Được biết đến với tinh thần trách nhiệm và sự tận tâm, Nữ hoàng Anh Elizabeth II là nhân vật quan trọng đối với Vương quốc Anh và Khối Thịnh vượng chung trong thời kỳ xã hội có nhiều thay đổi to lớn.
Thời kỳ trị vì của Nữ hoàng Anh Elizabeth II được đánh dấu bằng ý thức nghĩa vụ mạnh mẽ và quyết tâm dâng hiến đời mình cho ngai vàng và nhân dân.
Thành công của Nữ hoàng Elizabeth II khi duy trì nền quân chủ qua những thời gian biến động càng đáng khâm phục hơn khi vào lúc bà sinh ra, không ai dự đoán ngai vàng sẽ là định mệnh của bà.
Thời thơ ấu
Theo BBC, Elizabeth Alexandra Mary Windsor sinh ngày 21.4.1926 trong ngôi nhà không xa Quảng trường Berkeley, London. Bà là con đầu của Albert, Công tước xứ York (con trai thứ hai của Vua George V) và Elizabeth Bowes-Lyon.
Elizabeth và em gái, Margaret Rose, sinh năm 1930, được dạy ở nhà, lớn lên trong môi trường gia đình thương yêu. Elizabeth rất gần gũi với cha và ông, Vua George V.
Bà được cho là có ý thức trách nhiệm cao ngay từ khi còn bé. Winston Churchill, thủ tướng tương lai, được dẫn lời nói rằng Elizabeth “có phong thái lãnh đạo thật đáng kinh ngạc cho một đứa trẻ”.
Dù không đến trường, Elizabeth giỏi ngôn ngữ và nghiên cứu kỹ cả lịch sử hiến pháp.
Khi Vua George V qua đời năm 1936, con trai cả, David, trở thành Vua Edward VIII.
Nhưng việc ông chọn vợ, bà Wallis Simpson – người Mỹ hai lần ly hôn, không được chấp nhận vì lý do tôn giáo và chính trị. Đến cuối năm đó, ông từ ngôi.
Công tước xứ York miễn cưỡng trở thành Vua George VI. Ngày đăng quang của ngài cho Elizabeth nhìn thấy phần nào những gì chờ cô phía trước. Sau này bà viết mình thấy buổi lễ “rất tuyệt vời”.
Trong bối cảnh căng thẳng tăng cao ở Châu Âu, vị tân vương, cùng vợ, Hoàng hậu Elizabeth, muốn phục hồi niềm tin của người dân vào nền quân chủ. Hình mẫu của họ hẳn được con gái chú ý.
Chuyện tình với Hoàng thân Philip
Năm 1939, công chúa 13 tuổi đi theo Vua và Hoàng hậu đến Trường Hải quân Hoàng gia ở Dartmouth. Cùng em gái Margaret, công chúa có sự tháp tùng của người anh em họ ba đời, Hoàng tử Philip xứ Hy Lạp.
Đó không phải lần đầu họ gặp mặt, nhưng là lần đầu tiên cô chú ý anh. Đến năm 1944, khi cô 18 tuổi, Elizabeth rõ ràng đã yêu anh. Cô giữ hình ảnh trong phòng và họ trao đổi thư từ.
Công chúa tham gia Lực lượng Hỗ trợ mặt đất (ATS) vào lúc chiến tranh sắp hết, học lái xe tải.
Trong ngày Chiến thắng, cô cùng hoàng gia có mặt ở Điện Buckingham, cùng hàng nghìn người dân chào mừng ngày kết thúc chiến cuộc ở Châu Âu.
Sau chiến tranh, việc cô muốn cưới Philip gặp nhiều trở ngại.
Nhà vua không muốn con gái mà ông yêu quý, và Philip phải vượt qua thành kiến của giới quý tộc không chấp nhận nguồn gốc nước ngoài của ông.
Nhưng ý muốn của cặp đôi đã chiến thắng. Năm 1947, khi Hoàng thân Philip 26 tuổi, ông kết hôn với Công chúa Anh Elizabeth, 21 tuổi. Với việc kết hôn với công chúa Anh, ông từ bỏ tước hiệu Hy Lạp của mình để trở thành một người Anh nhập tịch. Sau đó, ông được vua George VI – cha của Công chúa Elizabeth – phong làm Công tước xứ Edinburgh.
Theo CNBC, cuộc hôn nhân hoàng gia Anh vào thời điểm đó không phải là không có tranh cãi bởi Hoàng thân Philip không phải là con trai người bản địa. Dù vậy, cặp đôi đã kết hôn tại Tu viện Westminster và nhận được hơn 2.500 món quà cưới từ khắp thế giới. Một năm sau, Công chúa Elizabeth hạ sinh con trai đầu lòng là Charles và tiếp sau là các hoàng tử, công chúa Anne, Andrew và Edward.
Sự nghiệp hải quân của Hoàng thân Philip khiến ông và Công chúa Elizabeth có thời gian ngắn ở Malta khi vừa kết hôn.
Tháng Giêng 1952, Elizabeth, khi đó 25 tuổi, và Philip có chuyến đi nước ngoài. Nhà vua ra sân bay tiễn họ và đó cũng là lần cuối Elizabeth nhìn thấy cha.
Elizabeth nghe tin cha mất khi đang ở Kenya và ngay lập tức về lại London với tư cách Nữ hoàng.
Sau này bà nhớ lại: “Phần nào đó tôi không kịp học việc. Cha tôi qua đời quá trẻ, nên bỗng dưng tôi lãnh nhận trách nhiệm và đã cố gắng làm sao cho tốt”.
Đăng quang và 70 năm trị vì
Lễ đăng quang tháng 6.1953 được truyền hình, bất chấp phản đối của Thủ tướng Winston Churchill. Hàng triệu người quây quần quanh máy truyền hình, với nhiều người đây là lần đầu tiên, theo dõi Nữ hoàng Elizabeth II tuyên thệ.
Elizabeth trở thành nhà vua đương kim đầu tiên thăm Australia và New Zealand. Ước tính 3/4 dân số Australia khi đó ra đường để nhìn thấy nữ hoàng.
Năm 1977, người dân nhiệt tình đón mừng lễ kỷ niệm 25 năm nữ hoàng tại vị, qua các lễ hội đường phố và buổi lễ khắp vương quốc. Nền quân chủ được công chúng yêu chuộng, và vai trò lớn phải kể là nhờ Nữ hoàng.
Tháng 9.2015, bà trở thành người trị vì lâu nhất trong lịch sử Anh quốc. Tháng 4.2016, bà đón mừng sinh nhật 90.
Năm 2022, Anh tổ chức kỷ niệm Đại lễ Bạch kim đánh dấu 70 năm Nữ hoàng Elizabeth II trị vì. Dịp lễ đặc biệt này được đánh dấu bằng một loạt các sự kiện cộng đồng tại Anh từ ngày 2.6 đến ngày 5.6.2022, như Lễ diễu hành của Quân đội Hoàng gia, Lễ tạ ơn sự trị vì của Nữ hoàng, hay buổi tiệc tại Cung điện Hoàng gia.
Sau khi bổ nhiệm bà Liz Truss làm thủ tướng thứ 15 của Anh vào ngày 6.9, Nữ hoàng tạ thế chiều 8.9.2022, để lại niềm thương tiếc cho người dân toàn nước Anh.
Theo Lao Động