường dây 220 kV: Nghĩa Lộ – Trạm 500 kV Việt Trì, Huội Quảng – Nghĩa Lộ, Nha Trang – Tháp Chàm,…
“Việc thực hiện đầu tư của EVN và EVNNPT chưa đáp ứng tiến độ theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh được duyệt. Việc chậm tiến độ các dự án lưới điện truyền tải (đường dây và trạm biến áp) làm giảm độ an toàn, tin cậy và khả năng cung cấp điện hiện tại cũng như các năm giai đoạn 2023-2025”, Kết luận thanh tra cho biết.