Chuông nguyện hồn… tê giác

Đầu tuần này, ngày 24/11, tê giác Iman, cá thể tê giác cuối cùng ở Malaysia đã chết vì bị ung thư.

Sau nhiều cơn đau dữ dội suốt từ năm 2014 – từ khi bị nuôi nhốt – đến nay, Iman đã không qua khỏi. Đây là một cá thể tê giác Sumatra (hay còn gọi là tê giác 2 sừng), hiện nay chỉ còn chưa đến 80 cá thể trên toàn cầu.

Nhóm bảo tồn tê giác International Rhino Foundation cho rằng sự cô lập đã khiến tê giác hiếm khi sinh sản. Cộng với nguy cơ bị săn bắn bừa bãi để lấy sừng, hầu hết các loài tê giác đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng. Iman từng được cứu sống nhiều lần trước đây khỏi những cơn xuất huyết kịch tính, nhưng biết đâu chính vì quá hiếm, được nuôi nhốt mà nó đã mắc phải ung thư và qua đời sớm hơn.

Tê giác Iman, cá thể tê giác cuối cùng ở Malaysia đã chết vì bị ung thư

Còn nhớ năm 2010, cá thể tê giác cuối cùng ở Việt Nam đã chết vì vết thương do bị bắn. Sừng của nó đã bị cưa. Đó là một con tê giác Java một sừng. Việt Nam chỉ có loài tê giác này.

Trước đó, vào năm 1988, giới nghiên cứu đã rất ngỡ ngàng khi phát hiện ra một con tê giác cái trưởng thành, bởi loài tê giác bị coi là đã tuyệt chủng ở Việt Nam. Đáng buồn là con tê giác này chỉ được biết đến khi… đã bị bắn chết. Năm 1989, các nhà khoa học khảo sát khu rừng miền Nam Việt Nam đã phát hiện dấu vết mới của ít nhất 15 cá thể tê giác sinh sống trong khu vực dọc sông Đồng Nai. Khu bảo tồn tê giác Cát Lộc được lập ra vào năm 1992, sau đó sáp nhập vào Vườn quốc gia Cát Tiên năm 1998. Nhưng Khu bảo tồn và Vườn quốc gia cũng không giúp gì được, bởi lẽ, như đã biết, ngày 29/4/2010, con tê giác cuối cùng của Việt Nam đã chết.

Nếu ánh sáng khoa học được soi rọi rộng rãi hơn, có thể những chiếc sừng tê giác đã không bị thổi giá cao đến vô lý như thế (trên thị trường chợ đen, mỗi kg sừng tê giác được hét giá tới 60.000 USD) và góp phần đẩy những con tê giác tội nghiệp đến chỗ sớm diệt vong.

Cẩm Hà/HQ