Năm ngoái, CVS Holdings – đơn vị vận hành chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 Việt Nam – lỗ hợp nhất sau thuế hơn 167 tỷ đồng, tương đương gần nửa tỷ đồng mỗi ngày.
Thông tin trên được đề cập trong báo cáo mới nhất của Công ty cổ phần CVS Holdings. Mức lỗ này tăng gần 9% so với năm 2021. Tuy nhiên trên báo cáo riêng lẻ, năm ngoái công ty chỉ lỗ hơn 65 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước đó.
Số lỗ này khiến vốn chủ sở hữu của CVS Holdings giảm hơn 40% xuống còn khoảng 190 tỷ đồng. Năm ngoái, công ty ghi nhận hơn 400 tỷ đồng tổng nợ phải trả, trong đó gồm phát hành một lô trái phiếu trị giá 106 tỷ đồng, thời hạn 3 năm, lãi suất cố định 10% một năm.
CVS Holdings là công ty con với 99% vốn do Sơn Kim Retail (thuộc Tập đoàn Sơn Kim) nắm giữ. Công ty này góp 70% vốn vào Công ty TNHH liên doanh GS Retail Việt Nam – đơn vị sở hữu Công ty TNHH GS 25. Nhóm này sở hữu và vận hành chuỗi cửa hàng tiện lợi theo mô hình của Hàn Quốc cùng tên, ra mắt tại Việt Nam năm 2017.
GS25 triển khai mô hình nhượng quyền từ tháng 11/2019. Mục tiêu ban đầu là đạt 300 cửa hàng tiện lợi đến cuối năm 2022 và nâng lên con số hàng nghìn điểm vào năm 2029. Tuy nhiên tính đến đầu tháng 4, hệ thống này có 209 cửa hàng tại TP HCM và các tỉnh lân cận. Con số này bằng một nửa của chuỗi Cirkle K (423 cửa hàng), nhưng vẫn lớn hơn so với các chuỗi khác như FamilyMart (147 cửa hàng), Ministop (145 cửa hàng).
Cuối năm ngoái, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết đang được mời đầu tư 460 tỷ đồng (tương đương 20 triệu USD) để đổi lấy vốn cổ phần của GS25 Việt Nam. Khoản đầu tư trên dùng để mở rộng mạng lưới điểm bán của chuỗi này trong giai đoạn 2022-2025.
Cửa hàng tiện lợi được xem là thị trường tiềm năng tại Việt Nam khi có dân số trẻ, tỷ lệ đô thị hóa diễn ra nhanh. Số liệu của công ty nghiên cứu thị trường Q&Me cho thấy, tính đến tháng 8/2022, Việt Nam có khoảng 1.000 cửa hàng tiện lợi, thị trường rơi hẳn vào tay doanh nghiệp ngoại hoặc liên doanh nước ngoài như Cirkle K (Mỹ), GS25 (liên doanh Hàn Quốc – Việt Nam), Family Mart (Nhật Bản – Thái Lan), Ministop và 7-Eleven (Nhật Bản).
Theo Euromonitor, doanh số bán hàng của toàn thị trường có tốc độ tăng trưởng kép hơn 19% giai đoạn 2016-2021. Tính riêng năm 2021, doanh số toàn thị trường đạt hơn 8.000 tỷ đồng, phần lớn đều nhờ sự đóng góp của thương hiệu ngoại.
Tổng hợp