Nhiều doanh nghiệp nội đang gặp thách thức trước yêu cầu phải đáp ứng được các quy định mới, tiêu chuẩn cao về chất lượng hàng hóa, phát triển bền vững… gọi chung là Tiêu chuẩn Xanh của EU.
Để đóng góp vào tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế, ngành Công Thương xác định đẩy mạnh xuất khẩu tiếp tục là động lực quan trọng, trong đó năm 2024, phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6% so với năm 2023; Cán cân thương mại duy trì xuất siêu (dự kiến xuất siêu 15 tỷ USD).
Trong các giải pháp nhằm đạt được mục tiêu đề ra, Bộ Công Thương nhấn mạnh việc đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa, khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), thúc đẩy xuất khẩu bền vững.
Nhiều tiêu chuẩn ngày càng khắt khe
Theo Báo cáo của Bộ Công Thương, bức tranh tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2024 tiếp tục chậm lại, không quá lạc quan sẽ tác động trực tiếp đến triển vọng của các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Cùng với chính sách bảo hộ xuất hiện trở lại ở nhiều nước dưới các hình thức khác nhau, các nước phát triển ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, từ đó dựng lên những tiêu chuẩn và quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu, có thể kể đến dự luật chống phá rừng, hay Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU…
Xu hướng phát triển kinh tuần hoàn, Kinh tế Xanh, Kinh tế Số ngày càng rõ nét. Trong bối cảnh năng lực sản xuất của doanh nghiệp trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, ngành Công Thương xác định 6 nhiệm vụ, giải pháp lớn nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2024.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho biết năm 2024 Bộ Công Thương tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh để đưa các dự án công nghiệp lớn, có vai trò quan trọng đi vào vận hành nhằm gia tăng năng lực sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu; tập trung khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và ký kết, triển khai các Hiệp định mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng.
“Tập trung các giải pháp để khai thác các thị trường lân cận, còn tiềm năng, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại,” lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay.
Hiện nay, Liên minh châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam với rất nhiều ngành hàng công nghiệp chủ lực cũng như nông sản, thực phẩm mà Việt Nam có thế mạnh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các lợi thế của hàng hóa Việt Nam đã phần nào bị ảnh hưởng, doanh nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều thách thức trước yêu cầu phải đáp ứng được các quy định mới, tiêu chuẩn cao về chất lượng hàng hóa, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững… gọi chung là Tiêu chuẩn Xanh của EU.
Với cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) ngay cả trước mắt cũng sẽ không chỉ tác động trực tiếp tới 6 ngành công nghiệp, gồm sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hiđro, mà sẽ gián tiếp tác động tới các ngành hàng tiêu thụ nhiều nguyên liệu và năng lượng.
Hơn nữa, hàng loạt tiêu chuẩn môi trường mới được EU áp dụng trong thời gian tới, như “Thỏa thuận Xanh” của EU gồm một gói các hành động nhằm giảm phát thải khí nhà kính và giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên trong khi đạt được tăng trưởng kinh tế, mà cơ chế CBAM chỉ là một nội hàm trong đó.
Cũng trong khuôn khổ thoả thuận xanh, tháng 6/2023, EU đã ban hành quy định chống phá rừng (EUDR), có hiệu lực từ cuối năm 2024 nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu các mặt hàng gây mất rừng và suy thoái rừng. Các công ty kinh doanh gỗ, cà phê, ca cao, cao su, đậu nành, gia súc, dầu cọ… tại EU phải chứng minh hàng hóa không liên quan đến hoạt động phá rừng hoặc góp phần làm suy thoái rừng.
Lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào chuỗi sản xuất
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng cộng đồng doanh nghiệp phải tính toán được đến những xu hướng dài hạn này để có điều chỉnh, từ đó có thể xuất khẩu được vào thị trường EU.
Chia sẻ thêm, ông cho biết bản thân những nhà đầu tư nước ngoài khi vào thị trường trong nước cũng có những cam kết mạnh mẽ về bảo vệ môi trường để chống biến đổi khí hậu. Ví dụ như vấn đề khí thải carbon bằng 0, thậm chí doanh nghiệp còn cam kết là trồng rừng để bồi hoàn lại những cacbon thải từ nhà máy của họ.
“Đó là những cái mà chúng ta nghe, nhìn như là hình mẫu để điều chỉnh doanh nghiệp của chúng ta, do vậy, nếu muốn làm ăn lâu dài với thị trường như EU thì doanh nghiệp nội cũng phải đáp ứng được những quy định của họ, đặc biệt là đáp ứng được những mối quan tâm của người tiêu dùng ở thị trường khó tính này,” ông Lương Hoàng Thái nói.
Chia sẻ về cơ chế khuyến khích cho phát triển công nghiệp và thương mại Xanh cũng như kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn – công cụ để Việt Nam thực hiện đưa phát thải ròng về ) vào năm 2050, Phó Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, để thực hiện những điều này đòi hỏi 3 yêu cầu, đó là đáp ứng yêu cầu về tài chính; tăng cường năng lực và thứ ba là chuyển giao công nghệ.
Chuyên gia này thông tin thêm, trong đề xuất về Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn, Viện cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào quy hoạch, kế hoạch và chiến lược và yêu cầu các doanh nghiệp lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào chuỗi sản xuất và tiêu dùng bền vững – từ thăm dò, điều tra khai thác, chế biến sản xuất, phân phối tiêu dùng, phân loại, thu gom, vận chuyển, lưu trữ, tái chế, tái sử dụng chất thải…
Cùng với tuân thủ thực hiện các giải pháp về chuỗi sản xuất và phân phối Xanh, thì việc thâm nhập được vào thị trường đối tác lại cần thêm rất nhiều kỹ năng khác. Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Hương Liên, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sao Thái Dương chia sẻ kinh nghiệm, đơn vị đã mời một số tư vấn về chuyên môn của Anh cũng như của châu Âu để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn để xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Anh, cùng với sự sự hỗ trợ của Tham tán thương mại và Đại sứ quán Việt Nam.
“Với các doanh nghiệp mà chưa bao giờ xuất khẩu đi Anh hay là đi châu Âu thì sự hỗ trợ của đại diện thương mại tại các quốc gia là rất quan trọng,” bà Liên đưa ý kiến.
Trên thực tế, việc đẩy mạnh Xúc tiến Thương mại hàng hóa vào các thị trường, trong đó EU tiếp tục là thị trường được Bộ Công Thương ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), trong năm 2024, Bộ Công Thương sẽ triển khai một loạt những chương trình hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực, với sự hợp tác của các tổ chức quốc tế nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cho các ngành sản xuất, đặc biệt là với từng ngành có liên quan tới quy định của CBAM và những quy định liên quan đến tiêu chuẩn Xanh của Đức và của EU.
Cụ thể, đối với xúc tiến xuất khẩu, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với hệ thống thương vụ Việt Nam và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để cung cấp tốt nhất những quy định mới và hướng dẫn mới liên quan đến thỏa thuận Xanh và kinh doanh có điều kiện cũng như kinh tế tuần hoàn cho các ngành sản xuất trong nước, để có thể đáp ứng được tốt nhất và hiệu quả nhất các quy định mới của các quốc gia này./.