Từ tư duy khác biệt bị cho là “vĩ cuồng” của mình, Đặng Lê Nguyên Vũ đã mang cái tên “cà phê Trung Nguyên” ra thế giới. Liệu rằng với tư duy ấy, một Thành phố Cà phê với nhiều giá trị khác biệt có là “bước đệm” cho “tham vọng lớn” của ông chủ Trung Nguyên Legend?
Nhưng càng học, ông lại càng nhận ra đây không phải là nghề có thể giúp ông thoát nghèo. Không chấp nhận cảnh “ngủ trong giường chiếu hẹp, mơ những giấc mơ con”, Đặng Lê Nguyên Vũ đã quyết định bỏ ngang vào TP. HCM làm giàu.
Bị nhiều người cho rằng là “kẻ khùng hạng nặng”, là “kẻ mang giấc mơ vĩ cuồng”, bên cạnh Đặng Lê Nguyên Vũ lúc đó chỉ có một người bạn cùng phòng chung chí hướng và cũng là người khởi nghiệp với ông sau này.
Trăn trở trước thực trạng sinh ra ở mảnh đất có cà phê là đặc sản, nhưng những người làm cà phê như gia đình ông chưa bao giờ thôi vất vả, khổ cực, Đặng Lê Nguyên Vũ nuôi khát khao biến “hạt vàng của vùng đất đỏ” trở thành thứ có thể giúp mình thoát nghèo.
Mô hình cụm ngành cà phê quốc gia và mô hình nông thôn tích hợp liên hoàn tại nhà máy cà phê Trung Nguyên tại Đắk Lắk cũng từ đó đã được hình thành; đây được xem là mô hình kinh doanh mới mẻ tại Việt Nam thời điểm đó, giữa bối cảnh cà phê Việt vẫn đang chật vật tìm chỗ đứng trên thị trường.
Sau không ít lần thất bại, những gói cà phê đầu tiên mang thương hiệu Trung Nguyên cuối cùng cũng thu hút được sự chú ý.
Năm 1996, ông Vũ thành lập “Hãng cà phê Trung Nguyên”, khai trương tại cây số 2, TP. Buôn Ma Thuột – là dấu mốc quan trọng cho Tập đoàn Trung Nguyên Legend sau này.
Theo chia sẻ của ông Vũ, “gọi là hãng cho oai” chứ “tổng hành dinh” lúc đó “ọp ẹp đến phát khiếp”, bảng hiệu đều tự vẽ, tự sơn, khách hàng là mấy sinh viên cùng trường/lớp đến ủng hộ.
Nhưng ít ai ngờ, từ sự “ọp ẹp” ấy, Đặng Lê Nguyên Vũ đã phát triển Trung Nguyên thành thương hiệu cà phê hàng đầu Việt Nam, vươn tầm thế giới.
Dù theo đuổi mô hình nhượng quyền nhưng Đặng Lê Nguyên Vũ khẳng định mục tiêu cốt lõi của Trung Nguyên là tính đồng nhất, dù thưởng thức ở đâu thì hương vị cà phê cũng vẫn như nhau.
Việc ra mắt dòng sản phẩm cà phê G7 vào năm 2003 được xem là “cú nổ” đáng chú ý của Trung Nguyên, giúp củng cố thị phần trong thị trường cà phê trong nước và vươn tầm ra quốc tế.
Từ một thanh niên với đôi bàn tay trắng, Đặng Lê Nguyên Vũ đã trở thành “Vua cà phê”, nắm trong tay “đế chế” hàng nghìn tỷ đồng.
Trong vòng hơn 10 năm, Trung Nguyên đã trỗi dậy mạnh mẽ với 6 công ty thành viên. Thương hiệu cà phê Trung Nguyên không chỉ được đánh giá cao trong nước mà còn “chu du” khắp nơi trên thế giới, góp mặt ở những cường quốc lớn như Mỹ, Trung Quốc…
Các sản phẩm cà phê năng lượng G7 được bày bán trên tất cả các trang mạng bán hàng lớn như Taobao, Alibaba, Tmall.com, jd.com…
Năm 2005, hãng cà phê Trung Nguyên được xem là nhà chế biến cà phê lớn nhất Việt Nam, vượt mặt nhiều đối thủ nước ngoài.
Năm 2010, các sản phẩm cà phê Trung Nguyên được xuất khẩu đến hơn 60 quốc gia trên toàn thế giới.
Tháng 2/2012, Đặng Lê Nguyên Vũ lần đầu tiên được vinh danh là “Vua cà phê Việt” một cách chính thức trên tạp chí National Geographic Traveller.
Việc luôn chú trọng thay đổi và làm mới mình đã giúp Đặng Lê Nguyên Vũ “chèo lái” con thuyền Trung Nguyên trở thành một trong những tập đoàn lớn mạnh, vươn tầm quốc tế.
Làm bất động sản “kiểu Đặng Lê Nguyên Vũ”
Không dừng lại giấc mơ với cà phê Việt, ông chủ Tập đoàn Trung Nguyên cũng lấn sân sang lĩnh vực bất động sản (BĐS) với cách làm “chẳng giống ai”.
Được xem là dự án đầu tay của ông Vũ sau khi lấn sân sang lĩnh vực BĐS, Thành phố Cà phê đã từng được “thai nghén” từ khá lâu, nằm trong đề án xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành “Thiên đường của cà phê thế giới” được ông Vũ chia sẻ vào năm 2007, biến nơi đây trở thành điểm dừng chân của hơn 2,5 tỷ người yêu và đam mê cà phê.
Thành phố Cà phê được khởi công xây dựng từ năm 2017 với quy mô 45,45ha. Trong kỳ mở bán đầu tiên, 99% căn hộ của Trung Nguyên Legend giao dịch thành công chỉ trong vòng 80 phút.
|
Đặt giữa bối cảnh Đắk Lắk không phải là khu vực phát triển công nghiệp như Hải Phòng, Bình Dương hay Bắc Ninh…, lại sở hữu quỹ đất hạn hẹp, lý do gì khiến BĐS của ông Đặng Lê Nguyên Vũ thu hút nhiều người cũng là điều khiến không ít người thắc mắc và hoài nghi.
Nhiều người cho rằng một trong những “chìa khóa” giúp ông Vũ thành công khi lấn sân sang lĩnh vực BĐS nằm ở chiến lược cũng như “chiến thuật marketing”.
Theo tâm lý chung, khi khách hàng tiếp cận với những dự án BĐS sẽ được các chủ đầu tư giới thiệu về những thông tin liên quan đến diện tích, vị trí, tiện ích, tiềm năng để có thể sinh lời…
Tuy nhiên, “Vua cà phê” lại lựa chọn cho mình một lối đi hoàn toàn khác.
Khi nói về Thành phố Cà phê, người ta nghĩ ngay đến những cụm từ “rất mới mẻ” ở Việt Nam: “Chữa lành” và “tỉnh thức” để xác định giá trị KĐT mà Trung Nguyên xây dựng.
Mang “tư duy dị biệt” từ cách làm cà phê cho đến khi “lấn sân” sang lĩnh vực BĐS, ông Vũ chú trọng đến trải nghiệm của khách hàng bằng việc bố trí mật độ xây dựng ở mỗi khu tiện ích của Thành phố Cà phê rất thấp, chỉ từ 10-25%.
Điều này đồng nghĩa với việc mỗi khu tiện ích sẽ trở thành một công viên sinh thái riêng, giúp cư dân có thể hòa mình vào thiên nhiên ở mọi góc độ, hướng đến việc rèn luyện, bảo vệ sức khỏe.
Gọi Thành phố Cà phê là “KĐT chữa lành”, Trung Nguyên xây dựng nơi đây dựa trên trường phái kiến trúc chữa lành.
Đa phần những loại vật liệu xây dựng tại Thành phố Cà phê đều được lựa chọn kỹ lưỡng từ các vật liệu tự nhiên như gỗ, gạch không nung, đá bazan bản địa…
Do địa hình đồi núi nên các công trình kiến trúc tại đây đều được xây dựng nương theo địa hình tự nhiên, giúp giảm tác động tiêu cực đến môi trường.
Để giúp khách hàng hiểu hơn về “BĐS chữa lành”, Trung Nguyên Legend đã cho các khách hàng trải nghiệm “lối sống tỉnh thức” trong Thành phố Cà phê (ăn tỉnh thức, mặc tỉnh thức, ở tỉnh thức…) với những tiện ích, liệu pháp chữa lành toàn diện về Thân – Tâm – Trí.
Ông chủ Tập đoàn Trung Nguyên Legend nuôi “tham vọng” biến nơi đây thành địa điểm tạo dựng giá trị đầu tư cũng như tạo ra cộng đồng bản sắc và khác biệt trên thế giới; từng bước hiện thực hóa đưa Buôn Ma Thuột trở thành “thủ phủ cà phê toàn cầu”.
|
Thành phố Cà phê trước đó có tên cũ là Khu đô thị sinh thái văn hóa cà phê Suối Xanh được UBND tỉnh Đắk Lắk chấp thuận đầu tư từ năm 2016 với tổng vốn đầu tư gần 2.800 tỷ đồng. Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 1/2017 có quy mô 45,45ha, mật độ xây dựng 27%.
Nhìn nhận về dự án “BĐS chữa lành” của ông chủ Trung Nguyên Legend, Trưởng ban QLDA Thành phố Cà phê – ông Lê Minh Quang cho rằng việc phát triển đô thị cần có quá trình nghiên cứu kỹ càng chiến lược lâu dài với 3 tiêu chí quan trọng.
1. Quy hoạch đô thị phải gắn với tính bản địa tại vùng miền để phát huy giá trị văn hóa của địa phương, đồng thời hài hòa với tinh hoa văn hóa của thế giới.
2. Phát triển đô thị cần tôn trọng môi trường tự nhiên sẵn có của khu vực đó, tôn tạo thành không gian tốt hơn cho cư dân.
3. Quy hoạch đô thị phải hướng đến kết nối vùng miền để cư dân đô thị có việc làm phù hợp, góp phần phát triển kinh tế tại địa phương.
Có lẽ chính nhờ lối tư duy khác biệt được xem là cách để Đặng Lê Nguyên Vũ biến những giấc mơ bị cho là “vĩ cuồng” của mình trở thành hiện thực.
Trong những buổi chia sẻ của mình, đã không ít lần ông Đặng Lê Nguyên Vũ từng tiết lộ rằng người khởi nghiệp cần có một ước mơ và hoài bão, song hành cùng với đó là việc tích lũy kiến thức và trau dồi kinh nghiệm.
Chính cuộc đời nhiều “biến thiên” cũng như câu chuyện khởi nghiệp từ “zero đến hero” của ông Vũ là tấm gương phản chiếu cho hành trình vươn lên nhờ khát vọng, mong muốn cống hiến và đem đến nhiều giá trị cho cộng đồng từ những điều được cho là “vĩ cuồng” ấy.
|