Phát triển khoa học công nghệ đang là chiến lược then chốt để doanh nghiệp cạnh tranh vị thế, tạo nên kịch bản phát triển mới.
Phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi gặp mặt trao đổi với ông Trần Xuân Phong – Giám đốc Công ty Sản xuất và Dịch vụ LeanMac – một trong những doanh nghiệp về lĩnh vực thiết kế, chế tạo máy móc tự động hoá, băng tải, giá kệ và xe kéo/đẩy hàng.
– Ông nhìn nhận ra sao về sự phát triển và chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp công nghệ nhỏ và vừa hiện nay tại Hải Phòng?
Hải Phòng với đặc thù là một thành phố Cảng, với nền công nghiệp cơ khí phát triển rất lâu đời. Nơi đây cũng được đánh giá là một trong những địa phương thu hút đầu tư nước ngoài top đầu cả nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Hải Phòng cũng chưa tận dụng tốt được các cơ hội này và đang chịu cảnh đứng ngoài cuộc chơi rất là nhiều.
Theo tôi đánh giá, trình độ khoa học công nghệ của một số doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Hải Phòng thuộc mức thấp so với khu vực. Đa phần các chuỗi cung ứng khi các doanh nghiệp đầu tư đến đây đều nằm trong tay các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc. Trong khi đó, các doanh nghiệp tại Hải Phòng lại đang hoạt động ở các lĩnh vực cung cấp các dịch vụ bảo vệ, vệ sinh, suất ăn công nghiệp, văn phòng phẩm. Một số doanh nghiệp Việt mới bắt đầu tham gia vào cung ứng cho chuỗi sản xuất thôi, tuy nhiên số lượng vẫn còn rất hạn chế.
– Trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang ngày càng bùng nổ, doanh nghiệp công nghệ nhỏ và vừa như LeanMac sẽ gặp những khó khăn như thế nào để cạnh tranh được trên thị trường, thưa ông?
Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hải Phòng nói chung và LeanMac nói riêng vẫn đang loay hoay trong bài toán con gà có trước hay quả trứng có trước. Khi chúng tôi không đầu tư máy móc, công nghệ mới sẽ không có đơn hàng. Khi có đơn hàng, các nhà đầu tư sẽ đặt câu hỏi ngược lại về máy móc, thiết bị của chúng tôi đâu? Các doanh nghiệp công nghệ vừa và nhỏ tại Hải Phòng vẫn chưa vượt qua được ngưỡng đó. Tôi nghĩ, các doanh nghiệp sẽ cần phải thay đổi cách tiếp cận, để làm sao mà chúng ta có được các công nghệ, máy móc phù hợp, sẵn sàng gia nhập vào chuỗi sản xuất của “những người khổng lồ”.
– Để thực hiện trao đổi, mua bán các máy móc, công nghệ cao, đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa như ông, mức chi phí bỏ ra liệu có quá sức?
Các chi phí bỏ ra, nhất là chi phí R&D rất là cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa gần như không đủ sức và hầu như không nghĩ đến việc đó. Chính vì vậy, tôi đề xuất một cách tiếp cận khác, thay vì chúng ta đi mua công nghệ thì sẽ liên kết với các doanh nghiệp đã đi trước như Nhật Bản, Đài Loan… Họ cung cấp cho chúng tôi các kinh nghiệm, máy móc, công nghệ, còn chúng tôi sẽ cung cấp mặt bằng, con người, quản lý để tạo ra một dây chuyền sản xuất, phối hợp nhịp nhàng, công bằng giữa hai bên.
Đây sẽ là một cách chuyển giao công nghệ hiệu quả khi các doanh nghiệp Việt Nam được tận mắt nhìn, trải nghiệm máy móc công nghệ đó, được học hỏi, tự chủ thay vì mua bán 100%.
– Vậy LeanMac đã có những bài toán nào để nhanh chóng giải quyết tình trạng này, thưa ông?
Chúng tôi đang thực hiện 2 cách. Thứ nhất, chúng tôi sẵn sàng nghiên cứu thị trường và đầu tư trước một số công nghệ để chào hàng. Khi đối tác thấy doanh nghiệp có đầy đủ năng lực sản xuất thì sẽ chủ động đặt hàng. Ngoài ra, chúng tôi cũng cố gắng liên kết vùng, liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương để tạo thành một khối thống nhất, thành lập các hiệp hội về cơ khí, hiệp hội về công nghiệp bổ trợ… để có thể chia sẻ năng lực, kinh nghiệm của nhau. Từ đó, chúng tôi có thể tự tin hơn trong việc trao đổi, tìm kiếm, chào hàng với các doanh nghiệp nước ngoài khi đặt chân đến TP Hải Phòng.
– Việc hợp tác, trao đổi mua bán công nghệ với các đối tác nước ngoài nên được thực hiện ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ ra sao, thưa ông?
Như tôi đã chia sẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản có rất nhiều công nghệ phù hợp với doanh nghiệp Việt Nam. Các công nghệ của họ theo tôi chỉ hơn chúng ta một vài bậc và rất dễ để các doanh nghiệp công nghệ vừa và nhỏ của Việt Nam tiếp cận. Thông qua các buổi kết nối, xúc tiến đầu tư, tôi cũng muốn kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ vừa và nhỏ Nhật Bản nói riêng và doanh nghiệp công nghệ trên toàn thế giới nói chung sẽ đến đây hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, công nghệ, hình thành liên doanh liên kết thay vì đầu tư 100% vốn. Đây cũng là cách giúp chúng tôi thẩm thấu được công nghệ, dần dần có thể tự chủ và chinh phục các sản phẩm khó hơn nữa trong tương lai.
– Trân trọng cảm ơn ông!