Thống kê cho thấy giá vé máy bay hạng phổ thông nhiều chặng tại một số khu vực trên thế giới cuối năm 2023 nhích tăng so với cùng kỳ năm 2019, có chặng tăng tới 40%. Lãnh đạo Hiệp hội các hãng hàng không châu Á – Thái Bình Dương (AAPA) chỉ ra 4 nguyên nhân chính khiến giá vé máy bay sắp tới vẫn chưa thể hạ nhiệt…
Thông tin tại cuộc họp giữa Cục Hàng không Việt Nam và Hiệp hội các hãng hàng không châu Á – Thái Bình Dương (AAPA) cho thấy giá vé máy bay trên thế giới hiện nay và thời gian tới đây sẽ có xu hướng tăng cao hơn so với thời điểm trước.
Được biết, AAPA là tổ chức phi lợi nhuận và phi cổ phần gồm 15 hãng hàng không khu vực châu Á – Thái Bình Dương, có trụ sở tại Kuala Lumpur. Đây là một diễn đàn chia sẻ về các vấn đề trong ngành hàng không ảnh hưởng đến lợi ích chung của các hãng khu vực châu Á – Thái Bình Dương, kết nối hợp tác giữa các bên liên quan nhằm đẩy mạnh hoạt động ngành vận tải hàng không và du lịch.
Cùng chung quan điểm và dự báo với AAPA, thông tin từ báo cáo xu hướng toàn cầu (Global Trend Report) do FCM Consulting (một công ty cung cấp dịch vụ lữ hành đa quốc gia) cung cấp, thời điểm cuối năm 2023, giá vé máy bay quốc tế hạng phổ thông đã tăng 17-25% so với năm 2019.
Cụ thể tại một số khu vực: Châu Á tăng 21%; Úc/New Zealand tăng 22%; Châu Âu tăng 18%; Nam Mỹ tăng 25% và Bắc Mỹ tăng 17%. |
Giá vé máy bay hạng phổ thông theo cặp thành phố của một số khu vực trên thế giới từ cuối năm 2023 cũng đã tăng, có chặng lên đến 40% so với năm 2019.
Dẫn chứng nghiên cứu và đánh giá của hiệp hội, ông Subhas Menon, Giám đốc điều hành AAPA nêu bật 4 nguyên nhân chính lý giải cho xu hướng tăng giá vé máy bay toàn cầu.
Thứ nhất, tình trạng thiếu hụt tàu bay trên diện rộng xảy ra với các hãng hàng không trên thế giới sẽ tiếp diễn trong bối cảnh việc thuê, mua để bù đắp lượng thiếu hụt chưa thể thực hiện tức thì.
Khởi nguồn cho việc thiếu hụt này là từ các vấn đề xảy ra với hai nhà sản xuất tàu bay hàng đầu trên thế giới là Airbus và Boeing.
“Trong khi các tàu bay của Airbus đang đối mặt với vấn đề triệu hồi để sửa chữa động cơ trên các dòng máy bay chủ lực A320, A321 của nhiều hãng hàng không trên thế giới thì Boeing đang gặp phải những vấn đề sự cố kỹ thuật trong khai thác các dòng máy bay thế hệ mới 737, dẫn đến việc chậm trễ bàn giao tàu bay cho các hãng hàng không”.
Ông Subhas Menon, Giám đốc điều hành AAPA. |
“Tình trạng thiếu hụt này kéo dài sẽ làm trầm trọng thêm việc bảo đảm lực lượng đội tàu bay của các hãng hàng không, kéo theo việc giảm cung ứng tải trên các đường bay và dẫn đến áp lực tăng giá vé khi nhu cầu vận chuyển hàng không tăng lên”, ông Subhas Menon, Giám đốc điều hành AAPA đánh giá.
Thứ hai, chi phí nhiên liệu tàu bay cùng các yêu cầu về chuyển đổi nhiên liệu, cắt giảm khí thải, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường ngày càng cao và khắt khe tạo áp lực lên chi phí quản lý, vận hành của các hãng hàng không và tiếp tục đặt áp lực này lên giá vé. |
Về điều này, diễn biến thực tế của giá nhiên liệu hàng không nói riêng và giá nhiên liệu cho vận tải là xăng dầu trong thời gian qua luôn ở mức cao hơn trước đây, trung bình 30-40 USD/đơn vị nhiên liệu và sẽ rất khó trở lại mức giá như trước để kỳ vọng có thể góp phần hạ giá thành vận chuyển.
Bên cạnh đó, trong những năm tới đây, với các cam kết của các quốc gia, kèm theo đó là tiêu chuẩn ngày càng cao hơn về khí thải và bảo vệ môi trường thì chi phí nguyên liệu “xanh” để đáp ứng các tiêu chuẩn này sẽ gia tăng.
Thứ ba, sau khi kết thúc giai đoạn “du lịch trả thù” của hành khách sau thời gian bị gián đoạn do đại dịch Covid-19 cùng với việc nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không đã ổn định và dần tăng trở lại.
“Các hãng hàng không trên thế giới đã dần chuyển dịch chính sách giá vé từ việc chấp nhận thua lỗ để thu hút, khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ với nhiều mức giá rẻ sang việc bảo đảm, cân đối tài chính và tạo nguồn cho sự tăng trưởng, phát triển trở lại với các mức giá dần cao hơn, đủ bù đắp chi phí vận hành”, lãnh đạo hiệp hội AAPA nhìn nhận.
Thứ tư, vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ trong ngành hàng không chưa được cải thiện do việc chuyển dịch lao động sang các khu vực khác xảy ra từ thời điểm hoạt động hàng không bị tạm ngưng, gián đoạn thời Covid-19.
Vấn đề thiếu hụt này, đặc biệt với bộ phận nhân lực có kinh nghiệm thực tế, đã làm phát sinh các chi phí không chỉ trong việc đào tạo, bổ sung lực lượng, mà còn đi cùng sự gia tăng các chi phí để duy trì ổn định nguồn nhân lực hiện hữu.
Ngoài các nguyên nhân chính trên, việc giá vé máy bay được dự báo giữ xu hướng tăng lên còn xuất phát từ các vấn đề có tính chất toàn cầu hiện nay, như các áp lực do tăng tỷ giá đồng USD so với đồng nội tệ tại nhiều quốc gia trên thế giới ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không.
Cùng với đó, xung đột vũ trang tại một số quốc gia và khu vực làm ảnh hưởng đên chuỗi cung ứng sản phẩm, vật tư, thiết bị ngành hàng không, đồng thời có thể làm thay đổi kéo dài lịch trình, đường bay của các chuyến bay…
Những vấn đề trên sẽ là những gánh nặng đối với chi phí quản lý, vận hành khai thác của hãng hàng không nói riêng cũng như các doanh nghiệp trong ngành hàng không nói chung, điều này là cơ sở cho các dự báo về xu hướng tăng giá vé trong thời gian tới.
Tại Việt Nam, dù các hãng hàng không Việt Nam đều điều chỉnh linh hoạt giá vé máy bay nội địa phù hợp với cung cầu của thị trường và nằm trong khung giá quy định do Bộ Giao thông vận tải ban hành nhưng nhiều hành khách, đại biểu Quốc hội đều cho rằng giá vé máy bay không chỉ tăng cao dịp cao điểm lễ, Tết mà còn khó hạ nhiệt mùa thấp điểm.
Bên cạnh 4 nguyên nhân chính dẫn đến xu hướng tăng giá vé máy bay toàn cầu kể trên, tại Việt Nam, thị trường hàng không nội địa hiện vẫn đang lao đao do đội bay bị co hẹp, nhiều đường bay bị cắt giảm đẩy giá vé máy bay tăng cao và gây liên luỵ tới cả ngành du lịch.
Vừa qua, hãng hàng không Bamboo Airways đã quyết định dừng khai thác 3 máy bay Embraer E190 để tái cơ cấu, cắt giảm chi phí. Theo đó, hãng dừng khai thác các đường bay Hà Nội – Huế/Đồng Hới/Côn Đảo và TP. Hồ Chí Minh – Đồng Hới/Côn Đảo; đường bay thẳng Hà Nội – Côn Đảo dừng khai thác từ đầu tháng 4.
Giữa tháng 3 vừa qua, Pacific Airlines đã trả hết máy bay để xóa nợ và không còn máy bay khai thác, vì vậy, hãng xây dựng kế hoạch thuê khô (chỉ thuê máy bay) 3 máy bay từ Vietnam Airlines để duy trì số lượng tàu tối thiểu nhằm giữ giấy chứng nhận người khai thác tàu bay (AOC).
Tình hình kinh doanh của các “ông lớn” dù khởi sắc nhưng hiện chưa thoát khó, các hãng vẫn trầy trật xoay xở bài toán tài chính do hệ luỵ của đại dịch để lại.