Chỉ cần hiểu được quá trình hoạt động của chuỗi, tham gia được vào hệ sinh thái thì doanh nghiệp có thể mở ra thị trường mênh mông cho mình.
Đây là một trong những nhận định được ông Nguyễn Thanh Yên – Tổng Giám đốc CoAsia Semi Việt Nam đưa ra khi đề cập đến những cơ hội cho Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn đang tăng trưởng nhanh. Đây cũng là ngành đang được nhiều quốc gia trên thế giới dành nguồn lực đầu tư lớn.
Với các khâu thiết kế, kiểm thử và lắp ráp trong ngành công nghiệp bán dẫn đều dành cơ hội cho Việt Nam nhưng theo ông Nguyễn Thanh Yên, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam có thể trở thành nguồn cung ứng thiết kế chip. Do đó, nên tập trung mạnh vào đội ngũ thiết kế chip vi mạch và nâng tầm 5.000 kỹ sư hiện có ở tất cả các khâu trong mảng thiết kế chip. Đồng thời cần đẩy nhanh quá trình đào tạo để đội ngũ này có thêm nhiều kỹ sư hơn nữa.
Giải thích cho nhận định của mình, ông Nguyễn Thanh Yên phân tích, tại các nước lân cận, một kỹ sư bán dẫn mới ra trường có mức lương khoảng 30.000 USD/năm. Ở Việt Nam, sinh viên mới ra trường được trả lương 10.000 USD/năm (khoảng 250 triệu/năm) đã là mức thu nhập tốt. Giả sử với mức tăng lương 25%/năm, sau 5 năm, mức lương kỹ sư có 5 năm kinh nghiệm của Việt Nam mới bằng lương kỹ sư vừa ra trường ở các nước xung quanh.
Hơn nữa, việc thiết kế chip tốn ít nguồn lực đầu tư, đỡ rủi ro hơn, kỹ thuật đòi hỏi thấp hơn. Công việc này lại thích hợp với những nước có dân số trẻ, giỏi về các môn STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) như Việt Nam.
Với tính toán như vậy, ở góc độ nhà đầu tư nước ngoài, thay vì sang các nước lân cận trong khu vực, sang Việt Nam, doanh nghiệp sẽ tuyển được nhiều kỹ sư giỏi. Đây là lợi thế tốt của Việt Nam. Cơ hội của Việt Nam trong ngành bán dẫn chính là con người – nguồn nhân lực.
Ở góc độ khác, ông Nguyễn Thanh Yên cho rằng, các kỹ sư bán dẫn Việt hiện đang làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài nhưng lại là lực lượng rất có giá trị. Đội ngũ kỹ sư này chính là tài sản của các công ty thiết kế chip.
Theo Tổng Giám đốc CoAsia Semi Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài sang Việt Nam mở công ty thiết kế chip do được hưởng các ưu đãi; song càng ở lâu, các nhà đầu tư càng phải gắn liền với chúng ta. Nguyên nhân là khi chuyển địa điểm, doanh nghiệp đó sẽ không thể mang theo tất cả kỹ sư và gia đình họ.
Việt Nam có thể thông qua ngành bán dẫn để xây dựng nguồn nhân lực có tiềm năng thu nhập cao, thu hút công ty nước ngoài lập chi nhánh tại địa phương và hỗ trợ các công ty trong nước khởi nghiệp.
Với các doanh nghiệp trong nước muốn tham gia ngành bán dẫn cần cân nhắc, lựa chọn phân khúc phù hợp. Sản xuất vi mạch đòi hỏi chi phí vốn rất lớn cùng hệ sinh thái gồm nhiều các công ty hỗ trợ. Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp trong nước chưa gia nhập được mảng sản xuất, nhà máy thì gia nhập mảng hỗ trợ sản xuất cho nhà máy (logistics, cung cấp nguyên vật liệu…) là lựa chọn hợp lý. Chỉ cần hiểu được quá trình hoạt động của chuỗi, tham gia vào hệ sinh thái thì doanh nghiệp có thể đã mở ra thị trường mênh mông.
“Với ngành bán dẫn, trong khi chúng ta chưa có nhiều thứ trong tay thì đây có thể được xem là cách học hỏi để doanh nghiệp Việt Nam thu được nhiều lợi ích nhất với chi phí ít nhất” – ông Nguyễn Thanh Yên nhấn mạnh. Chuyên gia này cũng cho rằng, Việt Nam đang có lợi thế khác là có đội ngũ kỹ sư người Việt tham gia các khâu trong ngành công nghiệp bán dẫn ở nhiều doanh nghiệp lớn, tập đoàn trên thế giới. Đây là thời điểm cần có chính sách thu hút người tài, kỹ sư có kinh nghiệm để hiến kế, đóng góp ý tưởng hay để chung tay phát triển hệ sinh thái bán dẫn của Việt Nam.