Đầu tư trạm dừng nghỉ: Loại bỏ suy nghĩ ‘bỏ tiền chẵn, thu tiền lẻ’

Nhà đầu tư tham gia đấu thầu trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc cần minh bạch hồ sơ dự thầu, đảm bảo các tiêu chí đấu thầu, năng lực để người dân thụ hưởng những dịch vụ tốt.

Trạm dừng nghỉ Xuân Khiêm được đầu tư với số vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng, trên khu đất diện tích rộng 3ha có nhiều tiện ích dịch vụ cung cấp cho người dân và du khách dừng chân. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Là một trong những trạm dừng nghỉ được đầu tư sớm nhất trên Cao tốc Bắc-Nam phía Đông, trạm dừng nghỉ Xuân Khiêm trên tuyến đường bộ Cao tốc Cao Bồ-Mai Sơn có thể là hình mẫu mà các trạm khác đang được đấu thầu nên cần hướng tới để du khách có điểm dừng chân trên dọc hành trình đất nước.

Phóng viên VietnamPlus đã có buổi trò chuyện với bà Đinh Thị Thu Hiền, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xuân Khiêm xung quanh vấn đề này.

Quảng bá sản vật, văn hóa vùng miền với khách dừng chân

– Cơ duyên nào bà lại “rót vốn” đầu tư vào làm trạm dừng nghỉ trên tuyến Cao tốc?

Bà Đinh Thị Thu Hiền: Với đam mê du lịch và đã đi rất nhiều nơi, dừng chân tại những trạm nghỉ không ít, nhưng những dịch vụ cho người tham gia giao thông không được đầy đủ, chưa nói đến việc đáp ứng nhu cầu cao hơn là điểm dừng chân của khách du lịch.

Với ước mơ đó, tôi đã lên ý tưởng xây dựng trạm dừng chân để người tham gia giao thông được hưởng những dịch vụ như khách sạn, sân bay, trong đó từ khâu vệ sinh, ăn nghỉ, mua sắm đều được đặc biệt chú trọng.

Với số vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng, trên khu đất diện tích rộng 3ha, ngoài khu vệ sinh, khu ăn uống, mua sắm, trạm dừng nghỉ Xuân Khiêm còn được thiết kế khu nhà nghỉ miễn phí cho những lái xe đường dài nghỉ ngơi trước khi bắt đầu chặng đường mới cho an toàn.

Đây sẽ là trạm dừng chân kiểu mẫu, tạo tiền đề để hình thành các trạm dừng nghỉ hiện đại trên hệ thống cao tốc của Việt Nam, để cho người tham gia giao thông được hưởng những dịch vụ tốt nhất.

– Nhiều ý kiến cho rằng trạm dừng nghỉ trên các tuyến đường là nơi giới thiệu sản phẩm đặc sản văn hóa vùng miền của mỗi địa phương. Bà nghĩ sao về việc này?

Bà Đinh Thị Thu Hiền: Trạm dừng nghỉ Xuân Khiêm không thu tiền mặt bằng mà hỗ trợ doanh nghiệp có mặt bằng để tiếp thị, bán sản phẩm với mức giá tốt nhất. Rất nhiều người muốn đưa sản phẩm đến nhưng mặt bằng có hạn nên chỉ ưu tiên hàng có chất lượng, giá thành tốt để quảng bá đặc sản 63 tỉnh thành đến người tiêu dùng, khách quốc tế.

Bình quân trạm đón 5.000 đến 18.000 khách/ngày, có những ngày cao điểm lên tới 50.000 người, không có chỗ chen chân, nên sự quảng cáo thương hiệu sản phẩm cho người dân và đặc biệt là khách quốc tế đi qua trạm rất nhiều được biết đến là rất tốt.

– Trải qua kinh nghiệm vận hành trạm dừng nghỉ và với những mặt hàng nông sản vùng miền giới thiệu và bày bán tới du khách, bà có nghĩ đến việc hãy phát triển du lịch nông nghiệp?

Bà Đinh Thị Thu Hiền: Sản phẩm hàng nông sản Việt Nam rất tốt nhưng nhiều nước không biết đến cũng một phần cách chúng ta chưa biết giới thiệu sản phẩm. Với vai trò nhà đầu tư trạm dừng nghỉ, tôi đồng hành cùng các doanh nghiệp với mong muốn ngành Du lịch đồng hành cùng vì đây là cơ quan quản lý Nhà nước có nghiệp vụ về thị trường khách, để cùng nhau đưa nông sản của bà con đến người tiêu dùng khách mua đông thì sẽ không lo đầu ra vì đã có kênh tiêu thụ.

Trạm dừng nghỉ Xuân Khiêm trên tuyến Cao tốc Cao Bồ-Mai Sơn với diện tích rộng 3ha, là nơi trưng bày, giới thiệu và bán nhiều mặt hàng nông sản trên cả nước. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Ngoài trạm dừng nghỉ, để đồng bộ hóa, chúng ta cần phải triển khai du lịch nông trường nông trại, du lịch trải nghiệm nông nghiệp để khách được mua sản phẩm tại chỗ, như tại trạm dừng nghỉ Xuân Khiêm, sản phẩm kẹo lạc, làm tại chỗ và khách được mục sở thị cách làm nên bán tốt và đưa lại doanh thu cao nhất ở đây.

Chúng ta đang đi từ ngọn chứ chưa đi từ gốc, phải xây dựng đất nước du lịch mà bắt đầu tất cả từ chính văn hóa, sản phẩm được giá hay không phải đưa vào câu chuyện kể để sản phẩm có giá trị. Mỗi một tỉnh hãy quy hoạch một trung tâm sản phẩm du lịch hoặc một trạm dừng chân trưng bày hàng nông sản của bà con, có nghĩa là đã có 2 điểm quảng bá sản vật địa phương và là nguồn tiêu thụ lớn cho các doanh nghiệp Việt góp phần tiêu thụ đầu ra cho bà con ngành nông nghiệp cũng như doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa.

Hiện tại, giữa các ngành Du lịch và Nông nghiệp vẫn đang đơn lẻ với nhau mà chưa có sự đồng hành gắn kết. Sản phẩm muốn lan tỏa, quảng bá phải qua kênh khách du lịch và lan tỏa là nhanh nhất.

Chọn được nhà đầu tư tốt để người dân hưởng lợi

– Giai đoạn tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ triển khai đấu thầu thêm hàng loạt các trạm dừng nghỉ trên tuyến Cao tốc Bắc-Nam, bà có kế hoạch tham gia đầu tư tiếp?

Bà Đinh Thị Thu Hiền: Với kinh nghiệm đầu tư và đã vận hành khai thác trạm Xuân Khiêm, tôi sẽ sẽ tham gia đấu thầu và phát triển thêm.

Trong đấu thầu cạnh tranh, ai cũng lo lắng thắng thầu, nhưng cạnh tranh sẽ đem đến dịch vụ tốt. Vì thế, nhiều nhà đầu tư tham gia và có sự minh bạch trong hồ sơ dự thầu tốt nhất, đảm bảo các tiêu chí đấu thầu, năng lực nhà thầu đồng thời Nhà nước hãy chọn lựa đúng đắn để người dân hưởng lợi.

– Với số tiền đầu tư trạm dừng nghỉ là tương đối lớn, bà có lo sợ thua lỗ thời gian đầu?

Bà Đinh Thị Thu Hiền: Chủ đầu tư phải có đầu óc kinh doanh với suy nghĩ cho đi, nhận lại và tâm đi trước, lợi nhuận đi sau. Nếu một người có tâm về nghề lỗ lãi thì không được tính toán từ đầu, nếu lãi luôn thì sẽ không có được dịch tốt như này. Nhà đầu tư nào có tâm trong kinh doanh mới có thể làm, đặc biệt phải trường vốn để xây dựng thương hiệu cho mình. Khi khách có niềm tin thì mới dùng dịch vụ và tiến tới có doanh thu.

Bà Đinh Thị Thu Hiền, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xuân Khiêm, nhà đầu tư trạm dừng nghỉ Xuân Khiêm trên tuyến Cao tốc Cao Bồ-Mai Sơn. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Là một người dân và với tư cách nhà đầu tư, tôi rất nuối tiếc nếu lựa chọn nhà đầu tư không đúng tầm thì người dân không được thụ hưởng. Do đó, cơ quan quản lý phải “sàng lọc” các nhà đầu tư dựa vào các tiêu chí đưa ra để chọn được nhà đầu tư tốt, có trách nhiệm.

– Nhà đầu tư lo ngại đầu tư trạm dừng nghỉ sẽ là bỏ tiền chẵn thu tiền lẻ và lâu thu hồi vốn. Bà suy nghĩ gì về thực tế này?

Bà Đinh Thị Thu Hiền: Ngày xưa có người nói tôi hâm dở khi “rót vốn” đầu tư trạm dừng nghỉ, nhưng đây là điều cực kỳ sai lầm. Nếu phục vụ tốt mà nhặt tiền đồng nhưng rất đều thì sẽ thành tiền chẵn.

Làm trạm dừng nghỉ phải có đam mê về du lịch, có tâm. Nếu kinh doanh chộp giật sẽ khó thành công bởi ban đầu sẽ lỗ mà không bao giờ có lãi. Nếu lỗ thì sẽ là cho thuê, “bán cái” để đút vào túi mình thì sẽ không bao giờ có dịch vụ tốt.

Cơ quan quản lý phải “sàng lọc” các nhà đầu tư trạm dừng nghỉ dựa vào các tiêu chí đưa ra để chọn được đơn vị có tầm, trách nhiệm. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Có nhiều trường hợp, khi hồ sơ mời thầu rất đẹp nhưng trúng thầu và đưa vào vận hành trạm dừng nghỉ quản lý lại quá kém, dẫn đến chất lượng dịch vụ đi xuống. Vì thế, Bộ Giao thông Vận tải phải có trách nhiệm để nhà đầu tư cam kết nếu trúng phải làm thật, không được phép bán thầu. Đơn vị trúng thầu phải theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn mà Nhà nước đưa ra.

– Sắp tới đấu thầu, bà có tính tới việc liên danh với nhà đầu tư khác hay không?

Bà Đinh Thị Thu Hiền: Tôi sẽ không liên doanh với nhà đầu tư khác vì phải ăn chia lỗ lãi. Ngay dự án này, tôi phải thuyết phục chồng cho 2 năm vận hành dự án mà không thể có lợi nhuận được do đầu tư cơ sở vật chất, bộ máy vận hành, chưa có khách do nhiều người vẫn quan niệm trạm dừng chân là chỉ đi vệ sinh và lên xe đi tiếp chứ không mua sắm. Do đó, trạm dừng nghĩ điều đầu tiên vẫn là cần phải xây dựng thương hiệu.

Tôi kiên trì 2 năm nay kinh doanh để khẳng định thương hiệu của mình và dần dần đã thành công. Đến nay, trạm cũng đã bắt đầu có lợi nhuận vì tốc độ phát triển nhanh do lượng khách đến đông và thương hiệu trạm dừng nghỉ Xuân Khiêm ngày càng được nhiều người đi đường biết tới.

– Xin cảm ơn bà về buổi trò chuyện./.

Theo Báo Vietnam+