Dự báo đến năm 2030 nhiệt độ trung bình năm tại Đà Lạt tăng 0,6 – 0,8 độ C và đến năm 2050 tăng khoảng 1,4 độ C. Kết quả phân tích khí tượng tại Đà Lạt cho thấy độ chênh lệch giữa nhiệt độ cao nhất và thấp nhất cao hơn, tần suất biến thiên cao hơn. Các không gian rừng tự nhiên trong đô thị bị xâm phạm nặng nề do tình trạng “bê tông hóa” thiếu kiểm soát và hiện tượng El Nino đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên thiên nhiên đặc thù của Đà Lạt…
Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đang triển khai niêm yết lấy ý kiến dự thảo đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045. Theo đó, Sở sẽ thu thập ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư đến ngày 22.3.2024. Phạm vi lập điều chỉnh tổng thể bao gồm thành phố Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, một phần huyện Lâm Hà (thị trấn Nam Ban và các xã: Mê Linh, Đông Thanh, Gia Lâm, Nam Hà).
Khí hậu Đà Lạt tạo sự hấp dẫn đặc thù
Thuyết minh đồ án của đơn vị tư vấn lập quy hoạch (Viện Kiến trúc quốc gia và Công ty AREP Việt Nam) cho biết, thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhưng do ở trên độ cao trung bình 850 – 1.500m nên có đặc trưng của khí hậu ôn đới vùng cao, thời tiết mát mẻ quanh năm với nhiệt độ không khí trung bình dao động 18 – 22 độ C. Riêng Đà Lạt do nằm trên địa hình núi cao nên có nhiệt độ không khí trung bình dao động 16 – 21 độ C, được các dãy núi cùng quần thể hệ thực vật rừng, đặc biệt rừng thông bao quanh, nên khí hậu mang những điểm đặc biệt so với vùng xung quanh (thời tiết mát mẻ, mưa nhiều, mùa khô ngắn, lượng bốc hơi thấp, không có bão).
Rừng là nguồn tài nguyên thiên nhiên nổi bật và quý giá. Đặc trưng rừng Đà Lạt là các cánh rừng thông đại ngàn cùng với các hồ, thác đã tạo nên vẻ đẹp thơ mộng có sức cuốn hút đối với du khách, tạo môi trường tốt để phát triển du lịch – ngành kinh tế đặc thù ở Đà Lạt. Ngoài giá trị về phát triển du lịch, rừng ở Đà Lạt còn có vai trò to lớn trong bảo vệ môi trường, bổ sung nguồn nguyên liệu cho phát triển công nghiệp chế biến và tiểu thủ công nghiệp của thành phố.
Yếu tố tạo nên sức hút của Đà Lạt ngoài nét cổ điển, trang nhã của kiến trúc Pháp, kiến trúc châu Âu hài hoà với nét đặc sắc của bản địa từ thế kỷ XIX, thì khí hậu mát mẻ và khung cảnh thiên nhiên thuận lợi cho thư giãn, nghỉ dưỡng và giải trí. Khi biến đổi khí hậu đang làm cho nhiệt độ các thành phố lớn tăng lên, trở nên nóng bức, ngột ngạt, Đà Lạt đã trở thành địa điểm ưu tiên cho khách thành thị, đặc biệt khách từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai tránh nóng, tránh sự xô bồ của phố thị.
“Khí hậu Đà Lạt là nét đặc trưng và tạo sự hấp dẫn đặc thù, thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao về rau và hoa ôn đới, á nhiệt đới, các cây trồng chuyên canh có giá trị kinh tế cao như chè, cà phê, dâu tằm, điều, tiêu, đồng thời cho phát triển lâm nghiệp với khả năng tái sinh rừng cao và tạo sự đa dạng sinh học”, thuyết minh đồ án của đơn vị tư vấn lập quy hoạch cho biết.
Tài nguyên thiên nhiên bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Theo đánh giá của đơn vị tư vấn lập quy hoạch, song song với những thuận lợi về điều kiện khí hậu, đặc trưng của khí hậu Đà Lạt (nắng ít, lượng mưa lớn…) cũng đã gây trở ngại cho phát triển du lịch quốc tế, khả năng tăng năng suất cây trồng không cao. Ngoài ra, những năm gần đây do tác động của biến đổi khí hậu, cường độ mưa lớn và tập trung thường gây lũ lụt, sạt lở đất đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, ảnh hưởng đến kinh tế – xã hội của khu vực lập quy hoạch.
Kịch bản biến đổi khí hậu RCP 4.5 (kịch bản nồng độ khí nhà kính trung bình thấp) dự báo đến năm 2030 nhiệt độ trung bình năm tại Liên Khương, Đà Lạt tăng 0,6 – 0,8 độ C, lượng mưa trung bình tăng 3,9 – 5%. Đến năm 2050, nhiệt độ trung bình năm tăng khoảng 1,4 độ C, lượng mưa trung bình tăng 5,5 – 9% (toàn tỉnh Lâm Đồng 9 – 12%). Còn theo kịch bản biến đổi khí hậu RCP 8.5 (kịch bản nồng độ khí nhà kính cao) dự báo, đến năm 2030 nhiệt độ trung bình năm tại Liên Khương, Đà Lạt tăng 0,9 độ C, lượng mưa tăng 4,7 – 7,5% (mức tăng cao nhất tại trạm Liên Khương). Đến năm 2050, nhiệt độ trung bình năm tăng thêm khoảng 1,2 độ C, lượng mưa tăng 9 – 12%.
Dưới tác động của biến đổi khí hậu, cường độ mưa tại khu vực lập quy hoạch gia tăng và kéo dài, diễn ra trên diện rộng. Qua phân tích, đánh giá chuỗi số liệu mưa từ năm 1980 đến 2018 tại trạm khí tượng Đà Lạt, cho thấy xu thế biến đổi chung về tổng lượng mưa trong năm trên khu vực thành phố Đà Lạt có chiều hướng gia tăng qua từng năm và có xu thế biến đổi khá phức tạp. Sự tăng giảm lượng mưa làm tăng nguy cơ lũ quét, sạt lở và xói mòn đất, gây rủi ro, thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và các công trình cơ sở hạ tầng. Mùa khô kéo dài và sự ô nhiễm nguồn nước có thể gây ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất.
“Đà Lạt đang nóng dần lên, độ chênh lệch giữa nhiệt độ cao nhất và thấp nhất cao hơn, tần suất biến thiên cao hơn. Các không gian rừng tự nhiên trong đô thị bị xâm phạm nặng nề do tình trạng “bê tông hóa” thiếu kiểm soát và hiện tượng El Nino, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên thiên nhiên đặc thù và hết sức giá trị của Đà Lạt…” – thuyết minh đồ án của đơn vị tư vấn lập quy hoạch nhận định.
Một số rủi ro thiên tai có thể xảy ra và trở nên nghiêm trọng hơn do tác động của biến đổi khí hậu tại khu vực lập quy hoạch: bão và lốc xoáy (Đà Lạt và vùng phụ cận nằm trong khu vực ít chịu ảnh hưởng của bão, tuy nhiên lốc xoáy thường xuyên xảy ra hơn trong những năm gần đây do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, chủ yếu ở các huyện Lâm Hà và Đơn Dương); lũ ống, lũ quét, ngập lụt (xảy ra theo chiều hướng tăng về diện không gian và tần suất; ngập lụt cục bộ xảy ra chủ yếu tập trung ở vùng hạ lưu hồ thủy điện Đa Nhim và hai huyện Đơn Dương, Đức Trọng, thường vào thời điểm nhà máy thủy điện xả nước từ hồ chứa; tuy nhiên gần đây ngập úng đô thị diễn ra thường xuyên trong trung tâm Đà Lạt, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân); sạt lở, xói mòn (diễn biến nghiêm trọng tại các tuyến đường giao thông đối ngoại (quốc lộ 20, 27, 27C), các taluy trong khu vực dân cư Đà Lạt); hạn hán (một số khu vực không có hồ chứa nước tại các huyện Đức Trọng và Đơn Dương có khả năng xảy ra hạn hán).
“Đà Lạt có một nét riêng mà các thành phố lớn khác trên đất nước Việt Nam không có, đó là không gian rừng quý giá tạo thành vành đai bao quanh thành phố. Hình ảnh đô thị Đà Lạt nằm trong vùng rừng, núi là yếu tố thu hút hàng đầu của địa phương này. Tuy nhiên, cảnh quan rừng trên sườn đồi đang bị xâm lấn bởi đô thị hóa và sự mở rộng của các khu vực nông nghiệp, việc phát triển đô thị cũng lấn xuống các thung lũng. Tại trung tâm thành phố, sự biến mất của không gian rừng đang ảnh hưởng tiêu cực cảnh quan đô thị cũng như cảnh quan tầm nhìn địa hình” – thuyết minh đồ án của đơn vị tư vấn lập quy hoạch cho biết.
Định hướng “rừng trong phố – phố trong rừng”
Theo đánh giá của đơn vị tư vấn lập quy hoạch, Quyết định số 704 ngày 12.5.2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định không gian bên trong đô thị là không gian cây xanh cảnh quan nhằm tái thiết hình ảnh đô thị “rừng trong phố – phố trong rừng”. Tuy nhiên phương án quy hoạch này gặp phải một số vấn đề: quy hoạch hạn chế sự phát triển mở rộng của thành phố Đà Lạt; mức độ đô thị hóa thực tế quá nhanh, hơn 90% dẫn tới sự phát triển của mô hình đô thị nén. Từ đó không thể thực hiện mô hình “rừng trong phố – phố trong rừng”.
Đơn vị tư vấn lập quy hoạch cho biết, mô hình “rừng trong phố – phố trong rừng” bắt nguồn từ cấu trúc đô thị nghỉ dưỡng và thành phố vườn đã được định hình từ những bản quy hoạch đầu thế kỷ XIX với định hướng quy hoạch đô thị gắn với cảnh quan và tạo ra những không gian ở mật độ thấp. Mô hình hiện nay do định hướng quy hoạch của đồ án Quy hoạch chung tại Quyết định 704, đã tập trung phát triển đô thị lõi và hạn chế phát triển tại những vùng đệm, dẫn tới phát triển tự phát và không thể tạo lập cấu trúc “rừng trong phố – phố trong rừng” như ý tưởng đề cập.
Kế thừa định hướng phát triển Đà Lạt theo mô hình tuyến vành đai và các trục hướng tâm theo hình nan quạt, kết nối với các trục cảnh quan mặt nước, cảnh quan rừng, địa hình và hệ thống công viên cây xanh, dự thảo đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045 định hướng phát triển không gian đô thị theo hướng tổ chức không gian đô thị thành phố Đà Lạt với 3 phân vùng phát triển: vùng lõi đô thị (gồm: phân khu đô thị lịch sử; phân khu đô thị phía Đông; phân khu đô thị phía Bắc; phân khu đô thị phía Tây); vùng đệm sinh thái (gồm: phân khu du lịch sinh thái chất lượng cao; phân khu nông nghiệp sinh thái phía Đông; khu du lịch quốc gia Đankia – Suối Vàng; khu đô thị xanh Lạc Dương); vùng bảo tồn sinh thái (khu vực bảo tồn sinh quyển vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà) và tạo ra 9 phân khu phát triển không gian đô thị (khu đô thị lịch sử 1.708 ha; khu đô thị phía Đông 7.336 ha; khu đô thị phía Bắc 3.872 ha; khu đô thị phía Tây 5.780 ha; khu du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao 8.612 ha; khu nông nghiệp sinh thái phía Đông 28.316 ha; khu du lịch quốc gia Đankia – Suối Vàng 25.019 ha; khu đô thị xanh Lạc Dương 22.554 ha; khu vực bảo tồn sinh quyển vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà 67.114 ha).
“Các phân khu đô thị sẽ nắm giữ vai trò quan trọng trong định hướng phát triển và là nền tảng cho các dự án quy hoạch chi tiết được triển khai trong các bước kế tiếp nhằm phát triển thành phố Đà Lạt trở thành một đô thị với đặc trưng “rừng trong phố – phố trong rừng” – thuyết minh đồ án của đơn vị tư vấn lập quy hoạch cho biết.
Đề xuất Đà Lạt bổ sung các khu đô thị đa chức năng
Định hướng phát triển các chức năng đô thị thành phố Đà Lạt theo dự thảo đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045 cho biết kế thừa các định hướng của Quy hoạch chung theo Quyết định 704 về tính chất đô thị của thành phố Đà Lạt là: trung tâm hành chính – chính trị, kinh tế – văn hóa, khoa học – kỹ thuật của tỉnh Lâm Đồng; trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa di sản tầm quốc gia, khu vực và quốc tế; trung tâm nghiên cứu sản xuất nông nghiệp, công nghệ cao cấp quốc gia và quốc tế; trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục – đào tạo và chuyển giao công nghệ đa ngành cấp quốc gia; trung tâm bảo tồn rừng cảnh quan và đa dạng sinh học cấp quốc gia; trung tâm thương mại dịch vụ, hội chợ triển lãm; trung tâm văn hóa – nghệ thuật, thể dục – thể thao và giải trí cấp vùng, có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng đối với khu vực Tây Nguyên và cả nước. Dự thảo đề xuất bổ sung các khu đô thị đa chức năng và tạo lập các không gian chức năng chuyên biệt nhằm khai thác lợi thế về khí hậu – cảnh quan và các tiềm năng về phát triển kinh tế du lịch dịch vụ của khu vực: đô thị lịch sử di sản; đô thị thương mại dịch vụ, chia sẻ chức năng và giảm tải áp lực cho khu vực trung tâm lịch sử; đô thị nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe; đô thị sáng tạo; trung tâm du lịch nghỉ dưỡng và bảo tồn sinh thái tự nhiên; trung tâm nghỉ dưỡng chất lượng cao của thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận; đô thị sinh thái và làng xanh. |