Ngày 5/7, Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Vụ Thị trường Châu Á – Châu Phi thuộc Bộ Công Thương và Vụ Trung Đông – Châu Phi thuộc Bộ Ngoại giao tổ chức Hội thảo với chủ đề “Phổ biến thông tin và triển vọng thị trường Halal, các giải pháp tiếp cận, khai thác thị trường Halal trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”.
Tại hội thảo hơn 100 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được đại diện Vụ Thị trường châu Á – châu Phi thuộc Bộ Công Thương và Vụ Trung Đông – châu Phi thuộc Bộ Ngoại giao giới thiệu về tiềm năng đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – các nước thị trường Halal; Tổng quan tình hình hợp tác giữa Việt Nam và các thị trường này như: Văn hóa Hồi giáo, toàn cảnh nền công nghiệp Halal; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế phát triển ngành Halal của Việt Nam.
Quang cảnh hội thảo
Bên cạnh đó, các chuyên gia cùng doanh nghiệp đã trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, những vướng mắc khi đưa sản phẩm thâm nhập vào thị trường Halal, quy trình cần thiết để đạt chứng nhận Halal, thảo luận về các vấn đề lưu ý đối với giao dịch thương mại nhằm tìm ra những chiến lược phù hợp về mặt thị trường và chất lượng sản phẩm để có thể tiếp cận, xuất khẩu thành công các sản phẩm của tỉnh Đắk Lắk sang thị trường Halal trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia nhận định, hiện nay thị trường Halal toàn cầu có tiềm năng rất lớn xét về quy mô dân số Hồi giáo, với khoảng 2 tỷ người và tiếp tục tăng trưởng ở mức trung bình 1.5%/năm, thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal được phân bổ toàn cầu, từ các nước Hồi giáo đến Phi Hồi giáo, từ các nền kinh tế phát triển đến đang phát triển.
Thị trường Halal gồm 07 lĩnh vực chính gồm thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thời trang, du lịch, truyền thông giải trí và tài chính. Với Việt Nam, các lĩnh vực Halal triển vọng mà doanh nghiệp các tỉnh/thành có thể tham gia, bao gồm: thực phẩm, du lịch, dược phẩm và mỹ phẩm.
Bà Nguyễn Minh Phương – Trưởng phòng Tây Á – Châu Phi, Bộ Công Thương chia sẻ lưu ý khi giao dịch thương mại với thị trường Halal
Các sản phẩm Halal là không chỉ là sự lựa chọn của người Hồi giáo tại các quốc gia trên thế giới mà còn là sự lựa chọn của nhiều đối tượng tiêu dùng khác khi đáp ứng nhiều tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm sức khỏe, xanh, sạch, có đạo đức trong chế biến và góp phần bảo vệ môi trường. Với nguồn nguyên liệu phong phú và dồi dào sẵn có, Đắk Lắk hoàn toàn có đủ tiềm lực và lợi thế để phát triển mạnh mẽ đến thị trường có quy mô lớn và đầy tiềm năng này.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Nhiệm – Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk cho biết: Hàng năm ngành nông nghiệp của tỉnh sản xuất ra số lượng lớn các sản phẩm nông nghiệp như: cà phê khoảng 550.000 tấn, cao su trên 30.000 tấn, hồ tiêu khoảng 80.000 tấn, ong mật trên 15.000 tấn, sắn 700.000 tấn. Năm 2023 kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 1.496 triệu USD với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: cà phê nhân, cà phê hòa tan, hạt tiêu, hạt điều, cao su, sản phẩm ong và hàng rau quả.
Bà Nguyễn Thị Thái Bình – Phó Vụ trưởng Vụ Trung Đông châu Phi, Bộ Ngoại giao chia sẻ tại hội thảo
Tỉnh Đắk Lắk có nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến quy trình và đạt chứng nhận Halal như : Công ty TNHH Dakman Việt Nam, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển An Thái, Công ty TNHH Cà Phê Ngon, Công ty TNHH TM Gia Nguyễn Đắk Lắk, Công ty Cổ phần Ong mật Đắk Lắk, Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên, Công ty TNHH TM Khánh Dương Đắk Lắk, Công ty cổ phần tập đoàn quốc tế Mỹ Việt…
“Thông qua Hội thảo nhằm góp phần hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức sản xuất thương mại trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nắm bắt thông tin mới nhất về thị trường các nước Hồi giáo, các yêu cầu về chứng nhận Halal cho ngành công nghiệp thực phẩm để doanh nghiệp hiểu rõ và tận dụng cơ hội mở rộng thị trường sản phẩm Halal, tìm kiếm đối tác tiềm năng xuất khẩu sang các thị trường này, qua đó đẩy mạnh hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại giữa Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng với các nước thị trường Halal”- ông Nguyễn Văn Nhiệm trao đổi.
Halal là một từ tiếng Ả-rập có nghĩa là “được phép hoặc hợp pháp, dùng để chỉ quy chuẩn tôn giáo phù hợp với chuẩn mực và giá trị của Hồi giáo theo Kinh Cô-ran (Qur’an) và Luật Sa-ri-a (Sharia); trái ngược với Halal là Haram (không được phép, kiêng kị).
Chứng nhận Halal: Là giấy chứng nhận, xác nhận rằng các sản phẩm/dịch vụ được cung cấp không sử dụng các thành phần Haram và điều kiện sản xuất/cung cấp dịch vụ đáp ứng yêu cầu của Luật Sa-ri-a và tiêu chuẩn Halal và do đó phù hợp để tiêu dùng ở các quốc gia theo Đạo Hồi và ở các nước phương Tây nơi có nhiều nhóm dân số theo Đạo Hồi.
Một sản phẩm, dịch vụ đáp ứng tiêu chuẩn Halal được xác nhận bằng văn bản cụ thể (chứng nhận Halal) và ký hiệu cụ thể (đóng dấu Halal). Trên thế giới hiện chưa có hệ thống tiêu chuẩn Halal thống nhất, song cơ bản đều được xây dựng trên các quy định của Kinh Cô-ran và Luật Sa-ri-a..
Thế Hữu