Sự nỗ lực liên tục của toàn ngành Tài chính ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2019 đã tránh được tình trạng thu ngân sách “no dồn đói góp”, đủng đỉnh đầu năm, vội vã cuối năm như đã từng xảy ra trong thời gian trước đây. Số thu mang về khá đều, đảm bảo dự toán và bền vững. Thay đổi tích cực đó đã giảm áp lực căng thẳng tài chính. Sau 10 tháng năm 2019 ngân sách nhà nước không những không bội chi mà còn thặng dư, tương đương gần 1,6% GDP.
Thu thì tốt rồi nên vấn đề đặt ra còn lại là chi hiệu quả. Muốn tăng cường năng lực của quốc gia, rõ ràng về lâu dài phải giảm dần tỷ lệ chi thường xuyên vì tổng thu 100% nhưng chi thường xuyên mà tăng lên thì sẽ không còn nguồn lực để đầu tư.
Xét ra, chi thường xuyên có 2 mảng lớn, một là chi cho bộ máy, cho con người, hai là chi phúc lợi xã hội. Hiện Chính phủ đang nỗ lực cắt giảm biên chế, tăng cường năng lực quản lý và phục vụ nhân dân để giảm thiểu các khoản chi ở mảng thứ nhất. Mảng thứ hai hầu hết là các khoản chi như văn hóa, giáo dục y tế, xã hội. Thiết nghĩ, mảng này cần phải tích cực xã hội hóa thay vì bao cấp với các chính sách hợp lý để huy động các nguồn lực khác, huy động sức dân để kéo tỷ lệ chi thường xuyên giảm xuống so với tổng thu ngân sách nhà nước. Trên cơ sở đó mới có nguồn dôi ra để đầu tư phát triển kinh tế.
Dĩ nhiên, một điều nữa cũng cần lưu ý là: Chi gì cũng đều phải tính phương án tiết kiệm và hiệu quả. Chi thường xuyên không hiệu quả là lãng phí. Chi đầu tư phát triển không kiểm soát được chất lượng dự án cũng là lãng phí.
Nhìn tổng thể, thu và chi tương tự như hai mặt của đồng tiền. Nếu chi ngân sách nhà nước lãng phí, hiệu quả thấp thì không chỉ làm mất ý nghĩa của những nỗ lực thu ngân sách nhà nước mà còn tác động tới động lực thu ngân sách nhà nước và cơ sở tăng thu ngân sách nhà nước một cách bền vững và hợp lý. Việc cần làm là giữ sao cho hai mặt đều “đủ dáng đủ hình” để đồng tiền đảm bảo được giá trị.
Nguồn HQ