Để “Rồng xanh – Sông Sài Gòn” là một tác phẩm mỹ thuật và văn hóa

Thành phố đã có quy hoạch sông Sài Gòn từ lâu, nhưng mang nét kế thừa từ quy hoạch cũ từ trước 1975, quy hoạch đến nay không còn phù hợp. Cần có quy hoạch định hình những giá trị của sông Sài Gòn và đề xuất những giải pháp huy động nguồn lực xã hội để khai thác hiệu quả sông Sài Gòn, được ví như một chương trình đánh thức “Rồng xanh Sài Gòn”.

Không gian trưng bày triển lãm

Xây dựng các nhà triển lãm thường xuyên cho các sự kiện hay những dịp kỷ niệm trong đại, kết hợp cùng khu vực gallery dành cho họa sĩ chuyên nghiệp. Đặc biệt nên có những khu vực như khu Montmartre (Pháp) nơi nghệ thuật dành cho cộng đồng được thể hiện một cách tuyệt vời. Làm sao để du khách đến TP.HCM nếu muốn vẽ hoặc vẽ bức chân dung của mình, hãy đến các gallery dọc sông Sài Gòn. Nơi này có hàng chục người vẽ chuyên nghiệp và họa sĩ vẽ tranh biếm họa sẽ rất vui được dành một chút thời gian thể hiện chân dung du khách trên tranh trước khi họ rời Thành phố. Chưa kể, từ Bến Bạch Đằng trong vòng bán kính chưa đến 2km nối Phố đi bộ Nguyễn Huệ, và khu vực quận 1, quận 3 – nơi có Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM và hàng chục gallery nổi tiếng, du khách yêu nghệ thuật sẽ dễ dàng tham quan và tìm hiểu mỹ thuật Thành phố, mua sáng tác trong thời gian ngắn.

Cần tôn tạo và xây dựng thêm các tượng đài mang tính đương đại và ấn tượng. Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM quy hoạch, đặt và bố trí các tượng (đá, đồng, sắt…) nghệ thuật hai bên bờ sông.

Nên có kế hoạch công bố các địa điểm check-in du lịch, tham quan mỹ thuật cần đến trên toàn Thành phố, thông qua mạng xã hội Facebook, Instagram, Google Map. Hội Mỹ thuật, Hội Nhiếp ảnh Thành phố nên tổ chức các cuộc thi sáng tác vẻ đẹp Thành phố và trưng bày thường xuyên trong các nhà triển lãm ven sông.

Không gian sáng tác nghệ thuật kết hợp du lịch

Tôi còn nhớ, gần 20 năm trước, ngôi làng Hàm Long khu Thạnh Mỹ Lợi tại quận 2 với cảnh sông nước hữu tình đã trở thành chốn đi về của nhiều họa sĩ đất Sài thành. Thế đất vừa kề bên sông nước thơ mộng, vừa cách xa thành phố ồn ào náo nhiệt. Mỗi họa sĩ mang một phong cách riêng, nhưng gặp nhau ở sự đồng điệu của những tâm hồn đam mê nghệ thuật. Trên dải đất với diện tích chưa tới 10ha, các họa sĩ cùng nhau tạo nên một không gian văn hóa đặc trưng với những ngôi nhà mang đậm bản sắc văn hóa 3 miền Bắc – Trung – Nam. Mỗi ngôi nhà có một lối thiết kế riêng độc đáo, có cả những ngôi nhà sàn dân tộc, nhà mồ Tây Nguyên giữa TP.HCM… là nơi sáng tác tranh của các họa sĩ nổi tiếng như Lý Khắc Nhu – Hoài Hương, cố họa sĩ Nguyễn Thanh Châu….

Mục đích ban đầu của các nghệ sĩ ở đây là tạo ra một không gian sáng tác lý tưởng. Nhưng dần dà nét độc đáo, thú vị của ngôi làng đã thu hút sự quan tâm của nhiều du khách có thể tới đây thoải mái thưởng ngoạn vừa mua tranh hoặc tham gia học lớp sáng tác ngắn ngày (workshop) do các họa sĩ nổi tiếng truyền đạt. Tại khu nhà sàn xứ Mường của họa sĩ Bạch Trường Sơn, anh em cầm cọ chúng tôi đã có những cuộc triển lãm tranh thật đáng nhớ! Một du khách Đài Loan (Trung Quốc) đã chia sẻ: “Giữa một đô thị phồn hoa mà có thể bảo tồn được không gian nghệ thuật có giá trị như làng họa sĩ Hàm Long thật đáng quý. Tôi nghĩ đây là niềm tự hào của TP.HCM”. Từ mô hình làng họa sĩ Hàm Long chúng ta có thể nhân rộng ra chăng?

Khi có dịp tham quan dọc theo bờ sông Sài Gòn, ta có thể thấy nhiều khu vực rộng lớn của các công ty bật động sản rộng lớn với hàng trăm căn biệt thự bề thế. Chính quyền có thể vận động họ tham gia việc “Xã hội hóa phát triển Mỹ thuật nước nhà” bằng cách có thể dành một căn cho các anh em họa sĩ, nhà điêu khắc hay hội viên mỹ thuật làm trại sáng tác (thay vì đi rất xa ở các tỉnh bạn). Đổi lại các họa sĩ sẽ tặng lại các sáng tác (tranh, tượng…) để trang trí các căn biệt thự. Lâu ngày các công ty sẽ có bộ sưu tập tranh đáng giá của nhiều cây cọ Thành phố.

Nên tổ chức các tour tham quan các công trình, kiến trúc nghệ thuật, lịch sử văn hóa như hệ thống cảnh quan sinh thái các xã đảo Cần Giờ, Di tích lăng Ông Nam Hải ở Cần Thạnh (Cần Giờ), Di tích Nhà lớn Long Sơn (Vũng Tàu) hoặc Khu sinh thái Thiềng Liềng (Thạnh An), Chùa cổ Hội Sơn (Phật giáo Bắc Tông) và Chùa Bửu Long (Phật giáo Nam tông), Đình thần Nguyễn Hữu Cảnh, Chùa Đại Giác, Miếu Quan Đế, các làng nghề gốm sứ…

Saigon Bus nên tổ chức thường xuyên những chuyến đi tham quan và vẽ trong ngày. Đưa họa sĩ nhà xuống một khu vực cho họ sáng tác, chiều đưa về. Lâu ngày có tuyển tập tranh quý giá về thành phố thân thương.

Không gian tổ chức nghệ thuật sắp đặt kết hợp cùng các chương trình sân khấu cải lương, đờn ca tài tử…

Giữa dòng sông Sài Gòn, có thể là địa điểm của những công trình khổng lồ gây ấn tượng thị giác cho với du khách ngay từ lần đầu nhìn thấy. Còn nhớ cuối tháng 4/2014, với thông điệp “Lan tỏa niềm vui cho thế giới quanh ta”, Giant Rubber Duck – chú vịt vàng khổng lồ nổi tiếng thế giới của nghệ nhân Florentijn Hofman (người Hà Lan) đã ghé Hồ Bán nguyệt – địa điểm thứ 16 trong chuyến hành trình của mình. Trong hơn một tháng ghé thăm TP.HCM, chú vịt vàng khổng lồ ở đã thật sự tạo nên một trào lưu, một hiện tượng mới đối với giới trẻ và người dân nơi đây, cũng như tạo ra được một địa điểm vui chơi thú vị cho Khu dân cư Phú Mỹ Hưng nổi tiếng này. Ta có thể thực hiện biểu tượng hình ảnh của Nam bộ (búp sen chẳng hạn) khổng lổ và đặt trên sông sẽ là hoạt động thú vị và thu hút nhiều du khách.

Hình thành tổ chức một sân khấu đờn ca tài tử và các làn điệu dân ca, giới thiệu nghệ thuật cải lương, tuồng cổ Khu vực Khánh Hội với quy mô đầu tư âm thanh, ánh sáng, trang trí cho xứng tầm một trung tâm nghệ thuật trở thành điểm sản phẩm phục vụ du lịch. Ngoài ra nên có các show nghệ thuật toàn cảnh tái hiện lịch sử, biểu diễn định kỳ. Hai bên chân cầu có điểm dừng, cầu dẫn bộ để khách lên bờ, hòa mình vào các hoạt động đường phố.

Tôi luôn hy vọng không gian mỹ thuật ven sông Sài Gòn cùng với du lịch đường sông sẽ có nhiều bước khởi nhịp mới làm nền sức bật phát triển để TP.HCM không chỉ được biết đến là một trung tâm kinh tế văn hóa, du lịch quốc gia mà còn là một điểm sáng của mỹ thuật nước nhà.

Theo Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn