Đại biểu lo ngại tội giết người, xâm hại trẻ em có xu hướng tăng

Các đại biểu đánh giá cao tội phạm được kéo giảm so với cùng kỳ nhưng lo ngại án giết người, xâm hại trẻ em, tình hình nghiện ma túy phức tạp

Ngày 8-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật của Chính phủ.

Số vụ giết người thân tăng

Nêu ý kiến, ĐB Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) đánh giá năm 2022, các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đều cơ bản được khẩn trương điều tra, làm rõ. “Hầu hết các loại tội phạm đều giảm, điều đó rất đáng trân trọng”- bà Thái nói.

ĐB Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) lo ngại án giết người tăng. Ảnh: PHẠM THẮNG

Tuy nhiên, theo ĐBQH tỉnh Lạng Sơn, tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận xã hội tiếp tục có chiều hướng gia tăng, nổi lên là tội giết người.

Bà Thái dẫn báo cáo của Chính phủ cho thấy tội phạm giết người tăng hơn 13%, tăng cả về số vụ và đối tượng giết người.

“Số vụ giết người mà nạn nhân là người thân tăng gần 5%”- bà Thái nói và nêu một số vụ điển hình như con giết bố, chồng giết vợ, anh giết em, hay gần đây nhất là vụ việc ba cô con gái dùng xăng đốt nhà mẹ đẻ không chỉ gây nhức nhối bức xúc, bàng hoàng trong dư luận mà còn dóng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự xuống cấp của đạo đức xã hội…

“Mỗi vụ án xảy ra đều quá xót xa”- ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng các cơ quan chức năng và toàn xã hội cần có biện pháp hữu hiệu hơn nữa để ngăn chặn loại tội phạm nguy hiểm này.

Nữ ĐB sau đó đề nghị Chính phủ, Bộ Công an đánh giá nguyên nhân dẫn đến gia tăng cả về số vụ và đối tượng giết người, nhất là các vụ việc mà nạn nhân là người thân trong gia đình, đánh giá chế tài xử phạt đối với tội giết người đã đủ sức răn đe hay chưa?

Bà Thái cũng đề nghị phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt của lực lượng Công an xã chính quy trong việc đảm bảo an ninh, trật tự tại cơ sở; có biện pháp thống kê những đối tượng có nguy cơ phạm tội, những vụ việc tranh chấp đã được hòa giải nhưng không thành.

“Các vụ việc có thể từ những mâu thuẫn âm ỉNêu ý kiến, ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) cùng nhiều ĐB khác bày tỏ lo lắng trước tình trạng xâm hại tình dục trẻ em diễn biến phức tạp và đáng báo động.cuộc sống hằng ngày cho đến những mâu thuẫn bộc phát, đặc biệt là tình trạng lạm dụng rượu, bia, làm giảm khả năng kiểm soát hành vi đã gây ra những vụ án thương tâm”- bà Thái đề nghị xây dựng danh mục những vụ việc, đối tượng thường xuyên theo dõi, để kịp thời đấu tranh, phòng ngừa vi phạm ngay từ ban đầu.

Kiến nghị tăng mạnh chế tài hình sự với hành vi xâm hại trẻ em

Theo báo cáo của Chính phủ, số vụ cưỡng dâm, dâm ô với trẻ em tiếp tục có xu hướng gia tăng, một số vụ xảy ra trong thời gian dài, gây bức xúc trong dư luận.

Báo cáo dẫn chứng vụ hiếp dâm cháu gái 10 tuổi do chú họ thực hiện và hiếp dâm học sinh lớp 5 do giáo viên chủ nhiệm thực hiện tại Thái Bình; hay vụ bốn công nhân hiếp dâm bé gái 13 tuổi tại Bắc Giang; vụ hiếp dâm cháu gái 8 tuổi do đối tượng là người quen của ông bà thực hiện tại Hải Phòng…

ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) lo lắng trước tình trạng xâm hại tình dục trẻ em diễn biến phức tạp và đáng báo động. Ảnh: PHẠM THẮNG

Nêu ý kiến, ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) cùng nhiều ĐB khác bày tỏ lo lắng trước tình trạng xâm hại tình dục trẻ em diễn biến phức tạp và đáng báo động.

“Từ đầu năm đến nay, số vụ cưỡng dâm trẻ em tăng 400%; số đối tượng vi phạm tăng 450%; gần 72% vụ hiếp dâm có nạn nhân là trẻ em. Nhìn vào số liệu này, tôi cùng nhiều vị đại biểu Quốc hội khác hết sức đau lòng”- ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân nói.

Theo nữ ĐB, đây là một trong những tội phạm rất nguy hiểm, không chỉ gây ra thiệt hại cho xã hội, làm băng hoại nền tảng đạo đức mà còn gây ra những tổn thương nặng nề về thể chất và tâm lý rất khó khắc phục đối với nạn nhân.

ĐBQH Bình Dương kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp… rà soát, nghiên cứu tăng mạnh chế tài hình sự đối với hành vi xâm hại trẻ em nhằm tạo ra “lá chắn” pháp lý vững chắc bảo vệ trẻ em trước hành vi xâm hại.

Mặt khác, từ những khó khăn trong giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em, bà Xuân kiến nghị Bộ Công an, ngành tư pháp ở trung ương và cấp tỉnh hàng năm cần sớm có kế hoạch đào tạo, mở lớp tập huấn về kỹ năng lấy lời khai đối với người dưới 16 tuổi cho điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán để giải quyết các vụ án thuộc nhóm tội phạm xâm hại tình dục trẻ em…

Đối tượng nghiện ma tuý: Nguồn cơn của tội phạm

Trong khi đó, ĐB Trần Công Phàn (Bình Dương) và một số ĐB lại quan tâm đến công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm ma túy. Theo báo cáo của Chính phủ, đây là loại tội có nhiều dấu hiệu phức tạp hơn so với tội phạm khác sau đại dịch COVID.

Nguyên Phó Viện trưởng VKSND Tối cao cho biết hiện cả nước có khoảng hơn 200 nghìn người nghiện ma tuý, trong đó 56% ở ngoài xã hội. Ngoài ra, ông Phàn cũng chắc tới con số hơn 50 nghìn người đang sử dụng ma túy.

“Những đối tượng này, dù ở trong cơ sở cai nghiện hay ở ngoài xã hội, nếu chúng ta quản lý không chặt thì đây là một nguồn của tội phạm, nguồn của vi phạm”- ông Phàn lưu ý.

ĐB Trần Công Phàn (Bình Dương). Ảnh: P.THẮNG

ĐBQH tỉnh Bình Dương đề nghị cần rà soát để xem số người nghiện, số người sử dụng ma túy chính xác là bao nhiêu, sau khi rà soát phải quản lý chặt số này để không cho những người này thực hiện vi phạm, tội phạm.

Về vấn đề cai nghiện, ông Phàn đề nghị phải tính toán và “mạnh dạn xem hiệu quả của cai nghiện đến đâu”. “Dường như khảo sát vừa qua thấy rằng cai nghiện thành rất ít, thậm chí tái nghiện nhiều. Phải tính tới việc làm thế nào để người ta không nghiện, còn để nghiện rồi mới cai thì đây là vấn đề cần suy nghĩ”- ông Phàn nói.

Ông Trần Công Phàn sau đó đề nghị tiếp tục quản lý chặt cửa khẩu, biên giới và quản lý chặt ở cơ sở để hạn chế người nghiện. Theo ông, nếu bỏ kinh phí ra để cai nghiện mà hiệu quả ít thì cần tính toán có thể dùng nguồn lực đó tập trung quản lý chặt, không có nguồn ma túy để không có người sử dụng, không người nghiện.

Đại tướng Tô Lâm: Việt Nam là đất nước an ninh, an toàn so với thế giới

Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho rằng dù tình hình tội phạm vi phạm pháp luật vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, có lúc, có nơi nhân dân còn lo lắng, bất an nhưng nhìn tổng thể chung, Việt Nam là đất nước an ninh, an toàn so với mặt bằng chung trên thế giới.

Đại tướng Tô Lâm dẫn chứng về tỷ lệ tội phạm giết người, mức độ trung bình của thế giới hiện nay khoảng 6 vụ/100 nghìn dân/năm, trong khi tỷ lệ này ở Việt Nam khoảng 1,2 vụ/100 nghìn dân/năm.

Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: PHẠM THẮNG

“Mặc dù có thể còn nhiều bức xúc về tính chất của loại tội phạm này, nhưng tỷ lệ ở Việt Nam ở mức thấp so với trung bình của thế giới”- người đứng đầu ngành công an khẳng định.

Theo ông, kết quả này là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn thể Nhân dân, trong đó có vai trò quan trọng của các cơ quan tư pháp, nhất là lực lượng công an nhân dân.

“Trong thực tế, có nhiều hy sinh, cống hiến, chiến công thầm lặng, bí mật mà không thể báo cáo hết trên diễn đàn Quốc hội”- Đại tướng Tô Lâm nói.

Phát biểu trước đó, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) dẫn báo cáo của Chính phủ cho thấy tội phạm chống người thi hành công vụ, chống lực lượng công an tuy có giảm về số lượng nhưng hành vi của các đối tượng rất manh động, liều lĩnh, sử dụng hung khí, kể cả vũ khí quân dụng hoặc phương tiện giao thông gây thương vong cho lực lượng thi hành công vụ.

“Thời gian qua, đã có 31 chiến sĩ hy sinh và gần 750 đồng chí bị thương”- ông Tám nói và kiến nghị cần có cơ chế bảo vệ các lực lượng thi hành công vụ.

Theo PLO