Để xuất khẩu hàng dệt may sang Canada tăng trưởng bền vững, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần có chiến lược giảm phát thải carbon, sử dụng nguyên liệu dệt may tái chế…
Hiện nay, dệt may là sản phẩm của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 2 trên thị trường Canada.
Theo số liệu của Canada, kim ngạch hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này năm 2021 đạt khoảng 1,2 tỷ USD, tăng 40,8% trong giai đoạn 2018-2022 và là một trong số rất ít quốc gia có tốc độ tăng trưởng kim ngạch cao như vậy.
Nhờ tận dụng tốt Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Canada có thể đạt tới 1,5 tỷ USD trong năm 2022.
Tuy nhiên, theo bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán Thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Canada, để xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Canada tăng trưởng bền vững, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần có chiến lược giảm phát thải carbon và sản xuất tuần hoàn, sử dụng nguyên liệu dệt may tái chế và sử dụng năng lượng tiết kiệm, năng lượng sạch.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần cập nhật các hệ chứng chỉ mới trong ngành dệt may và tuân thủ chế độ báo cáo theo quy định của khách hàng.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Ottawa, bà Trần Thu Quỳnh cho biết Thương vụ Việt Nam đang triển khai cách tiếp cận thị trường hướng đến quảng bá năng lực sản xuất hàng dệt may bền vững và tuần hoàn của Việt Nam và lựa chọn doanh nghiệp có chứng chỉ LEED (hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về thiết kế đạt chuẩn hàng đầu về năng lượng và môi trường) để giới thiệu với đối tác Canada.
Trung bình mỗi năm Canada có khoảng 60.000 tấn rác thải dệt may. Quần áo cũ thải loại chiếm khoảng 7% trong tổng lượng rác thải nhựa của Canada, là nguồn rác thải nhựa lớn thứ 3 sau bao bì và xe ôtô cũ.
Trong nỗ lực giảm rác thải nhựa và phát thải CO2, Canada đang hướng đến phát triển ngành thời trang và dệt may tuần hoàn, bền vững.
Nghiên cứu mới đây của tổ chức Fashion Takes Action Canada cho thấy, Canada có đủ năng lực và nguồn đầu vào để phát triển ngành công nghiệp dệt may tái tạo.
Trong thời gian tới, Canada sẽ xây dựng các cơ chế để giảm rác thải dệt may, trong đó có việc yêu cầu các thành phố phải thực hiện thống kê bắt buộc rác thải dệt may và thực hiện phân loại rác thải dệt may.
Bên cạnh đó, các cửa hàng (nhãn hàng) có trách nhiệm xây dựng các chương trình thu đổi quần áo cũ tại cửa hàng trong khuôn khổ chương trình EPR (Chương trình trách nhiệm người sản xuất mở rộng).
Luật ghi nhãn mác hàng dệt may cũng sẽ được sửa đổi nhằm khuyến khích hàm lượng sợi tái chế thay vì ghi “chỉ có vật liệu mới” và có cơ chế khuyến khích về thuế đối với các sản phẩm dùng sợi tái chế.
Có thể khẳng định xu hướng “xanh hóa” ngành dệt may là tất yếu, buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực triển khai để phát triển bền vững.
Đáng chú ý, với nhu cầu đa dạng hoá nguồn cung của Canada, các thị trường Ấn Độ, Indonesia và Sri Lanka đang nổi lên như là các đối thủ cạnh tranh rất mạnh nhờ năng lực hoàn thiện các mặt hàng có độ khó cao.
Đây cũng là một thách thức nữa đối với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.
Tại hội chợ tìm nguồn cung hàng dệt may diễn ra ở Trung tâm hội nghị Toronto (Canada) trong thời gian từ ngày 7-9/11, gian hàng của Việt Nam đã cung cấp cho các đối tác quốc tế cái nhìn tổng quan về nền dệt may Việt Nam hướng đến đổi mới công nghệ và thân thiện với môi trường; đồng thời khuyến khích các nhãn hàng dệt may lớn của thị trường Bắc Mỹ quan tâm đến các cơ hội mà CPTPP mang lại trong việc kết nối sản xuất và chuỗi cung ứng hàng dệt may với thị trường Việt Nam.
Đây là hội chợ lớn nhất khu vực Bắc Mỹ, được tổ chức luân phiên hàng năm tại Toronto và Miami, và cũng là hội chợ hàng dệt may đầu tiên được tổ chức lại tại Bắc Mỹ kể từ năm 2019.
Tại hội chợ, Thương vụ Việt Nam cũng có buổi làm việc với Chủ tịch Liên đoàn Dệt may Canada để trao đổi các hướng hợp tác giữa Canada với Việt Nam trong lĩnh vực dệt may tái chế, đào tạo chuyển đổi sản xuất tuần hoàn cho các doanh nghiệp Việt Nam và tổ chức các đoàn khách mua hàng vào Việt Nam.
Sau đại dịch, với việc mở cửa hoàn toàn trở lại, nhu cầu nhập khẩu của Canada đối với các sản phẩm dệt may tăng mạnh so với năm 2021.
Tổng quy mô thị trường Canada đạt khoảng 5-6 tỷ USD/năm đối với nhóm các sản phẩm may mặc dệt kim và 4-5 tỷ USD đối với nhóm các sản phẩm may mặc không dệt kim.
Theo các chuyên gia trong ngành, dư địa để Việt Nam – “cường quốc dệt may” của thế giới – có thể tăng xuất khẩu vào thị trường này còn khá lớn, mặc dù áp lực cạnh tranh cũng sẽ không nhỏ./.
Theo Vietnamplus