Đánh thức du lịch xanh ở vùng đất sen hồng

Đồng Tháp là một trong những địa phương ở ĐBSCL có tốc độ tăng trưởng du lịch khá cao. Trong đó, du lịch sinh thái, nông nghiệp và cộng đồng ngày càng thu hút du khách trong nước và quốc tế

Du lịch Đồng Tháp đã có bước phát triển vượt bậc. Từ chỗ gần như không có gì, đến nay, Đồng Tháp đã khẳng định vị trí trên bản đồ du lịch, xếp tốp đầu khu vực ĐBSCL về số lượng du khách, góp phần đưa hình ảnh đất sen hồng ngày càng vươn xa.

Khai phá tiềm năng

So với các địa phương trong vùng, du lịch sinh thái, nông nghiệp ở Đồng Tháp bắt đầu khá muộn, vào cuối năm 2016. Ban đầu, chỉ vài hộ dân trồng sen ở huyện Tháp Mười tự phát thực hiện loại hình du lịch trải nghiệm – bơi xuồng ngắm cảnh đồng sen, câu cá, thưởng thức ẩm thực đồng quê với nhiều món ăn chế biến từ sen.

Tuy xuất phát trễ nhưng bước đầu, du lịch sinh thái, nông nghiệp ở Đồng Tháp đã đạt được một số kết quả khả quan. Đến nay, toàn tỉnh phát triển được 72 điểm đến du lịch sinh thái, nông nghiệp, du lịch cộng đồng phục vụ khách tham quan trải nghiệm khá hiệu quả.

Thời gian gần đây, nhiều hộ dân trồng quýt ở huyện Lai Vung đã mạnh dạn “mở cửa” đón khách du lịch đến tham quan. Trong đó, nhà vườn Đoàn Anh Kiệt (xã Long Hậu, huyện Lai Vung) đã tận dụng 5 ha đất trồng quýt làm du lịch để du khách trải nghiệm. Với cách làm du lịch miệt vườn này, nguồn thu nhập của gia đình ông cao hơn nhiều lần so với trồng quýt bán cho thương lái.

Du khách hòa mình với cảnh vật thiên nhiên khi du lịch Đồng Tháp

Ông Kiệt cho biết du khách mua vé vào vườn tham quan được thỏa thích chụp ảnh lưu niệm, trải nghiệm bơi xuồng hay tự tay hái những trái quýt to bóng, căng tròn đong đưa trên cành mang về tặng người thân, bạn bè… “Nhờ phát triển du lịch miệt vườn từ việc bán vé, bán quýt trái, phục vụ du khách ăn uống…, thu nhập mỗi năm của gia đình tôi có thể đạt vài trăm triệu đồng” – ông phấn khởi.

Trong cuộc sống ngày càng tất bật, hối hả bởi sự phát triển đô thị hóa, nhiều người dân ở các thành phố lớn có xu hướng đi tham quan, trải nghiệm du lịch sinh thái, nông nghiệp, du lịch cộng đồng để được hòa mình với cuộc sống nhà vườn, với thiên nhiên trong lành. Theo chị Đặng Thúy Quỳnh, một du khách đến từ TP HCM, ở thành phố vốn ồn ào, ngột ngạt bởi xe cộ, khói bụi, tiếng ồn… nên chị rất “thèm” một khung cảnh yên ả, mát mẻ ở vùng quê.

“Tôi và gia đình năm nào cũng dành thời gian đi du lịch. Chúng tôi rất thích cảnh vật thiên nhiên, cây trái ở Đồng Tháp nên thường xuyên đến đây tham quan, trải nghiệm. Được hòa mình cùng thiên nhiên với khung cảnh thanh bình, khí hậu trong lành; được thưởng thức nhiều sản vật miền quê; được người dân miệt vườn chất phác, gần gũi, mến khách tiếp đãi…, chúng tôi rất vui vẻ, thoải mái” – chị Quỳnh cảm nhận.

Phát triển farmstay

Farmstay là một hình thức du lịch nông nghiệp còn khá mới mẻ, đang phát triển tại Đồng Tháp. Trong đó, điển hình là farmstay thuộc Khu Du lịch hoa kiểng Sa Đéc tại xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc và Việt Mekong Farmstay tại thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông.

Farmstay Khu Du lịch hoa kiểng Sa Đéc rộng hơn 3,5 ha với hàng ngàn tác phẩm bonsai, kiểng cổ giá trị. Trong đó, đáng chú ý là cặp me chua kiểng “cổ nhất Việt Nam”, cặp vạn niên tùng 120 năm tuổi, cây sanh bon-sai “đường kính tán lớn nhất Việt Nam” và hơn 150 giống hoa hồng. Farmstay này còn cung cấp các dịch vụ ăn uống, trải nghiệm hoạt động canh tác nông nghiệp gắn với Làng nghề Hoa kiểng Sa Đéc trên 100 năm tuổi.

Trong khi đó, Việt Mekong Farmstay là nông trại nghỉ dưỡng “thuận thiên”, được phát triển trên nền tảng nông nghiệp và văn hóa địa phương trong không gian đa sắc màu, đậm nét hoang sơ của những cánh đồng bông súng trắng, sen hồng, cỏ xanh, lúa vàng… Việt Mekong Farmstay là điểm du lịch thu hút dòng khách cao cấp, nhất là những người trẻ có thu nhập cao. Thời gian qua, farmstay này đã phục vụ nhiều đoàn khách đến từ các thành phố lớn trong nước và cả du khách Đông Âu, Bắc Mỹ…

Đề cập ý tưởng khởi nghiệp với mô hình du lịch xanh này, bà Hồ Ngọc Trâm, Giám đốc Việt Mekong Farmstay, cho biết: “Tôi đã ấp ủ định hướng làm du lịch nông nghiệp từ khi còn là sinh viên và bắt đầu nghiên cứu, thực hiện mô hình farmstay từ năm 2018. Với cảnh đẹp nông thôn, văn hóa bản địa, con người giản dị, thân thiện nên tôi tin nông nghiệp xanh, sạch sẽ là nơi giúp kết nối du khách trong nước và quốc tế tìm về vùng quê để trải nghiệm”.

Việt Mekong Farmstay là mô hình đang được Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch khảo sát, phục vụ đề tài khoa học công nghệ cấp bộ. Theo bà Trâm, khi làm du lịch nông nghiệp tại quê hương Đồng Tháp, bà kỳ vọng sẽ góp phần giúp vùng đất sen hồng ngày càng phát triển vì nông sản được bán tại chỗ, người dân được tiếp xúc du khách và có thể làm giàu từ chính con trâu, mảnh ruộng, đồng sen của mình.

Nhiều lợi thế

Bà Huỳnh Thị Hoài Thu, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, khẳng định du lịch nông nghiệp, sinh thái được xác định là chiến lược, trụ cột, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Du lịch nông nghiệp, sinh thái là bệ đỡ vững chắc trong việc kéo dài chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

“Đồng Tháp là tỉnh nông nghiệp với gần 70% dân số sinh sống ở nông thôn. Những lợi thế như: Có nhiều sản vật nổi tiếng; người dân cần cù, sáng tạo, hồn hậu, mến khách; các giá trị về lịch sử, văn hóa bản địa, ẩm thực đặc trưng Nam Bộ… sẽ giúp Đồng Tháp phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, sinh thái, cộng đồng” – bà Thu nhấn mạnh.

Theo Báo Người lao động