Cứu tinh từ Campuchia, Brazil đổ bộ giúp Việt Nam xuất khẩu vượt xa cả thế giới: Thu hơn 700 triệu USD từ đầu năm, 120 quốc gia liên tục chốt đơn

Hiện nước ta đã nắm đến 60% thị phần xuất khẩu toàn cầu.

Ảnh minh họa

Việt Nam sở hữu một mặt hàng đang chiếm đến 60% sản lượng xuất khẩu của thế giới là hồ tiêu.
Cụ thể, Việt Nam đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu trong hơn 20 năm qua, chiếm 40% sản lượng thu hoạch và 60% thị phần xuất khẩu toàn cầu.

Thị trường hồ tiêu toàn cầu được định giá 5,43 tỷ USD/năm, dự báo tăng trưởng trung bình hơn 20% trong giai đoạn 2024-2032. Bên cạnh diện tích trồng được trong nước, nước ta đang tăng cường nhập khẩu mặt hàng này từ nhiều thị trường nhằm củng cố ngôi vị dẫn đầu thế giới về xuất khẩu.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), nhập khẩu hạt tiêu về Việt Nam trong tháng 7 đạt 1.855 tấn với trị giá đạt 10,7 triệu USD, giảm 4,9% so với tháng 6.
Tính chung trong 7 tháng đầu năm Việt Nam đã nhập khẩu 19.557 tấn hồ tiêu các loại với kim ngạch đạt hơn 80,3 triệu USD, tăng 15% về lượng so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, Brazil, Campuchia và Indonesia là 3 quốc gia cung cấp hồ tiêu lớn nhất cho Việt Nam đạt 7.322 tấn, 6.485 tấn và 4.211 tấn.

Về cơ cấu chủng loại nhập khẩu, tiêu đen đạt 17.443 tấn, tiêu trắng đạt 2.414 tấn, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 80,3 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2023 lượng nhập khẩu tăng 14,9%. Olam Việt Nam, Trân Châu và KSS Việt Nam là 3 doanh nghiệp nhập khẩu lớn nhất.

Ở chiều ngược lại, trong 7 tháng đầu năm Việt Nam đã xuất khẩu được 164.357 tấn hồ tiêu các loại, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 764,2 triệu USD, lượng xuất khẩu giảm 2,2% tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu lại tăng đến 40,8%.
Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen 7 tháng đạt 4.568 USD/tấn, tiêu trắng đạt 6.195 USD/tấn, tăng lần lượt 32,7% và 25,0% so với cùng kỳ năm 2023. Hạt tiêu và gia vị của Việt Nam hiện đã xuất khẩu đi hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm lĩnh nhiều thị trường quan trọng.

Theo đánh giá của VPA, sản lượng tiêu của Việt Nam năm 2024 ước giảm 10% so với năm 2023, chỉ còn khoảng 170.000 tấn – mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Diện tích trồng hồ tiêu cũng ngày càng bị thu hẹp do nông dân chuyển đổi cây trồng trong khi nguồn cung hạt tiêu trên thị trường toàn cầu đang thiết hụt gần 100.000 tấn so với nhu cầu.

Dự báo trong thời gian tới khi nguồn cung khan hiếm, các quốc gia lại tăng mạnh nhập khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Đỉnh điểm là trong tháng 5 vừa qua, xuất khẩu hạt tiêu của nước ta sang thị trường Trung Quốc đạt 3.137 tấn, tăng gấp 4,8 lần so với tháng trước và là mức cao nhất trong 11 tháng qua.

Theo dự báo của Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, giá hạt tiêu tại các nước sản xuất sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao do nhu cầu tăng, trong khi nguồn cung từ các nước sản xuất Indonesia, Brazil, Malaysia, Campuchia không đủ bù đắp cho lượng xuất khẩu giảm từ Việt Nam. Hiện người tiêu dùng trên thế giới sẵn sàng trả giá cao cho hạt tiêu chất lượng cao.
Trong đó, các thị trường Mỹ, EU, Trung Đông… gia tăng nhu cầu nhập các sản phẩm đáp ứng tính bền vững về các khía cạnh xã hội, môi trường và kinh tế trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Theo Tạp Chí Nhịp Sống Thị Trường