Là một chuyên gia lâu năm với nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý an ninh và chuỗi cung ứng, ông có thể cho biết đánh giá của ông về vai trò quan trọng của ứng dụng công nghệ trong quản lý chuỗi cung ứng?
Công nghệ đóng vai trò then chốt trong quản lý chuỗi cung ứng hiện đại, nâng cao hiệu quả, tính minh bạch và an toàn bảo mật.
Các công nghệ tiên tiến như AI (trí tuệ nhân tạo), IoT (Internet vạn vật) và DLT (Công nghệ chuỗi khối và sổ lớn) đã và đang hỗ trợ theo dõi thời gian thực, phân tích dự đoán và tự động hóa, giúp đưa ra quyết định chính xác và giảm thiểu chi phí hoạt động.
Trong bối cảnh an ninh, công nghệ cho phép xác định và giảm thiểu rủi ro, đảm bảo tính toàn vẹn và an toàn của hàng hóa quá cảnh.
Ông có thể cho biết về xu hướng ứng dụng công nghệ trong quản lý chuỗi cung ứng của các cơ quan hải quan trên thế giới nói chung và Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) nói riêng?
Các cơ quan Hải quan trên toàn cầu, trong đó có CBP đang ngày càng ứng dụng công nghệ để tạo thuận lợi thương mại và đảm bảo an ninh an toàn thương mại quốc tế. Cụ thể như ứng dụng các công cụ kiểm soát tự động, máy soi X quang và tia gamma quy mô lớn, các thiết bị phát hiện bức xạ là những thiết bị không thể thiếu có trong Sáng kiến an ninh Công ten nơ (CSI)- sáng kiến do CBP xây dựng và đưa ra thực hiện nhằm ứng phó với các mối đe dọa an ninh biên giới và thương mại toàn cầu.
Những công nghệ hiện đại này nâng cao khả năng nhận dạng, soi chiếu trước và đánh giá các container hàng hóa có rủi ro cao, giảm thiểu các mối đe dọa trước khi hàng hóa cập cảng vào Mỹ.
AI và học máy cũng là một trong những xu hướng mới nổi, tăng cường khả năng phân tích dự báo và đánh giá rủi ro. Sinh trắc học cũng giúp nhận dạng con người một cách nhanh chóng và chính xác.
Tại các khu vực kiểm soát nhập cảnh trên toàn thế giới chúng ta có thể thấy là các thiết bị tự động này được lắp đặt nhằm kiểm tra và giám sát khách nhập cảnh với quy trình tự động hóa cao.
Ông đánh giá như thế nào về vai trò của các cơ quan Hải quan trong quản lý chuỗi cung ứng?
Cơ quan Hải quan đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết, tạo thuận lợi và đảm bảo thương mại quốc tế. Là cơ quan luôn đảm bảo thực thi trong khuôn khổ pháp lý và quy định, tuân thủ các quy định về XNK.
Trong bối cảnh an ninh chuỗi cung ứng, các sáng kiến như chương trình về Doanh nghiệp ưu tiên (AEO) và chương trình CSI đã khẳng định vai trò của hải quan trong hợp tác quốc tế nhằm xác định và giảm thiểu các mối đe dọa tiềm ẩn, duy trì dòng chảy thương mại toàn cầu thông suốt đồng thời đảm bảo an ninh, an toàn quốc gia.
Hải quan đóng vai trò then chốt trong quản lý chuỗi cung ứng vì tính hiệu quả của quản lý biên giới liên quan chặt chẽ với hai chỉ tiêu tài chính quan trọng đánh giá sự thành công hay thất bại của bất kỳ chuỗi cung ứng nào (chu kỳ chuyển thành tiền mặt và quay vòng vốn lưu động – PV). Sự chậm chễ hoặc thay đổi ngoài kế hoạch cũng sẽ tác động tiêu cực đến các chỉ tiêu tài chính quan trọng này.
Ngược lại, hai chỉ số tài chính quan trọng này sẽ được cải thiện đáng kể đối với các nước có chung đường biên giới cho phép tăng khối lượng hàng hóa và rút ngắn thời gian thông quan qua biên giới.
Việc tích hợp chuỗi cung ứng thương mại điện tử vào các mô hình DN ưu tiên (AEO) nhằm duy trì đảm bảo an toàn, an ninh biên giới hiệu quả, ông có thể cho biết cụ thể hơn?
Việc tích hợp thương mại điện tử vào các mô hình DN ưu tiên (AEO) liên quan đến việc tăng cường bảo mật và hiệu quả trong bối cảnh ngày càng phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử. Đồng thời đặt ra các thách thức như chất lượng dữ liệu, tích hợp công nghệ và hợp tác quốc tế.
Cách tiếp cận này bao gồm việc ứng dụng các công nghệ như AI và DLT để theo dõi thời gian thực, phân tích dữ liệu và đánh giá rủi ro. Các khung pháp lý được hoàn thiện để ứng phó với các thách thức cụ thể trong thương mại điện tử, đảm bảo việc thu ngân sách, an toàn bảo mật và bảo vệ người tiêu dùng đồng thời tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng hóa nhanh chóng và đáng tin cậy.
Chúng ta cũng cần nâng cao khả năng xác định các đối tượng cụ thể bất kể quy mô nào thông qua sự kết hợp của các công nghệ tiên tiến thậm chí những cá nhân tham gia vào thương mại điện tử cũng có cần phải có mã nhận diện thương mại toàn cầu.
Cơ quan Hải quan Mỹ đã xây dựng Sáng kiến An ninh Container (CSI) nhằm ứng phó với các mối đe dọa đối với an ninh biên giới và thương mại toàn cầu. Ông có thể chia sẻ về việc thực hiện sáng kiến này của Hải quan Mỹ và vai trò của Hải quan Việt Nam trong Chương trình kiểm soát container toàn cầu? Và ông có khuyến nghị gì đối với Hải quan Việt Nam?
CSI đang được triển khai và hoạt động tại 61 cảng trên toàn thế giới, bao gồm cả châu Á, đã đạt được những kết quả rất tích cực. Đáng chú ý, CSI hiện nay kiểm soát hơn 86% tổng lượng container hàng hóa được vận chuyển bằng đường biển vào nước Mỹ, đánh dấu mốc quan trọng trong việc tăng cường an ninh hàng hải toàn cầu. Các công chức Hải quan CBP đã phối hợp với các đơn vị hải quan địa phương để soi chiếu các container hàng hóa rủi ro cao thông qua ứng dụng công nghệ tiên tiến.
Hải quan Việt Nam có thể đóng một vai trò quan trọng trong mạng lưới an ninh quốc tế này. Mặc dù chưa được liệt kê trong số 61 các cảng biển ứng dụng SIC, nhưng Hải quan Việt Nam có thể áp dụng và thực hiện các giao thức bảo mật nghiêm ngặt tương tự và đổi mới công nghệ để đảm bảo an ninh cho container hàng hóa qua khu vực thuộc thẩm quyền quản lý.
Các nguyên tắc cốt lõi của Chương trình CSI bao gồm:
Thứ nhất, nhận diện các container có độ rủi ro cao. CBP sử dụng các cộng cụ xác định trọng điểm tự động để nhận diện các nguy cơ khủng bố trên cơ sở thông tin trước và thông tin tình báo chiến lược.
Thứ hai, đánh giá và sàng lọc trước: các container hàng hóa được đánh giá và kiểm tra sớm nhất có thể trong chuỗi cung ứng, đặc biệt tại cảng xuất hàng, đảm bảo không tiềm ẩn nguy cơ đe dọa nào khi hàng hóa cập cảng Mỹ.
Thứ ba, ứng dụng công nghệ hiện đại như máy chụp X-quang và tia gamma quy mô lớn, cùng với các thiết bị phát hiện bức xạ được sử dụng để soi chiếu nhanh chóng và chính xác các container có rủi ro cao, đảm bảo dòng chảy thương mại thông suốt.
Tôi cho rằng Hải quan Việt Nam cần tăng cường tích hợp công nghệ soi chiếu container và nâng cao chất lượng cũng như khả năng phân tích dữ liệu để đẩy mạnh quản lý rủi ro. Tập trung vào tính toàn vẹn của container cũng như soi chiếu hàng hóa.
Hợp tác quốc tế để chia sẻ thông tin tình báo và áp dụng những thực tiễn tốt nhất cũng có thể củng cố vị thế của Việt Nam trong an ninh chuỗi cung ứng toàn cầu, phù hợp với sự an toàn và hiệu quả của sáng kiến CSI.
Xin cảm ơn ông!
Theo Haiquanonline