Cộng hòa Liên bang Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu, chiếm 20% xuất khẩu của Việt Nam sang EU và là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hoá Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu.
Đối với Cộng hòa Liên bang Đức, Việt Nam là một thị trường tiềm năng và là bạn hàng quan trọng đặc biệt trong bối cảnh hiện tại, khi Hiệp định EVFTA Việt Nam – EU đã có hiệu lực và phát huy được hiệu quả sau 2 năm triển khai.
Theo Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, tính đến hết tháng 10/2022, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Đức đạt gần 10,6 tỷ USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó Việt Nam xuất khẩu hơn 7,6 tỷ USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 2,96 tỷ USD, giảm nhẹ. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam là máy móc, thiết bị, điện thoại, giày dép, dệt may, cà phê, thủy sản… Các mặt hàng nhập khẩu chính là máy móc, thiết bị, dược phẩm, hóa chất, linh kiện phụ tùng ô tô…
Báo Handelsblatt dẫn lời Thủ tướng Scholz nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay, Đức phải mở rộng thị trường kinh doanh, chuỗi cung ứng, nguồn nguyên liệu và địa điểm sản xuất để không phụ thuộc vào quốc gia nào. Việt Nam đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình này. Đức muốn hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi theo hướng trung hòa carbon, ví dụ như xây dựng các hệ thống tàu điện ngầm ở Thủ đô Hà Nội.
Phát biểu tại Hội nghị bàn tròn doanh nghiệp Việt Nam-Đức mới đây, Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức Olaf Scholz nhấn mạnh, đối với nhiều công ty của Đức và châu Âu, Việt Nam là điểm đến rất quan trọng do nằm trong mạng lưới giao thương, cung ứng nguyên liệu dồi dào của châu Á, với sức đề kháng ấn tượng của nền kinh tế trong thời gian dịch bệnh.
Thủ tướng Đức phân tích, kinh tế thế giới chỉ thành công khi các nước tận dụng được tất cả khả năng và tiềm năng sẵn có. Điều này đúng với Việt Nam, một đất nước có nguồn nguyên, vật liệu dồi dào, lao động có trình độ. Thủ tướng Đức vui mừng khi Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam có hiệu lực; khẳng định, đây là cơ sở để kinh tế hai nước cùng phục hồi và phát triển, tạo sự tin tưởng lẫn nhau trong hợp tác kinh tế.
Hiện Đức là đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU) với kim ngạch thương mại 14 tỷ euro (khoảng 14,46 tỷ USD). Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Đức trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Ngoài ra, cộng đồng người Việt tại Đức hiện có khoảng 180.000 người, đóng góp quan trọng cho mối quan hệ hai bên. Trong đại dịch Covid-19, hai nước cũng đã tích cực hỗ trợ nhau vượt qua.
Đánh giá Việt Nam là thị trường có tiềm năng phát triển nhanh ở châu Á, tuy nhiên, đầu tư của Đức vào Việt Nam vẫn ở mức khiêm tốn so với tiềm năng và mong muốn hai bên. Đến hết tháng 10/2022, Cộng hòa Liên bang Đức có 437 dự án FDI có tổng vốn đăng ký hơn 2,34 tỷ USD, đứng thứ 18/139 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trên 3/4 số dự án và 2/3 số vốn đầu tư của Cộng hòa Liên bang Đức vào Việt Nam tập trung vào các ngành chế biến, chế tạo, dịch vụ kỹ thuật, thông tin truyền thông, ngân hàng, bảo hiểm.
Một số tập đoàn đa quốc gia của Cộng hòa Liên bang Đức đã đầu tư tại Việt Nam như: Daimler – Chrysler (sản xuất ô tô Mercedes – Benz), B.Braun (sản xuất thiết bị y tế), Messer (tách hóa lỏng khí phục vụ luyện kim), Siemens…
Gợi mở một số nội dung hợp tác cho doanh nghiệp hai nước, Thủ tướng Đức đề cập đến những điều kiện thuận lợi có sẵn của Việt Nam như những chuẩn mực kinh tế, giao thông vận tải… Theo Thủ tướng Olaf Scholz, có nhiều doanh nghiệp Đức muốn tìm đối tác hợp tác về kinh tế, hạ tầng cơ sở, năng lượng… của Việt Nam. Các chương trình dạy nghề đang triển khai ở Việt Nam theo mô hình của Đức, thường nhận được sự giúp đỡ của doanh nghiệp Đức.
Tại buổi làm việc với Chủ tịch Hiệp hội Nhịp cầu châu Á (Asia Bridges Association) và đại diện một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Đức, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên bày tỏ mong muốn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức, hai bên cần tăng cường hơn nữa các nỗ lực hợp tác để hướng tới phục hồi kinh tế nhanh và phát triển bền vững, cùng nhau định hình những chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu mới, có sức chống chịu tốt trước khủng hoảng, đồng thời, chú trọng hợp tác phát triển một số ngành mang tính đột phá, phù hợp với xu thế quốc tế như công nghệ xanh, sử dụng năng lượng mới, các lĩnh vực kinh tế số với hàm lượng công nghệ cao, thương mại điện tử… Bộ trưởng hy vọng với việc Cộng hòa Liên bang Đức là nước có nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới, trong thời gian tới, hai bên có thể xem xét khả năng hợp tác phát triển các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, nhất là vật liệu, cơ khí, chế biến, chế tạo, điện tử, hóa chất, dược phẩm…
Theo HQ Online