Cùng EUES giúp bạn đến gần hơn với nước Đức

EUES Group (EU’s Employment and Settlement, trực thuộc GVC), là Công ty của Đức trong lĩnh vực tư vấn đầu tư, định cư và tìm kiếm việc làm tại Đức và châu Âu. Đứng đầu công ty là 4 doanh nhân người Đức gốc Việt có kinh nghiệm hơn 20 năm sinh sống và hoạt động trong lĩnh vực tư vấn du học và định cư châu Âu. Phương châm của Công ty là hướng tới các giá trị Sang trọng, Chuyên nghiệp, Tử tế, Tận tâm.

Với kinh nghiệm gần 20 năm học tập, làm việc tại Đức và hơn 7 năm gắn bó với lĩnh vực tư vấn du học Đức, lắng nghe nhiều phản hồi từ các công ty tuyển dụng, TS Lê Đức Dũng (Công ty EUES, CHLB Đức) đã đúc kết 4 yếu tố giúp du học sinh hay các công ty du học cần phải biết để có sự chuẩn bị tốt khi học tập, hỗ trợ học sinh tại Đức.

  1. Trình độ tiếng Đức

Tiếng Đức là chìa khoá vạn năng để các bạn học sinh mở mọi cánh cửa du học, hòa nhập và định cư tại đây. Hầu hết các nhà tuyển dụng đều lo lắng rằng, với trình độ B1 thì học sinh rất khó có thể theo đuổi chương trình học cũng như gặp khó khăn trong quá trình học tập, làm việc, trao đổi với đồng nghiệp, với cấp trên. Từ đó, một số nhà tuyển dụng, nhất là các bệnh viện đề nghị phải có trình độ B2 tiếng Đức, thậm chí là C1 thì mới có thể theo học. Trên thực tế, số lượng học sinh Việt Nam không thể theo học, bị cắt hợp đồng hay đổi ngành học có tỉ lệ lớn, lý do cơ bản là nền tảng ngôn ngữ của các em chưa đủ.

Ngôn ngữ là mối lo lắng lớn nhất khi du học nghề tại Đức. Khác với du học đại học, khi các bạn qua Đức với trình độ B1 còn có 1-2 năm học thêm tiếng Đức để đạt được tối thiểu tương đương trình độ C1 trước khi vào trường đại học, còn các bạn du học nghề có ít hoặc không có thời gian để rèn luyện mà phải vừa học vừa làm thì quả thật là một rào cản quá lớn. Với các bạn học sinh thì cần chuẩn bị tâm lý kiên trì hơn, cố gắng học càng nhiều tiếng Đức càng tốt, đừng nên nghĩ với A2, B1 đã có thể du học. Ngoài ra, các công ty du học cũng cần tư vấn và chuẩn bị tâm lý cho các em tốt hơn, bỏ kiểu tư vấn mang tính ảo tưởng.

  1. Khả năng hội nhập

Trình độ ngôn ngữ là yếu tố tiên quyết thúc đẩy khả năng hội nhập của du học sinh. Ngôn ngữ hạn chế khiến các bạn ngại giao tiếp với đồng nghiệp và khó mở rộng mối quan hệ ngoài xã hội, tạo cho các bạn một cuộc sống khá biệt lập. Ngoài ra, ngôn ngữ hạn chế làm hạn chế sự hiểu biết về quy định pháp luật, nội quy công ty, trường học, môi trường văn hóa từ đó dẫn tới các du học sinh khó hòa nhập, lệch pha trong nhiều mặt.

Ngoài ra, khả năng hội nhập hạn chế cũng dẫn tới chất lượng cuộc sống của các bạn thấp hơn, cuộc sống tinh thần sụt giảm, ảnh hưởng đến hiệu quả trong lao động và học tập. Có nhiều phản hồi về tình trạng học sinh Việt Nam kỷ luật kém, tuy nhiên không phải tất cả trong số đó cố ý mà hầu hết do chưa hiểu và nắm được các quy định, pháp luật, văn hóa, tác phong làm việc, từ đó dẫn các bạn vào những rắc rối không cần thiết.

Trung tâm đào tạo tiếng Đức của EUES tại Việt Nam

Hội nhập là quá trình lâu dài, không thể diễn ra trong ngày một ngày hai, do vậy các em cần được chuẩn bị kỹ từ khi còn học tiếng ở Việt Nam. Các em cần có buổi training hội nhập để làm quen với giao tiếp, văn hóa, phát luật, tác phong làm việc, hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe ở Đức. Các nhà tuyển dụng cũng cho rằng quá trình hỗ trợ hội nhập phải được tiếp tục tại Đức và được hỗ trợ từ công ty có kinh nghiệm, có hiểu biết về văn hóa của cả Việt Nam và Đức.

Như vậy, ngôn ngữ và khả năng hội nhập là hai yếu tố sống còn cho sự thành công của quá trình du học, là bệ phóng cho cuộc sống định cư lâu dài tại Đức.

  1. Sự hỗ trợ học sinh tại Đức

Một yếu tố quan trọng mà các đối tác thường nhắc đến và thắc mắc là sự hỗ trợ học sinh khi các em sang Đức. Các nhà tuyển dụng đều có ý kiến chung rằng, khi học sinh sang Đức học tập vẫn cần sự tiếp tục hỗ trợ từ công ty du học. Qua Đức, các em sẽ hòa mình vào cuộc sống thực tế, phải đối mặt với nhiều thứ không như lý thuyết. Những lúc như vậy, các nhà tuyển dụng và học sinh thực sự cần sự hỗ trợ của các công ty du học.

Mặc dù, các công ty tuyển dụng có bộ phận hỗ trợ học sinh nhưng do khác biệt văn hóa và rào cản ngôn ngữ nên họ vẫn cần các công ty tư vấn du học có người ở Đức để hỗ trợ học sinh hội nhập, tìm kiếm nhà ở, làm thủ giấy tờ… Họ cũng cần có đối tác để xây dựng lộ trình hội nhập lâu dài cho học sinh cũng như trao đổi những vấn đề phát sinh nếu có. Hỗ trợ học sinh tại Đức là đòn bẩy giúp học sinh hội nhập và học tập thành công, giúp các em gắn kết với nơi làm việc, có cuộc sinh tinh thần tốt hơn. Do đó, với học sinh và các công ty du học cần có phương án để ngay cả khi sang Đức học tập rồi vẫn có thể hỗ trợ học sinh và nhà tuyển dụng mọi lúc.

4 nhà sáng lập EUES: TS Lê Đức Dũng, TS Lê Ngọc Sơn, anh Lê Nam Phong và anh Nguyễn Hoàng Tùng – có nhiều năm kinh nghiệm sinh sống, học tập và làm việc tại Đức.
  1. Sự cam kết

Đây là chủ đề mà các nhà tuyển dụng đặt vấn đề khá nhiều, bởi có 2 vấn đề mà các nhà tuyển dụng lo lắng, đó là (1) tỷ lệ học sinh bỏ học hay đổi chỗ làm giữa chừng rất nhiều và (2) sau khi ra trường, có chút kinh nghiệm thì họ cũng…vỗ cánh bay đi.

– Về vấn đề nghỉ học và đổi chỗ làm giữa chừng: thường mỗi năm các nhà tuyển dụng đều đề ra nhu cầu học nghề cố định và mong muốn những vị trí đó được phủ kín trong 3 năm tới, du học sinh cũng nằm trong kế hoạch nhân sự đó. Tuy nhiên, khi học sinh bỏ học làm cho kế hoạch nhân sự bị đảo lộn, dẫn đến họ gặp khó khăn trong đào tạo và phân công công việc. Nếu kế hoạch nhân sự thường xuyên bị đảo lộn liên tục thì chắc chắn họ phải suy nghĩ trước khi nhận du học sinh học nghề cho các năm tiếp theo.

– Sự ra đi của các du học sinh sau khi kết thúc quá trình học tập:Về mặt pháp lý thì du học sinh khi tốt nghiệp, sẽ không bắt buộc phải ở lại cơ sở đào tạo để làm việc mà sẽ được tự do lựa chọn nơi làm việc theo mong muốn và sở thích. Tuy nhiên, các nhà tuyển dụng đều mong muốn học sinh sau khi tốt nghiệp vẫn ở lại làm việc ít nhất là trong một thời gian nhất định. Một câu chuyện khá buồn đã xảy ra, có một viện dưỡng lão lớn nhận gần 50 học sinh nước ngoài nhưng sau khi ra trường không một ai ở lại khiến họ bị sốc do thiếu nhân sự.

Mặc dù sự cam kết ở đây không có sự ràng buộc và khó cho cả học sinh lẫn nhà tuyển dụng, nhưng trong giai đoạn học nghề thì cả học sinh cũng như các công ty du học, chúng ta phải suy nghĩ kỹ trước khi quyết định. Bởi điều đó có thể không ảnh hưởng nhiều đến từng cá nhân, nhưng gây ảnh hưởng lớn đến hình ảnh du học sinh nước ngoài nói chung và Việt Nam nói riêng. Từ đó, gây ra những tác động tiêu cực cho các thế hệ du học sinh tiếp theo./.

TS Lê Đức Dũng (EUES)