Việc ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ của nhau đã giúp nhiều doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, và xây dựng được chuỗi liên kết hàng Việt Nam bền vững.
Việc ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ của nhau đã giúp nhiều doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, chủ động nguồn nguyên liệu và xây dựng được chuỗi liên kết hàng Việt Nam bền vững.
Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp nội địa. Theo báo cáo của TKV, hàng năm, các đơn vị sản xuất chính trong tập đoàn đã mua các sản phẩm trong TKV sản xuất với giá trị khoảng trên 2.000 tỷ đồng/năm. Đối với các doanh nghiệp trong Khối doanh nghiệp trung ương (DNTW), bình quân hàng năm, TKV đã ký hợp đồng mua sắm trên 220.000 m3 xăng, dầu Diezel của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tổng công ty Dầu Việt Nam – CTCP (PVOIL) với giá trị khoảng trên 2.200 – 2.500 tỷ đồng/năm. Một số đơn vị TKV đã chủ động trong việc cung ứng thép chống lò của Tổng công ty Thép Việt Nam; cung ứng xi măng của Tổng công ty Xi măng Việt Nam; cung ứng thiết bị cao su của Tập đoàn Cao Su Việt Nam; phối hợp tốt với các ngân hàng nhà nước trong việc huy động vốn cho các dự án cũng như công tác quản lý tài chính, chi trả lương, thưởng qua tài khoản cho công nhân, cán bộ, người lao động…
Đối với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), ông Cao Hữu Hiếu – Phó Tổng giám đốc tập đoàn – cho biết, hiện nay các đơn vị trong toàn tập đoàn đã ưu tiên sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm trang thiết bị văn phòng, công sở; sử dụng các trang thiết bị, nguyên vật liệu nội địa và dịch vụ có chất lượng tương đương hàng ngoại nhập để phục vụ sản xuất, kinh doanh; chủ động sử dụng nguồn vật tư, nguyên liệu trong nước thay thế hàng nhập ngoại…
Đây là hai trong số các doanh nghiệp đã đẩy mạnh ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ của nhau thời gian qua. Thông tin đưa ra tại Hội nghị các giải pháp đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) do Đảng ủy Khối DNTW tổ chức mới đây cho thấy, trong 3 năm 2020-2022, đã có 24/38 doanh nghiệp, đơn vị trong khối đã ký kết 149 lượt thỏa thuận, hợp tác sử dụng dịch vụ, sản phẩm của nhau, với 1.543 hợp đồng đã ký kết, tổng giá trị hợp đồng khoảng 1.403 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải – Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương CVĐ – đánh giá, việc triển khai CVĐ cũng như thỏa thuận ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ của nhau đã mang lại hiệu quả thiết thực như: Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ hàng Việt Nam bền vững; tăng tỷ lệ hàng Việt Nam có thế mạnh tại hệ thống phân phối…
“Hiện nay, tỷ lệ hàng Việt Nam tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại đã lên đến 80-90%, riêng tỷ lệ hàng Việt tại chuỗi siêu thị Go của Tập đoàn Central Retail đã lên đến 94-96%; tại chợ truyền thống đạt 60-70%… Như vậy, CVĐ đã mang lại hiệu quả hết sức to lớn” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Để tiếp tục hưởng ứng CVĐ, ngay trong khuôn khổ hội nghị, các doanh nghiệp trong khối đã ký kết thỏa thuận hợp tác. Đơn cử, theo thỏa thuận hợp tác giữa Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) và Vinatex, Vietnam Post sẽ cung cấp dịch vụ Logistics toàn diện cho Vinatex với các dịch vụ vận chuyển quốc tế, kho hàng, phân phối hàng hóa tới các hệ thống cửa hàng, showroom, siêu thị… còn Vinatex cam kết sẽ cung cấp các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cho Vietnam Post, như: Dịch vụ thiết kế và may đồng phục cho cán bộ, nhân viên Vietnam Post với mức giá cạnh tranh, đảm bảo chất lượng, thương hiệu… Đây là minh chứng cụ thể để các doanh nghiệp nhà nước thể hiện vai trò gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện CVĐ.
Thời gian tới, Khối doanh nghiệp Trung ương sẽ xây dựng ứng dụng “Make in VietNam” để giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong khối, nhằm đẩy mạnh hợp tác phát triển, xây dựng và tạo cơ hội hợp tác kinh doanh của các doanh nghiệp, đơn vị trong khối. |
Theo Công Thương