Thông tin từ Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, ngày 20/4, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Sơn La và nền tảng mạng xã hội Tiktok tổ chức “Khoá tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh cho kinh tế tập thể và hợp tác xã”.
Khóa tập huấn nằm trong Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2023. Theo đó, Sơn La là tỉnh đầu tiên trong năm 2023, Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương phối hợp với địa phương tổ chức “Khóa tập huấn Kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh cho kinh tế tập thể và hợp tác xã.
Với hoạt động này, Cục Xúc tiến thương mại tập trung huấn luyện theo phương thức “học đi đôi với hành”, học kết hợp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tế, tìm hiểu thông tin sản phẩm, kế hoạch sản xuất, thông tin mùa vụ, sản lượng thu hoạch, chất lượng, khung giá bán, bảng phân loại sản phẩm và thời điểm thu hoạch. Đặc biệt, tại khoá huấn luyện, các học viên được thực hành tại vườn kỹ năng livestream bán sản phẩm của mình, giảng viên của nền tảng xã hội TikTok Việt Nam trực tiếp hướng dẫn.
Nội dung khóa tập huấn được thiết kế bài bản và khoa học, tập trung vào từng chủ đề cụ thể: Hướng dẫn và hỗ trợ học viên tự triển khai các hoạt động bán hàng trên nền tảng số từ khâu chuẩn bị, tạo tài khoản, đưa sản phẩm lên gian hàng và theo dõi đơn hàng; cách chụp ảnh, xây dựng nội dung giới thiệu sản phẩm; cách thức gói bọc, vận chuyển đảm bảo chất lượng sản phẩm và truyền đạt thông tin về sản phẩm với khách hàng thông qua hoạt động livestream.
Qua đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ từng bước xây dựng hình ảnh, phát triển thương hiệu sản phẩm tiềm năng của mình, tổ chức sản xuất, cung ứng các sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu thị trường. Từ đó, nâng tầm giá trị thương hiệu của nông sản Việt Nam, giúp gia tăng cơ hội kết nối giao thương thành công, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp nông thôn, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa.
Sơn La là tỉnh miền núi biên giới, có diện tích tự nhiên 14.125 km², có nhiều ưu đãi về thổ nhưỡng, khí hậu và được biết đến là vùng cây ăn quả mới, với nhiều loại nông sản được trồng quy mô tập trung không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn phục vụ chế biến, xuất khẩu.
Hiện nay, Sơn La là vựa cây ăn quả lớn nhất miền Bắc, lớn thứ 2 cả nước với sản lượng hàng trăm nghìn tấn quả mỗi năm với 85 nghìn ha cây ăn quả và 281 mã số vùng trồng (có diện tích 4.600 ha) đã được cấp và xuất khẩu sang các thị trường như: Úc, New Zealand, Mỹ, Trung Quốc, EU cùng một số thị trước khác. Tuy nhiên, thị trường trong nước là thị trường tiêu thụ nông sản chính, thời gian thu hoạch tập trung từ tháng 4 đến tháng 11.
Với năng suất chất lượng cây trồng tăng mạnh, cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng tích cực, nhờ vậy mà trên địa bàn tỉnh Sơn La, có rất nhiều loại trái cây ăn quả chủ lực nổi tiếng như: xoài tròn, chuối Yên Châu, nhãn Sông Mã, mận, bơ Mộc Châu, táo, sơn tra Sơn La, Na Mai Sơn… các loại trái cây xoài, nhãn, mận và sơn tra chiếm tỷ trọng trên 90% tổng diện tích cây ăn quả.
Thời gian qua, ông Nguyễn Duy Dũng – Uỷ viên Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Phó Bí Thư Thường trực tỉnh đoàn cho biết, một số hợp tác xã (HTX) thanh niên trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư vốn sản xuất, kinh doanh, mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ; phát triển mô hình HTX kiểu mới theo hướng tích cực và đa dạng, phù hợp với nhu cầu sản xuất, giải quyết việc làm, mang lại lợi ích kinh tế cho các thành viên HTX, góp phần thực hiện các mục tiêu của tỉnh về xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tại buổi tập huấn, ông Lê Hoàng Tài – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, việc tổ chức khóa tập huấn nhằm cung cấp các kiến thức cơ bản về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại; hỗ trợ xúc tiến thương mại và doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên cơ sở từng bước hướng dẫn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã hiểu và tham gia vào Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số.
Theo lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại, buổi tập huấn kỳ vọng góp phân thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng; thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại; hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông sản trên các sàn thương mại điện tử thông qua phương thức livestream bán hàng trên nền tảng tiktok và các ứng dụng khác”.
Tổng hợp