Cơ hội nào cho xuất khẩu hàng hoá năm 2025?

Năm 2025, mục tiêu đề ra là kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tăng 10-12% so với năm 2024. Mục tiêu lớn này đang đứng trước những thuận lợi và thách thức đan xen.

Xuất khẩu có cơ hội, nhưng cũng đối diện với những thách thức lớn

Chia sẻ về những khó khăn và thách thức đối với hoạt động xuất khẩu hàng hoá năm 2025, ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên – Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam là một trong những nước được coi là hưởng lợi lớn nhất từ xu hướng hội nhập toàn cầu. Đặc biệt, giai đoạn vừa qua, khi chuỗi cung ứng thế giới thay đổi thì đây là cơ hội cho Việt Nam nắm bắt được những xu hướng như: chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… Đây cũng là xu hướng mà Việt Nam nắm bắt rất tốt thời gian qua.

Hoạt động xuất khẩu hàng hoá năm 2025 đối diện với cơ hội và thách thức đan xen (Ảnh: TTXVN)

Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định CPTPP đã và đang phát huy hiệu quả trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu và giảm thiểu rào cản thuế quan. Những FTA này không chỉ thúc đẩy xuất khẩu, mà còn tạo cơ hội cho Việt Nam gia tăng nhập khẩu công nghệ và thiết bị sản xuất hiện đại từ các quốc gia đối tác.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng – Giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nền tảng xuất khẩu từ năm 2024, đặc biệt là việc ký kết và thực thi nhiều FTA, sẽ là động lực mạnh mẽ cho năm 2025.

Bên cạnh tận dụng các FTA, thời gian qua, việc cải thiện hạ tầng logistics và ứng dụng công nghệ trong xuất, nhập khẩu tiếp tục là một yếu tố quan trọng giúp giảm chi phí và nâng cao hiệu quả giao thương. Các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng áp dụng công nghệ số trong việc quản lý kho, vận chuyển, và làm thủ tục hải quan. Từ đó, nâng cao hiệu suất và giảm thời gian thông quan, tăng tính hiệu quả của hoạt động xuất, nhập khẩu.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, hoạt động xuất khẩu cũng đối diện với nhiều thách thức. Ông Lương Hoàng Thái chỉ rõ, trong giai đoạn gần đây, tăng trưởng thương mại trên phạm vi toàn cầu thấp hơn tăng trưởng GDP toàn cầu. Đặc biệt, thời gian tới dự kiến có xu hướng rất lớn có thể thay đổi mạnh mẽ cách các nước quan hệ thương mại với nhau.

Cụ thể, đầu tiên là xu hướng một số nền kinh tế lớn hướng nội nhiều hơn, thậm chí một số nơi có tính bảo hộ thương mại, xung đột thương mại cũng xảy ra ở một số nơi trên thế giới.

Xu hướng thứ 2, kể cả khi các nền kinh tế tiếp tục quá trình mở cửa, nhưng họ cũng có các biện pháp mới để thực hiện các xu hướng toàn cầu, như: chuyển đổi xanh, đi kèm với nó là một loạt biện pháp quản lý chặt chẽ hơn về chuỗi cung ứng để đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Việc này là rào cản doanh nghiệp buộc phải vượt qua, sẽ tạo ra những chi phí mới buộc doanh nghiệp tuân thủ thì mới có thể xuất khẩu được sang các thị trường áp dụng những biện pháp này.

Đơn cử tại EU, mặc dù tiếp tục khẳng định xu hướng tăng cường quan hệ thương mại nhưng các biện pháp mới về môi trường, chống phá hoại rừng, chống đánh bắt cá bất hợp pháp… dự kiến tăng cường mạnh mẽ hơn, rõ ràng cũng tạo ra những rào cản.

Trong xu thế đó, Việt Nam là một trong những nước có độ mở nền kinh tế thuộc loại cao nhất, phụ thuộc nhiều vào thương mại, đầu tư quốc tế thì thách thức đối với kinh tế Việt Nam đặt ra trong năm 2025. Đặc biệt, khi Việt Nam hội nhập theo hướng đáp ứng “luật chơi” chung của toàn cầu và nền tảng là tham gia WTO với một quy tắc chung áp dụng cho tất cả các nước, đây là những thách thức mà doanh nghiệp xuất khẩu phải vượt qua” – ông Lương Hoàng Thái nói.

Hoá giải thách thức

Ông Lương Hoàng Thái cho rằng, năm 2025, như các tổ chức, các chuyên gia dự báo là năm rất khó khăn trong hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và xuất khẩu hàng hoá nói riêng. Song năm 2025 cũng là năm thế giới bước vào giai đoạn thay đổi về chất trong chuỗi cung ứng, cho nên những nước hội nhập sau như Việt Nam nếu vươn lên, có khả năng “đi tắt đón đầu” thì sẽ tận dụng được cơ hội để gia tăng xuất khẩu.

Về phía Cục Xuất nhập khẩu đã và đang thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá thông qua loạt giải pháp như hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các Hiệp định…

Bên cạnh đó, hỗ trợ xây dựng và triển khai các triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại tập trung, quy mô lớn, mang tính liên kết vùng cho sản phẩm, ngành hàng có thế mạnh của vùng tại các thị trường mục tiêu. Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy chuyển nhanh, mạnh hoạt động xuất khẩu sang thương mại chính ngạch.

Bộ Công Thương cũng đang đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán mở thêm các loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch. Đồng thời, triển khai thực thi các Chiến lược, Chương trình hành động về xuất nhập khẩu hàng hoá, phát triển dịch vụ logistics, phát triển thị trường xuất khẩu gạo… Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các rào cản thương mại mới tại các thị trường nhập khẩu.

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 405,53 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm trước. Năm 2025, mục tiêu đề ra là kim ngạch xuất khẩu tăng 12% so với năm 2024, tương đương tăng thêm 4 tỷ USD/tháng.

Theo Công Thương