Cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, cần có cơ chế khuyến khích áp dụng mô hình kinh doanh sản xuất hướng đến carbon thấp và ưu đãi thuế với hàng hoá ít phát thải
Chuyển đổi xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu đang là xu hướng phát triển chính của doanh nghiệp trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Theo ông Nguyễn Sỹ Linh – Trưởng ban Biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu của Viện Chiến lược chính sách tài nguyên môi trường, doanh nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu thể hiện trên 2 khía cạnh.
Thứ nhất, doanh nghiệp thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, nhất là thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng thông qua điều chỉnh kế hoạch sản xuất, xây dựng hạ tầng giúp doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh hơn, duy trì sản xuất không bị gián đoạn.
Thứ hai, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu giảm phát thải khí nhà kính theo các quy định của Việt Nam và quốc tế. Việc giảm phát thải khí nhà kính được doanh nghiệp thực hiện từ tự nguyện sang bắt buộc. Theo ông Nguyễn Sỹ Linh, sự chuyển dịch cần có thời gian, nỗ lực của doanh nghiệp bởi đó là xu hướng quốc tế, không thể đảo ngược.
Doanh nghiệp tiên phong đầu tư để thích ứng với tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu cũng như đáp ứng yêu cầu của thị trường, nhất là yêu cầu giảm dấu chân carbon, giảm phát thải khí nhà kính thông qua sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng; quy trình sản xuất ít phát thải hay hướng đến carbon thấp chính là doanh nghiệp đang tự tạo ra thêm cơ hội phát triển cho mình.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Văn Tâm – Phó Chánh văn phòng Biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần nhìn nhận đây là cơ hội lớn để đầu tư thích đáng cho chuyển đổi. Sự chuyển đổi này có thể khiến doanh nghiệp gặp một số thách thức về vốn, công nghệ chuyển đổi năng lượng. Tuy nhiên, cơ hội nhận được cũng rất lớn.
Doanh nghiệp tiên phong sẵn sàng đầu tư sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường và tạo cho mình con đường phát triển thuận lợi hơn. Hơn nữa, chuyển dịch xanh sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn xanh dễ dàng hơn. Ngược lại, khi dấu vết carbon còn để lại quá nhiều trong hàng hoá sản phẩm khó tiếp cận khách hàng và mất đi cơ hội về thị trường, đầu tư…
Trước những khó khăn, thách thức doanh nghiệp có thể gặp phải khi thực hiện chuyển đổi xanh, ông Nguyễn Sỹ Linh cho rằng, doanh nghiệp lớn có lợi thế nhất định nhưng không có nghĩa là các doanh nghiệp khác không có lợi thế. Quan trọng nhất, doanh nghiệp cần xây dựng lộ trình và cách thức chuyển đổi phù hợp.
Cụ thể, tuỳ từng loại hình doanh nghiệp ở các ngành nghề, quy mô khác nhau xác định ưu tiên, có chiến lược định hướng phù hợp để vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh vừa đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế. Chẳng hạn, doanh nghiệp sản xuất sử dụng nhiều năng lượng, lộ trình chuyển dịch năng lượng theo hướng vừa sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả vừa chuyển đổi nguồn năng lượng sử dụng từ nhiệt điện than, phát thải lớn sang năng lượng tái tạo.
Với doanh nghiệp trong nước tuy không sử dụng quá nhiều năng lượng nhưng ở những khu vực dễ chịu tác động của biến đổi khí hậu, chịu rủi ro từ thời tiết cực đoan cần xem xét chuyển đổi quy trình sản xuất, mô hình sản xuất, xây dựng nhà xưởng thích ứng.
Với doanh nghiệp trong chuỗi nông sản như lúa gạo, cà phê, ca cao cần cập nhật yêu cầu của thị trường và các quy định phát triển bền vững để đảm bảo hồ sơ, vùng nguyên liệu sản xuất đáp ứng được.
Bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, để doanh nghiệp mạnh dạn hơn trong đầu tư, các chuyên gia cho rằng, rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc cung cấp thông tin, chính sách toàn cầu ảnh hưởng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn đầu thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính để doanh nghiệp biết rõ trong khâu nào, công đoạn nào phát thải nhiều, từ đó có giải pháp thích ứng.
Có cơ chế khuyến khích áp dụng mô hình sản xuất hướng đến carbon thấp, mô hình kinh doanh ít phát thải cho doanh nghiệp; thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Trong thời điểm hiện nay cần ưu đãi thuế với hàng hoá dịch vụ được sản xuất theo phương thức carbon thấp, ít phát thải.