Sáng 13/3, thông tin về công tác đảm bảo cung cấp điện mùa khô và công tác an toàn, tiết kiệm điện năm 2024, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) và Tổng Công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC) cho biết đã sẵn sàng các giải pháp cụ thể đảm bảo cung cấp điện năm nay.
Các phương án đảm bảo cung ứng điện cho 21 tỉnh/thành phía Nam
Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2024 có khả năng xảy ra khô hạn kéo dài tại khu vực Nam bộ. Cao điểm mùa khô thường diễn ra từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 5, nhưng năm nay xuất hiện nắng nóng khá sớm, từ cuối tháng 01-2024 và có khả năng kéo dài thời gian hơn trung bình các năm trước.
Trước dự báo đó, ngay từ các tháng cuối năm 2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã triển khai hàng loạt các giải pháp để vận hành tối ưu các nguồn điện; củng cố, đầu tư, phát triển hệ thống nguồn, lưới điện; đặc biệt quyết liệt triển khai tập trung mọi nguồn lực thi công liên tục 3 ca, 4 kíp, xuyên lễ tết đối với Dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đi Phố Nối, với mục tiêu phấn đấu đảm bảo tiến độ hoàn thành theo kế hoạch đề ra nhằm đáp ứng truyền tải nguồn giữa các miền; đồng thời chủ động trao đổi, làm việc với PVN/PVGas, TKV, TCT Đông Bắc, chủ sở hữu các nguồn điện BOT, IPP trong cung ứng nhiên liệu và đảm bảo vận hành chuẩn bị việc cung ứng điện mùa khô và cả năm 2024.
Để đảm bảo cung cấp điện năm 2024 và các tháng mùa khô (từ tháng 4-7), với dự báo tăng trưởng điện năm nay, toàn EVNSPC có khả năng lên đến mức khoảng 7%, cao hơn mức dự báo đầu năm, tuy nhiên vẫn nằm trong các phương án cung ứng điện năm 2024 được EVN, Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia lập và được Bộ Công Thương phê duyệt từ đầu năm. Do đó, trừ các trường hợp cực đoan hoặc sự cố xếp chồng thì với các giải pháp quyết liệt của EVN, EVNSPC có thể nói việc cung ứng điện cho 21 tỉnh miền Nam sẽ được đảm bảo.
Đồng thời với các giải pháp cung ứng điện ở quy mô cấp quốc gia đang được triển khai, nhằm đảm bảo nhiệm vụ cung cấp điện, vận hành ổn định, an toàn hệ thống lưới điện Quốc gia và khu vực trong năm 2024, EVNSPC cùng các đơn vị thành viên tại 21 tỉnh thành đã và đang triển khai hàng loạt phương án vận hành tối ưu hệ thống lưới điện, quyết liệt các giải pháp vận động, tuyên truyền tiết kiệm điện.
Môt số giải pháp cụ thể được EVNSPC triển khai tập trung vào công tác dịch chuyển phụ tải ra khỏi các khung giờ cao điểm (từ 14h đến 16h): Toàn EVNSPC có 6.281 khách hàng sản xuất có mức tiêu thu điện từ 1 triệu kWh trở lên được cập nhật theo dõi và rất cần hợp tác, cùng cam kết dịch chuyển phụ tải từ 5% -10% ra khỏi các khung giờ cao điểm so với biểu đồ phụ tải.
Trên địa bàn 21 tỉnh thành phía Nam có 6.791/7.236 khách hàng được cập nhật theo dõi và cần hợp tác, cùng cam kết chủ động dịch chuyển, điều chỉnh phụ tải phi thương mại (DR). Với tiềm năng tiết giảm công suất: Khách hàng được thông báo trước 2h, tiết giảm công suất khoảng 336MW; Thông báo đến khách hàng trước 24h tiết giảm công suất sẽ đạt khoảng 830MW.
EVNSPC tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với khách hàng về chương trình DR, tuyên truyền tiết kiệm điện năm 2024, tổ chức hoạt động hưởng ứng sự kiện Giờ Trái đất năm 2024 với sự kiện diễn ra vào lúc (20h30 đến 21h30, ngày 23/3/2024) tại 21 tỉnh/thành phố phía Nam; phối hợp các tổ chức Đoàn thể các tỉnh/thành triển khai các hoạt động hưởng ứng (riêng tại Tp. Cần Thơ triển khai với quy mô lớn tầm khu vực); Phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng); Tổ chức các sự kiện truyền thông về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm trong mùa nắng nóng năm 2024, phát động các Cuộc thi tìm hiểu kiến thức về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả… Đồng thời, EVNSPC cũng sẽ phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra, giám sát, thi đua tiết kiệm điện…
Tiêu thụ điện các tháng 3-6/2024 tại TP.HCM tăng
Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC Bùi Trung Kiên cho biết, để đảm bảo độ tin cậy, sẵn sàng và đồng bộ trong khâu quản lý, vận hành lưới truyền tải và phân phối điện để cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội của TP.HCM và đời sống nhân dân TP.HCM, đặc biệt là mùa khô 2024, EVNHCMC đã triển khai thực hiện phương án đảm bảo cung cấp điện mùa khô năm 2024.
Các giải pháp EVNHCMC thực hiện như: Đảm bảo tiến độ hoàn thành các công trình đầu tư xây dựng. Trung tâm Điều độ Hệ thống điện giám sát, có phương án không để các đường dây 220kV/110kV/22kV, MBA 220kV/110kV xảy ra tình trạng đầy, quá tải trong chế độ làm việc bình thường. Các Công ty Điện lực rà soát, xử lý không để xảy ra tình trạng đầy, quá tải trạm biến áp phân phối, lộ ra hạ thế. Công ty Lưới điện Cao thế, các Công ty Điện lực thực hiện bảo trì lưới điện, xử lý các điểm khiếm khuyết trước ngày 31/3/2024.
EVNHCMC lập kế hoạch điều chỉnh phụ tải năm 2024. Chuẩn bị phương án tiết giảm khi có yêu cầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Rà soát, cập nhật danh sách ngừng giảm mức cung cấp điện trong trường hợp khẩn cấp theo yêu cầu của EVN về việc ban hành danh sách ngừng, giảm mức cung cấp điện. Lập danh sách thứ tự ưu tiên các tuyến dây và cáp ngầm trung thế theo ngày nghỉ luân phiên. Rà soát đảm bảo vận hành tin cậy relay các mạch sa thải đặc biệt.
EVNHCMC cũng thực hiện diễn tập phương án đảm bảo cung cấp điện mùa khô, trong đó bao gồm kết hợp vận hành theo mức phân bổ công suất của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, DR, dịch chuyển phụ tải, sự cố TBA 220kV…
Theo quy luật thời tiết, Quý II hằng năm tại khu vực TP. Hồ Chí Minh là giai đoạn nắng nóng, nhiệt độ nhiều thời điểm lên hơn 37-40 độ C, do vậy nhu cầu sử dụng điện của khách hàng cho các thiết bị giải nhiệt, điều hòa, đặc biệt là thiết bị làm mát sẽ tăng cao.
Theo dõi số liệu sản lượng điện tiêu thụ cho thấy: tại TP Hồ Chí Minh sản lượng tiêu thụ bình quân ngày của 02 tháng đầu năm 2024 đạt 75,34 triệu kWh/ngày cao hơn 11,39% (tương đương 7,7 triệu kWh/ngày) so với cùng kỳ năm 2023.
Dự báo sản lượng điện bình quân ngày của cả tháng 3/2024 đạt 84,84 triệu kWh/ngày tăng 8,31% so với sản lượng điện bình quân ngày của tháng 3/2023 là 78,33 triệu kWh/ngày.
Dự báo sản lượng điện nhận bình quân ngày của tháng 4,5,6/2024 tiếp tục tăng cao đạt từ 84,30 đến 87,60 triệu kWh/ngày và đỉnh điểm trong tháng 4&5/2024 dự báo sẽ có một số ngày điện nhận vượt trên 95 triệu kWh/ngày là mức cao nhất chưa từng có trong lịch sử điện nhận tại TP Hồ Chí Minh.
Trong giai đoạn cao điểm nắng nóng (từ tháng 3-7), tình hình sử dụng điện của khách hàng sẽ tăng cao, tần suất sử dụng điện các thiết bị điện trong nhà, đặc biệt là các thiết bị làm mát, giải nhiệt của các hộ gia đình tăng cao, máy lạnh sử dụng một cách thường xuyên hơn. Theo chuyên gia, mỗi khi nhiệt độ bên ngoài tăng dao động 1 độ C, các thiết bị điều hòa nhiệt độ, điển hình là máy lạnh sẽ có thể tăng từ 2 đến 3% hiệu suất tiêu thụ điện dẫn đến tiền điện tăng cao so với trung bình sử dụng của những tháng khác trong năm, ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt trong gia đình.
Thực hiện theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 08/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 6012/QĐ-UBND ngày 29/12/2023 của UBND TP.HCM về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025, EVNHCMC tập trung triển khai vận động hiệu quả theo từng nhóm đối tượng khách hàng.
Thực hiện điều chỉnh phụ tải (DR) bằng cách, tiếp tục tuyên truyền, vận động khách hàng sử dụng điện lớn (khách hàng SXCN và TMDV có sản lượng tiêu thụ điện từ 1 triệu kWh/năm) tham gia ký thỏa thuận tham gia DR. Tiết giảm phụ tải đối với 1.353 khách hàng SXCN có sản lượng tiêu thụ điện từ 1 triệu kWh/năm. Dịch chuyển phụ tải với 1.353 khách hàng SXCN có sản lượng tiêu thụ điện từ 1 triệu kWh/năm. Thêm vào đó, nhằm đảm bảo cung cấp điện hiệu quả thì cần dự báo phụ tải cho sát với nhu cầu.
EVNHCMC cũng dự báo, trong giai đoạn nắng nóng hiện nay, có khả năng quá tải cục bộ gây gián đoạn điện, khách hàng có máy phát dự phòng cần kiểm tra hoạt động, dự trữ thêm nhiên liệu đủ dùng để tự dùng, cũng như hỗ trợ ngành điện trong trường hợp xảy ra thiếu điện (nếu có).
Ngoài ra, EVNHCMC khuyến cáo người sử dụng cài đặt App EVNHCMC CSKH theo dõi chỉ số điện tiêu thụ, so sánh chỉ số tiêu thụ của các tháng, của cùng kỳ.
Bên cạnh việc chủ động cung cấp điện cho người sử dụng, để đảm bảo an toàn điện, an toàn phòng chống cháy, nổ do sử dụng điện cho người dân trong mùa khô năm 2024, EVNHCMC triển khai thực hiện với các giải pháp: tuyên truyền, bổ sung các nội dung cam kết đảm bảo an toàn điện, an toàn phòng, chống cháy, nổ do sử dụng điện vào hợp đồng mua bán điện sinh hoạt, gửi “Cẩm nang sử dụng điện an toàn”, “Sổ tay PCCC điện gia đình”, “Sổ tay PCCC điện cơ sở sản xuất, kinh doanh và công sở”, “Các biện pháp phòng tránh cháy nổ do điện” đến từng khách hàng sử dụng điện, lên kế hoạch và tổ chức thực hiện chương trình “Cùng bạn sử dụng điện an toàn – tiết kiệm”, phối hợp với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tổ chức hướng dẫn cơ bản kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho học sinh sinh viên…