Chuyên gia cho rằng, dù giá vàng quốc tế được dự báo còn triển vọng tăng thời gian tới, tuy nhiên mua vàng trong nước thời điểm hiện tại rất rủi ro. Lý do chính là bởi sự không chắc chắn về chính sách quản lý thị trường và diễn biến giá vàng trong thời gian tới.
Giá vàng có thể tiếp tục leo thang
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, nguyên nhân khiến giá vàng tăng không ngừng thời gian qua là do chịu tác động của giá vàng thế giới. Cụ thể, khi giá vàng quốc tế vượt mức 2.700 USD/ounce gần đây, giá vàng miếng trong nước cũng tăng vọt lên 87-89 triệu đồng/lượng.
Điều này cho thấy tình trạng “đứt gãy” giữa thị trường vàng trong nước và quốc tế, với mức giá nội địa luôn cao hơn. Bất chấp thị trường vàng Việt Nam đã được kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt với vàng miếng SJC.
Đối với vàng nhẫn, mặt hàng cũng đang ở giai đoạn biến động tăng cao theo giá quốc tế, do giá vàng nhẫn không bị kiểm soát.
“Nhưng nếu giá vàng nhẫn quá “sốt” nóng, tác động đến kinh tế vĩ mô, thì Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ đưa vào diện kiểm soát”, ông Hiếu nói.
Cũng theo vị chuyên gia này, nếu giá vàng thế giới tiếp tục tăng mạnh, giá vàng trong nước có thể còn leo thang, đặc biệt là vàng nhẫn vốn không được kiểm soát chặt chẽ như các loại tài sản khác.
Với tình hình căng thẳng địa chính trị trên thế giới, nhất là ở Trung Đông và châu Âu, cùng với sự bất ổn từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, nhà đầu tư vẫn tiếp tục xem vàng là kênh trú ẩn an toàn. Đẩy giá vàng toàn cầu có khả năng đạt 2.800 USD/ounce vào cuối năm và không loại trừ khả năng lập đỉnh 3.000 USD/ounce trong năm tới.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân nữa đẩy giá vàng trong nước tăng cao là do khan hiếm nguồn cung trong khi nhu cầu mua vàng của người dân ngày càng tăng.
Ông Hiếu cho biết, hiện tượng khan hiếm vàng miếng, vàng nhẫn thời gian qua có thể xuất phát từ việc nhiều người vẫn đang găm giữ vàng chưa bán ra, chờ giá lên cao hơn để bán. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước chưa có động thái nào cho phép các doanh nghiệp kinh doanh vàng được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu. Điều này đã diễn ra hơn 10 năm qua. Ngoài ra, việc cơ quan công an triệt phá nhiều đường dây vàng lậu nên nguồn cung vàng nguyên liệu trên thị trường rất khan hiếm.
Đầu tư vàng hiện tại rất rủi ro
Dưới góc độ đầu tư, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, dù giá vàng quốc tế được dự báo còn triển vọng tăng thời gian tới, tuy nhiên mua vàng trong nước thời điểm hiện tại rất rủi ro. Lý do chính là bởi sự không chắc chắn về chính sách quản lý thị trường vàng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới.
“Đầu tư vào vàng ở thị trường trong nước hiện nay rủi ro cao, nên các nhà đầu tư và cá nhân cần thận trọng. Nếu có nhu cầu về vàng thì nên mua ít, không nên “bỏ trứng vào một giỏ”, kể cả khi dự báo giá vàng thế giới còn tăng. Thị trường vàng trong nước và quốc tế lâu nay không được liên thông, đồng thời giá vàng SJC đang được kiểm soát, cung luôn thấp hơn cầu”, ông Hiếu cảnh báo.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cho biết, đối với những nhà đầu tư nhanh nhạy, linh hoạt và mua để “lướt sóng” trong thời điểm xáo trộn như thế này càng thấy lời nhiều. Tuy nhiên, giá vàng hiện nay đang rất cao và biến động khó lường. Như vậy, nếu người mua không có đủ kiến thức, kinh nghiệm để đầu tư lớn nên cẩn trọng, suy nghĩ kĩ trước khi thực hiện các hành vi mua bán vàng.
Ngoài ra, nếu mua vàng miếng hoặc vàng nhẫn, nên mua ở các kênh chính thức, tránh mua bán trên thị trường tự do – thị trường không chính thức, không có hóa đơn mua bán, sẽ có thể gặp rủi ro.
Tương tự, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, vàng nhẫn trơn trước đây thường được mua để làm quà biếu, tặng nhưng nay nhiều người tìm mua để tích lũy tài sản. Tuy nhiên, thời điểm này giá vàng đang tăng cao, khó dự đoán, khi lên quá cao có thể tạo ra bong bóng rồi lao dốc. Do đó người dân không nên mua bán vàng số lượng lớn.
“Với người mua, nếu mua giá đang quá cao, khó tránh khỏi tâm lý hùa theo đám đông. Với người bán, vàng nhẫn đang khan hiếm nên có thể bây giờ bán ra nhưng sẽ khó mua vào sau này”, ông Thịnh cho hay.