Chủ tịch KOCHAM: “Áp thuế tối thiểu toàn cầu, sự khác biệt của Việt Nam sẽ bị nhạt đi”

Trước vấn đề nóng về áp thuế tối thiểu toàn cầu, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) cho rằng, Thuế tối thiểu toàn cầu là một trong những yếu tố khá nhạy cảm nhưng không chỉ Việt Nam mà còn nhiều nước khác áp dụng.

Tuy vậy. trao đổi với VietnamFinance, ông Hong Sun bày tỏ lo ngại, trước đây, chế độ áp dụng thuế suất đặc biệt đối với một số lĩnh vực là một trong những điều kiện giúp Việt Nam thuận lợi thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng khi bắt đầu áp dụng GMT, sự khác biệt ưu việt của Việt Nam sẽ bị nhạt đi. Khi ở đâu cũng áp dụng mức thuế suất 15% thì các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là những nhà đầu tư lớn, sẽ có sự phân vân trước nhiều lựa chọn bởi vì khi đó thuế suất ở đâu cũng như nhau.

THEO ÔNG, CHÍNH PHỦ VIỆT NAM CẦN LÀM GÌ ĐỂ TIẾP TỤC THU HÚT VÀ GIỮ CHÂN ĐƯỢC CÁC NHÀ ĐẦU LỚN, TRONG ĐÓ CÓ RẤT NHIỀU DOANH NGHIỆP HÀN QUỐC?

Mặc dù nhiều nước đang áp dụng GMT nhưng theo chúng tôi, GMT có phần bất lợi cho các nước đang phát triển và thường sử dụng biện pháp giảm thuế để thu hút nhà đầu tư nước ngoài như Việt Nam.

Nếu như một số nước phát triển như Mỹ, Nhật hay Hàn sẵn sàng tài trợ cho những dự án đầu tư nước ngoài để thu hút FDI thì Việt Nam lại chưa có ngân sách đủ lớn để làm như vậy. Chính vì thế, chính sách miễn, giảm thuế là phù hợp với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Trong trường hợp áp dụng GMT, Chính phủ Việt Nam nên có những chính sách hỗ trợ khác để bù đắp, chẳng hạn như kế hoạch lập quỹ hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ cao hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực mà Việt Nam đang muốn thu hút đầu tư.

LIÊN QUAN ĐẾN CHÍNH SÁCH THUẾ, CÁC NHÀ ĐẦU TƯ HÀN QUỐC CÒN GẶP KHÓ KHĂN GÌ NỮA KHÔNG THƯA ÔNG?

Đó là chậm hoàn thuế VAT. Việc chậm hoàn thuế VAT gây mệt mỏi và ảnh hưởng xấu đến người kinh doanh nói chung và các nhà đầu tư Hàn Quốc nói riêng.

Vấn đề hoàn thuế ảnh hưởng trực tiếp đến dự toán kế hoạch tài chính, kế hoạch sử dụng vốn của doanh nghiệp. Vậy nên, nếu lúc nào cũng nhận được câu trả lời là “chưa biết”, “đang xem xét” thì kế hoạch sử dụng vốn của các doanh nghiệp sẽ bị chậm lại và ảnh hưởng rất nhiều.

Chúng tôi rất mong muốn chính phủ Việt Nam hoàn lại thuế VAT một cách tự động và định kỳ. Còn doanh nghiệp nào cố tình vi phạm để có thể được hoàn thuế thì nên bị xử lý.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng sửa đổi có đề xuất về việc đánh thuế dịch vụ xuất khẩu cơ bản ở mức 10% thay vì 0% như trước. Điều này có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu.

Đại đa số các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất giày dép, may mặc tại Việt Nam vẫn phải cung cấp cho hệ sinh thái của họ ở nước ngoài và việc vận chuyển phải qua nhiều giai đoạn. Chính vì thế, việc phát sinh thêm thuế giá trị gia tăng sẽ dẫn đến việc mất sức cạnh tranh của sản phẩm “Made in Vietnam”.

Chính phủ Việt Nam vẫn nên áp dụng thuế suất giá trị gia tăng 0% đến khi có quy định mới thay đổi cho quy định hiện tại.

NGOÀI CÂU CHUYỆN NÓNG VỀ THUẾ, CÁC NHÀ ĐẦU TƯ HÀN QUỐC CÒN VẤP PHẢI NHỮNG KHÓ KHĂN NÀO KHI ĐẦU TƯ TẠI VIỆT NAM KHÔNG, THƯA ÔNG?

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc, vấn đề giấy phép, thủ tục hành chính của Việt Nam vừa phức tạp, vừa mất thời gian.

Chúng tôi đánh giá rằng chính phủ Việt Nam đang khá cởi mở nhưng đối với một số thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến các dự án như giấy phép đất đai, giấy phép đầu tư, xây dựng vẫn đang còn nhiều vướng mắc, và điều này có thể dẫn đến rủi ro đánh mất cơ hội.

Nếu dự án này làm được hay không được thì phải trả lời ngay và nếu được thì phải cấp giấy phép ngay, tránh kéo dài khiến nhà đầu tư rơi vào cảnh không biết khi nào mới được làm.

Ví dụ như việc cấp giấy phép của một số chi nhánh ngân hàng. Chúng tôi đang chờ đợi giấy phép của Ngân hàng KDB, một ngân hàng nhà nước quy mô lớn hàng tỷ USD. Tuy nhiên, từ 2019 đến nay, ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước của Hàn Quốc này vẫn chưa được cấp giấy phép chi nhánh tại Hà Nội.

Không riêng KDB, một số ngân hàng khác như Ngân hàng NongHyup, Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc IBK và cả Ngân hàng Busan đều đang đợi xin cấp giấy phép hoạt động trong nhiều năm nhưng vẫn chưa được.

HÀN QUỐC LÀ QUỐC GIA ĐI ĐẦU TRONG NGÀNH CÔNG NGHIỆP BÁN DẪN. ĐÂY CŨNG LÀ LĨNH VỰC VIỆT NAM MONG MUỐN THU HÚT ĐẦU ĐẦU TƯ. THEO ÔNG, ĐỂ THU HÚT CÁC DOANH NGHIỆP BÁN DẪN LỚN, VIỆT NAM ĐANG PHẢI GẶP NHỮNG THÁCH THỨC NÀO?

Bán dẫn là một ngành tốn kém và muốn đầu tư thì phải tốn tới hàng chục tỷ USD. Hiện các DN Hàn Quốc mới chỉ đầu tư vào giai đoạn hậu gia công, đóng gói (packaging) ở Việt Nam. Đây là những công đoạn có lợi cho Việt Nam vì chưa cần phải tốn quá nhiều vốn để đầu tư.

Với lợi thế nguồn nhân lực dồi dào, Việt Nam có nền tảng cơ sở để có thể mở rộng và phát triển lĩnh vực công nghệ cao, sản xuất các loại chip bán dẫn trong thời gian tương lai.

Tuy nhiên, để có thể biến điều đó thành hiện thực, chúng tôi cho rằng chính phủ Việt Nam nên sớm phê duyệt cho nhiều dự án năng lượng, đặc biệt là kế hoạch Điện VIII.

Việc kế hoạch được phê duyệt tương đối chậm so với dự kiến ban đầu đồng nghĩa với việc giấy phép đi theo cũng sẽ chậm lại, ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao.

Như năm ngoái, tình trạng thiếu điện trong vòng 2 tháng đã gây ra hậu quả nặng nề đối với lĩnh vực công nghệ cao. Một số nhà máy phải tiêu tốn 50.000 USD chi phí chạy máy phát điện mỗi ngày để đảm bảo sản xuất 24/7.

Những dự án năng lượng đang chờ cần phải được phê duyệt sớm ngay từ bây giờ vì thời gian xây dựng sớm cũng phải mất tới 4 – 5 năm mới xong. Nếu không làm ngay bây giờ, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam sẽ kém đi, nhất là khi Việt Nam cũng đang muốn phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, sản xuất chất bán dẫn, sản xuất chip.

Tóm lại, muốn thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao, Việt Nam cần đảm bảo về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là nguồn điện, phải đảm bảo được điện vừa là chất lượng cao vừa là số lượng cao.

NGOÀI NĂNG LƯỢNG VÀ CƠ SỞ HẠ TẦNG THÌ NHÂN LỰC LAO ĐỘNG CÓ PHẢI LÀ VẤN ĐỀ ĐÁNG LO NGẠI KHI VIỆT NAM MUỐN PHÁT TRIỂN NGÀNH BÁN DẪN KHÔNG, THƯA ÔNG?

Việt Nam sở hữu nguồn nhân lực dồi dào, có nhiều tiềm năng nhưng chưa được đào tạo bài bản về bán dẫn.

Chính phủ Việt Nam đang có kế hoạch đào tạo 50.000 nhân lực cho ngành bán dẫn. Thế nhưng, việc đào tạo nhân lực ngành bán dẫn của Việt Nam vẫn đang gặp khó khăn.

Việt Nam chưa có nhiều khoa đào tạo chuyên sâu về ngành bán dẫn và chưa có nhiều cơ hội thực tiễn. Trong khi muốn chất lượng đào tạo tốt thì phải có những người đào tạo giỏi, nhiều kinh nghiệm về cả lý thuyết lẫn kỹ thuật thực tiễn.

Như người Việt có câu “học phải đi đôi với hành”, các nhân lực sau khi được đào tạo bài bản về lý thuyết phải được thực hành trong ngành công nghiệp thật để hoàn thiện trình độ.

Hàn Quốc là một trong những đối tác tốt nhất đối với Viêt Nam trong phát triển nhân lực ngành bán dẫn. Phía Hàn Quốc luôn sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam trong chuyển giao công nghệ cũng như đào tạo nhân lực cao cho ngành công nghiệp chip, bán dẫn.

Việt Nam có thể hợp tác với Hàn Quốc để học hỏi thêm kinh nghiệm đào tạo nhân lực ngành bán dẫn hoặc tạo cơ hội cho sinh viên ngành bán dẫn thực tập, làm việc tại các tập đoàn lớn về công nghệ cao, bán dẫn tại Hàn Quốc.

ÔNG ĐÃ CÓ GẦN 30 NĂM SINH SỐNG VÀ LÀM VIỆC TẠI VIỆT NAM. TRONG 30 NĂM QUA, ÔNG NHẬN THẤY MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ Ở VIỆT NAM ĐÃ THAY ĐỔI NHƯ THẾ NÀO? VÀ TRONG THỜI GIAN ĐÓ, KHẨU VỊ ĐẦU TƯ CỦA CÁC DOANH NGHIỆP HÀN QUỐC CÓ KHÁC ĐI KHÔNG?

Tính đến nay, Việt Nam chiếm hơn một nửa đầu tư của Hàn Quốc vào 10 quốc gia ở Đông Nam Á. Hiện có hơn 10.000 doanh nghiệp cùng khoảng 200.000 người Hàn Quốc đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, cao hơn gấp nhiều lần so với quốc gia đứng thứ 2 về thu hút FDI Hàn Quốc ở Đông Nam Á là Malaysia.

Sự khác biệt này cho thấy tình cảm sâu sắc giữa hai bên Việt – Hàn và rõ ràng Việt Nam là môi trường đầu tư thích hợp đối với người Hàn Quốc.

Môi trường đầu tư ở Việt Nam bây giờ so với 30 năm trước đã thay đổi rất nhiều. Cách đây 30 năm, Việt Nam mới mở cửa và chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng Việt Nam giờ đây ngày càng đơn giản hóa thủ tục, tính toàn cầu hóa mạnh mẽ, pháp chế cũng ngày càng chặt chẽ hơn.

Những điều đó đã góp phần dẫn đến sự phát triển nói chung của nền kinh tế Việt Nam và lĩnh vực đầu tư nói riêng. Chúng cũng giúp các doanh nghiệp Hàn Quốc yên tâm khi đầu tư vào Việt Nam.

Trong 30 năm qua, các lĩnh vực truyền thống như sản xuất may mặc, giày dép, túi xách,… vẫn giữ vai trò quan trọng và sẽ tiếp tục được các doanh nghiệp Hàn Quốc mở rộng đầu tư.

Ngoài ra, từ năm 2008, chúng tôi cũng đã tập trung nhiều thêm vào sản xuất điện tử, sản xuất điện thoại di động, điện thoại thông minh, điện tử gia dụng… Cả LG, Samsung cùng nhiều nhà đầu tư lớn của Hàn Quốc đều đang có mặt ở Việt Nam. Một số lĩnh vực tiên tiến, công nghệ cao như lắp ráp, hậu gia công bán dẫn cũng đang được nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm.

Bên cạnh đó là làn sóng đầu tư gián tiếp, chúng tôi gọi là làn sóng thứ 3, với những thương vụ đầu tư vào ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. Các doanh nghiệp bảo hiểm của Hàn Quốc đang hiện diện ngày càng nhiều ở Việt Nam.

LÀ CHỦ TỊCH KOCHAM, ÔNG CÓ MONG MUỐN GÌ VỀ HỢP TÁC GIỮA HAI NƯỚC TRONG THỜI GIAN TỚI?

Chúng tôi rất muốn chính phủ Việt Nam sớm hợp tác chặt chẽ với chính phủ Hàn Quốc trong lĩnh vực liên quan vì hai bên đang có kế hoạch chung là đưa kim ngạch thương mại hai nước đạt 150 tỷ USD vào năm 2030. Đồng nghĩa với việc kim ngạch thương mại hai nước phải tăng khoảng 60% so với hiện tại, tương đương mức tăng khoảng 10% mỗi năm.

Để làm được điều này, xuất nhập khẩu của hai bên phải tăng dần, chứ không phải chỉ tập trung vào mỗi xuất siêu hoặc nhập siêu. Với cơ sở thương mại hiện tại giữa hai nước thì mục tiêu vẫn còn rất khả thi, tuy nhiên, muốn đạt được thì phải có sự nỗ lực của cả hai phía.

Chúng tôi kỳ vọng cả Việt Nam và Hàn Quốc phải cho, nhận lẫn nhau, tránh việc chỉ cho không hoặc nhận không. Tư duy, tình cảm của người Hàn đối với Việt Nam bây giờ đã rất gần gũi, vậy nên, cả hai bên cần tạo ra những chế độ hợp tác thực sự chặt chẽ và tốt đẹp để có thể cùng nhau đi lên.

Xin cảm ơn ông!

Theo VietNamFinance