Tối 26/10, tại sân vận động huyện Phú Xuyên (Hà Nội) đã diễn ra lễ khai mạc chương trình “Tinh hoa làng nghề, sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội năm 2023”. Chương trình được Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội phối hợp với UBND huyện Phú Xuyên tổ chức từ ngày 26-29/10.
Chương trình được tổ chức nhằm đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tinh hoa làng nghề truyền thống tiêu biểu của huyện Phú Xuyên, của thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố.
Đây cũng là dịp Ủy ban nhân dân huyện Phú Xuyên tổ chức “Lễ hội Vinh danh làng nghề huyện Phú Xuyên lần thứ IV” nhằm tri ân các bậc tiền nhân, các vị tổ nghề.
Huyện Phú Xuyên được nhiều nơi biết đến không chỉ là vùng quê văn hiến, giàu truyền thống yêu nước và kiên cường cách mạng, mà còn là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng.
Từ năm 2011, huyện đã lấy ngày 26/10 hằng năm là “Ngày vinh danh làng nghề truyền thống huyện Phú Xuyên”; với 154/154 làng, cụm dân cư có nghề, trong đó 43 làng đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống.
Lễ hội vinh danh làng nghề huyện Phú Xuyên lần thứ IV, Chương trình “Tinh hoa làng nghề, sản phẩm OCOP và phát triển tiêu dùng bền vững thành phố Hà Nội năm 2023” diễn ra với nhiều hoạt động hấp dẫn như: khai mạc lễ hội, nghi lễ tế Tổ nghề, khai trương sàn thương mại điện tử của huyện, tôn vinh, khen thưởng nghệ nhân làng nghề và công bố quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố công nhận điểm du lịch làng nghề Phú Yên; trình diễn văn hoá phi vật thể huyện; tổ chức đấu giá sản phẩm có giá trị được xác lập kỷ lục quốc gia. Tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật quần chúng chào mừng lễ hội….
Tại đây cũng sẽ diễn ra các hoạt động sôi nổi, đặc sắc và trưng bày 220 gian hàng là những sản phẩm làng nghề độc đáo để tiếp thị, quảng bá giới thiệu thương hiệu sản phẩm làng nghề truyền thống của huyện Phú Xuyên, các quận, huyện thành phố Hà Nội và 15 tỉnh thành trong cả nước với gần 1000 sản phẩm.
Trong đó huyện Phú Xuyên có 218 dòng sản phẩm OCOP của huyện Phú Xuyên; tiêu biểu là các làng nghề khảm trai, sơn mài xã Chuyên Mỹ có cách đây hơn 1000 năm; đan cỏ tế xã Phú Túc; may mặc xã Vân Từ; da giầy xã Phú Yên; đồ gỗ cao cấp xã Tân Dân, Văn Nhân; dệt tơ lưới chã xã Quang Trung; cơ kim khí xã Đại Thắng và thị trấn Phú Minh,… Đặc biệt có những làng nghề đặc trưng như nghề nặn tò he Xuân La-Phượng Dực có cách đây 300 năm và là làng nghề duy nhất ở Việt Nam.
Đây là một trong những sự kiện quan trọng nhằm hưởng ứng các hoạt động tại Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức; là niềm vinh dự, nguồn động viên khích lệ kịp thời, ghi nhận sự đóng góp của làng nghề vào sự phát triển kinh tế-xã hội, sự cống hiến của các nghệ nhân, người thợ làm nghề trong việc bảo tồn, phát triển nghề.
Mặt khác triển lãm còn phục vụ cho việc phát triển ngành thủ công mỹ nghệ và Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP trên địa bàn thủ đô. Đẩy mạnh hoạt động cung cầu hàng hoá, tiêu thụ sản phẩm của thành phố, của huyện nhà, thu hút người dân và doanh nghiệp tăng cường trao đổi, giao thương hàng hóa.
Cùng thời điểm này cũng diễn ra chương trình “Phát triển tiêu dùng bền vững thành phố Hà Nội năm 2023” do Sở Công thương Hà Nội phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Phú Xuyên tổ chức với quy mô khoảng 90 gian hàng cũng sẽ làm tăng thêm hiệu ứng, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phú Xuyên, cho biết: “Sự kiện sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cơ sở công nghiệp nông thôn… sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm cơ khí, tiếp cận, kết nối với các thiết kế, mẫu sản phẩm mới nhất của các nghệ nhân, thợ giỏi, chuyên gia nhà thiết kế trẻ và cơ sở công nghiệp nông thôn có sản phẩm xuất khẩu, để từ đó đưa các thiết kế này vào sản xuất các sản phẩm, hỗ trợ cho các làng nghề quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm, mở rộng thị trường phục vụ người tiêu dùng.”.
Bên cạnh đó, ông mong rằng thông qua chương trình, lễ hội sẽ góp phần cho việc duy trì, bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống, kích thích kết nối-tiêu thụ sản phẩm, tạo động lực cho kinh tế-xã hội Phú Xuyên phát triển bền vững.Đây cũng là cơ hội để chính quyền và nhân dân huyện Phú Xuyên quảng bá các tiềm năng về nông nghiệp, sản phẩm OCOP; tinh hoa làng nghề, quảng bá văn hóa, lịch sử, thành tựu, tiềm năng, thế mạnh của vùng đất và con người Phú Xuyên trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội đến với nhân dân và du khách.
Theo Báo Nhân Dân