Thị trường chứng khoán Việt Nam khó có cú giảm sốc, nhưng có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh, tích lũy. Do đó, các nhà đầu tư (NĐT) nên xem xét cơ hội ở từng cổ phiếu riêng lẻ.
Tháng 10 đã qua đi, chỉ số VN-Index đang giảm dần về mốc 1.250 điểm và động lực của thị trường ngày càng giảm sút.
Không như kỳ vọng
Kỳ vọng VN-Index bứt phá qua 1.300 điểm đã không thành hiện thực, cho dù có sự giúp sức mạnh mẽ của các cổ phiếu ngân hàng, VHM, VIC, MSN. Thậm chí, có thời điểm tưởng chừng như đích đến là 1.350 điểm khi mà dòng tiền tương đối lớn đổ vào nhóm ngân hàng. Nhiều cổ phiếu ngân hàng bất ngờ tăng mạnh thanh khoản như VPB, ACB, TCB, MBB…, cứ tưởng sẽ tạo ra hiệu ứng cho toàn thị trường giống như giai đoạn đầu năm.
Cuối cùng, mọi thứ đều không như kỳ vọng, chỉ số VN-Index loay hoay một thời gian ở vùng 1.300 điểm mà không thể bứt phá bất chấp mùa báo cáo kết quả kinh doanh (KQKD). Từ đó, áp lực bán bắt đầu gia tăng, thị trường dần suy giảm và hiện tại đang tịnh tiến về mốc 1.250 điểm, giảm nhẹ 2,3%. Nhưng ở từng cổ phiếu lại hoàn toàn khác khi có nhiều cổ phiếu tiếp tục giảm dần đều, thậm chí có những cổ phiếu giảm đến 15-20% trong thời gian ngắn. Cá biệt có cổ phiếu rơi vào diện bị kiểm soát như LTG,… Nhiều cổ phiếu giảm mạnh khi gặp tin đồn bất lợi như VHM về việc mua cổ phiếu quỹ không như kỳ vọng. NĐT phát hiện ra rằng, việc VHM mua vào 370 triệu cổ phiếu trùng với số lượng mà 2 tổ chức đang nắm giữ là GIC và Viking. Hay như EIB, STB bị bán gần sàn cũng tương tự với thông tin bất lợi.
Trong khi NĐT nội cố gắng đổ tiền mua thì NĐT ngoại lại quay đầu bán ròng. Từ vị thế mua ròng nhẹ đầu tháng 10, cuối cùng các NĐT ngoại quay ra bán ra hàng nghìn tỷ đồng, trong đó đáng chú ý là cổ phiếu VIB khi khối này bán thỏa thuận với tổng giá trị 5.500 tỷ đồng trong phiên 29/10 vừa qua. Trước đó, cũng có hơn 148 triệu cổ phiếu VIB được khối này bán thỏa thuận sang tay hồi tháng 9.
Có thể nói tháng 10 là sự nỗ lực cuối cùng của thị trường trong việc chinh phục đỉnh cao 1.300 điểm. Tại sao lại nói nỗ lực cuối cùng? Thị trường đã luân chuyển tiền sang cổ phiếu ngân hàng – nhóm ngành có thể nói là “còn rẻ” một cách tương đối khi xét đến các chỉ số như P/B, P/E… nhưng lại không thành công. Tiền đã không thể lan tỏa như hồi đầu năm nay để tạo ra hiệu ứng. Điều này nhìn ngược lại cũng là bởi giá các cổ phiếu khác là quá đắt, không còn hấp dẫn. Hơn nữa, thời điểm tháng 10 là mùa báo cáo KQKD nên giá cổ phiếu sẽ được hỗ trợ mạnh mẽ. Tuy nhiên, thực tế không như vậy, quan sát nhiều cổ phiếu có KQKD rất tốt, có thể nói thực sự tích cực như QNS, VNM, FPT, TLG…, nhưng giá không mấy thay đổi.
5 lưu ý với nhà đầu tư
Vậy các NĐT cần lưu ý đến các yếu tố nào có thể tác động mạnh đến thị trường?
Trước hết là bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới sẽ có tác động nhất định đến nền kinh tế toàn cầu, nhất là khi ông Donald Trump tái đắc cử. Với chiến lược tranh cử rõ ràng, việc áp thuế hàng nhập khẩu để tạo ra sự cân bằng sẽ là áp lực với doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ. Trong đó, Việt Nam có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ rất lớn có thể có nguy cơ.
Thứ hai, áp lực tỷ giá những tháng cuối năm nay luôn gia tăng cho dù Mỹ đang theo xu hướng hạ lãi suất. Tuy nhiên, chỉ số DXY tăng mạnh trở lại từ mốc 100,2 điểm lên 104 điểm, cho thấy giới đầu tư tin rằng FED sẽ không hạ lãi suất thêm trong năm 2024.
Thứ ba, tiền margin đang tăng lên mức cao kỷ lục có thể sẽ tạo ra hiệu ứng domino nếu thị trường gặp biến xấu như năm 2022. Khi mọi thứ yên ổn, chúng ta vẫn thấy mọi thứ tốt đẹp nhưng chỉ vài tin đồn, giá cổ phiếu giảm sâu là hiệu ứng có thể nhanh chóng xuất hiện.
Thứ tư, tâm lý của NĐT suy yếu, và áp lực bán sẽ gia tăng mỗi khi giá cổ phiếu suy giảm. Thị trường không tạo ra cú giảm mạnh và bật lên kiểu “cái chết con mèo nảy” mà giảm dần đều. NĐT sẽ rơi vào cái bẫy là liên tục phải “cưa chân bàn”, có nghĩa họ cứ mua vào với kỳ vọng nào đó, cộng với đòn bẩy margin. Tuy nhiên, giá cổ phiếu không tăng mà giảm nhẹ trong thời gian dài tạo ra áp lực với NĐT, khiến họ phải bán ra. Vòng quay này càng nhanh càng khiến NĐT thua lỗ nhiều.
Với 6 lần tiếp cận mốc 1.300 điểm không thanh công, thật khó tin có lần thứ 7 khi tháng 10 là sự nỗ lực cao nhất có thể. Với một vùng trũng thông tin thì khả năng cao VN-Index sẽ chạm ngưỡng 1.200 điểm trước khi có diễn biến mới. Rất khó có cú giảm sốc bởi áp lực bán với NĐT chưa quá lớn nhưng cũng không loại trừ áp lực từ margin. Nhìn chung, cơ hội chưa xuất hiện, nhưng NĐT nên nhìn vào từng cổ phiếu riêng biệt và chờ cơ hội xuất hiện riêng lẻ.