Chứng khoán Phú Hưng (PHS) xin rút hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu trên HoSE

Chứng khoán Phú Hưng (UPCoM: PHS) vừa xin rút hồ sơ niêm yết trên HoSE. Lý do xin rút hồ sơ Chứng khoán Phú Hưng đưa ra là do tình hình thị trường chứng khoán chưa thuận lợi cho việc niêm yết cổ phiếu và lợi ích của cổ đông. Ngày 20/4 tới PHS sẽ tổ chức đại hội cổ đông, trình kế hoạch kinh doanh 2023 với tổng doanh thu đạt 788 tỷ đồng và lãi lãi sau thuế gần 116 tỷ đồng, gấp 2 lần kết quả ước đạt năm 2022 gần 61,3 tỷ đồng…

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa nhận được công văn của CTCP Chứng khoán Phú Hưng (UPCoM: PHS) về việc rút hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu. PHS đưa ra lý do xin rút hồ sơ là vì tình hình thị trường chứng khoán chưa thuận lợi cho việc niêm yết cổ phiếu và lợi ích của cổ đông. Sau khi tình hình thuận lợi hơn, Công ty sẽ tiến hành các bước theo quy định của pháp luật nếu tiếp tục triển khai việc niêm yết cổ phiếu.

Như vậy, HOSE sẽ ngừng việc xem xét hồ sơ niêm yết của PHS. Trường hợp Công ty nộp lại hồ sơ, HOSE sẽ thực hiện xem xét hồ sơ lại từ đầu.

Trong tài liệu họp ĐHĐCĐ 2023 sắp tới, HĐQT PHS đánh giá rằng năm 2022 chưa phải thời điểm thích hợp để thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ bằng hình thức phát hành cổ phiếu riêng lẻ cũng như kế hoạch niêm yết cổ phiếu PHS lên HoSE. HĐQT đề xuất hủy hồ sơ niêm yết cổ phiếu lên HoSE, sau đó HĐQT sẽ đánh giá lại khi điều kiện thị trường được cải thiện.

Trước đó, ngày 08/11/2022, HOSE nhận hồ sơ đăng ký niêm yết toàn bộ hơn 150 triệu cổ phiếu đang lưu hành của PHS, tương đương vốn điều lệ hơn 1.500 tỷ đồng.

Chứng khoán Phú Hưng tiền thân là CTCP Chứng khoán Âu Lạc, thành lập tháng 12/2006 với vốn điều lệ ban đầu hơn 22 tỷ đồng. Đến năm 2009, công ty mới đổi tên thành Chứng khoán Phú Hưng. Năm 2016, công ty hoàn thành hợp nhất với Chứng khoán An Thành (ATSC) và vẫn lấy tên là Chứng khoán Phú Hưng, vốn điều lệ lúc này là 202,5 tỷ đồng. Công ty cũng tiến hành tăng vốn nhanh chóng, từ hơn 202 tỷ đồng ngày sáp nhập năm 2016 đã tăng lên trên 1.500 tỷ đồng như hiện nay

Về tình hình kinh doanh 2022, tổng doanh thu PHS đạt hơn 594 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2021; song lợi nhuận sau thuế lại giảm mạnh 57% so với cùng kỳ, đạt 60 tỷ đồng. Sang năm 2023, PHS lên mục tiêu tổng doanh thu đạt 788 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 116 tỷ đồng, lần lượt tăng 33% và 93% so với thực hiện 2022 .Hiện, cổ phiếu PHS đang giao dịch trên sàn UPCoM. Kết phiên 5/4, PHS dừng ở mức 13.200 đồng/cp.

Trong diễn biến liên quan, PHS vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2023, dự kiến tổ chức ngày 20/04 tại TPHCM. Công ty dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh 2023, với tổng doanh thu đạt 788 tỷ đồng và lãi lãi sau thuế gần 116 tỷ đồng, gấp 2 lần kết quả ước đạt năm 2022 gần 61,3 tỷ đồng. Trong đó, lãi từ nghiệp vụ tự doanh 37 tỷ đồng, lãi cho vay 351 tỷ đồng, doanh thu môi giới 319 tỷ đồng.

HĐQT cũng sẽ trình cổ đông thông qua việc hoàn nhập quỹ dự phòng tài chính và rui ro nghiệp vụ hơn 12 tỷ đồng vào lợi nhuận chưa phân phối của Công ty và Ủy quyền HĐQT quyết định thực hiện các công việc liên quan. Sau khi hoàn nhập, lợi nhuận chưa phân phối là hơn 85 tỷ đồng. Về phương án phân phối lợi nhuận, Công ty dự kiến sẽ trả cổ tức 2022 bằng tiền với tỷ lệ 2%, tương ứng hơn 30 tỷ đồng chia cổ tức cho cổ đông.

Đánh giá về thị trường trong năm 2023, theo PHS, triển vọng kinh tế toàn cầu tiếp tục bị che mờ bởi tình trạng lạm phát gia tăng tại Châu Âu và Mỹ dẫn đến chính sách thắt chặt tiền tệ có thể sẽ còn kéo dài, những bất ổn liên quan tới quá trình tái mở cửa của Trung Quốc và căng thẳng địa chính trị toàn cầu. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) lưu ý rằng cuộc khủng hoảng nợ bởi quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế mới nổi sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng Thế giới và có thể dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu, đồng thời bổ sung rằng đồng đô la Mỹ mạnh sẽ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Kế hoạch kinh doanh của PHS.

Tổ chức này cũng cho rằng nguy cơ suy thoái toàn cầu ngày càng tăng, kêu gọi các nhà hoạch định chính sách chống lại lạm phát, bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất khỏi chi phí sinh hoạt gia tăng, hỗ trợ các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển.

Tuy nhiên, IMF đã đưa ra dự báo khả quan cho Việt Nam với mức tăng trưởng GDP năm 2023 ở mức 6,2%, trong khi Quốc hội Việt Nam cũng đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 ở mức 6,5%.

PHS cho rằng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn ảm đạm và đối diện với rủi ro suy thoái, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 là một điểm sáng.

Bằng cách sử dụng phương pháp P/E, vùng định giá hợp lý cho VN-Index sẽ vào khoảng 1.535 điểm vào năm 2023 tương đương với mức P/E mục tiêu là 12 lần. PHS cũng giả định rằng thu nhập của các công ty niêm yết sẽ tăng trưởng 10% so với cùng kỳ trong khi GDP tăng 6,5%.

Một trong những rủi ro chính trong dự báo trên là sự không chắc chắn về chính sách thắt chặt tiền tệ ở Mỹ do ảnh hưởng của lạm phát. Lạm phát cao và kéo dài hơn dự kiến có thể khiến cho FED tiếp tục nâng lãi suất một cách mạnh mẽ, qua đó buộc các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam tăng lãi suất, qua đó ảnh hưởng tới mức P/E mục tiêu.

Ngoài ra, việc kiểm soát chặt chẽ lĩnh vực nhà ở có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống tài chính, do đó tác động đáng kể đến tâm lý thị trường tài chính nói chung cũng như thị trường chứng khoán nói riêng và cuối cùng đẩy định giá thị trường xuống mức thấp hơn so với kỳ vọng.

Chứng khoán Phú Hưng cũng kỳ vọng thanh khoản của hệ thống có thể sẽ được cải thiện hơn trong năm 2023 sau khi FED giảm tốc độ tăng lãi suất cùng với việc hệ thống tài chính Việt Nam được kỳ vọng sẽ ổn định trở lại. Do đó,  dự báo giá trị giao dịch tại Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) & Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) trong năm 2023 có thể đạt 21.191 tỷ đồng mỗi phiên (bao gồm cả giao dịch thỏa thuận và khớp lệnh).

Huỳnh Anh tổng hợp