Di sản công nghiệp – Nguồn lực tiềm năng cho hoạt động sáng tạo

Biến các cơ sở sản xuất công nghiệp cũ thành các không gian sáng tạo không còn mới ở các nước trên thế giới và ở Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung bước đầu đã xuất hiện. Với hạ tầng cơ sở mang tính đặc thù, cùng với những giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc biểu trưng cho công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế một thời của nước ta, các cơ sở công nghiệp cũ tại Hà Nội chính là những nguồn lực quý giá cho việc chuyển đổi thành các không gian sáng tạo, kết nối cộng đồng sáng tạo, phục vụ nhu cầu thụ hưởng văn hóa tinh thần của nhân dân.

Cơ hội cho việc hình thành các không gian sáng tạo

Tại các đô thị lớn ở Bắc Mỹ và châu Âu, nhiều  cơ sở công nghiệp bị đóng cửa vào những năm 60 của thế kỷ trước. Thay vì phá bỏ, người ta đã chuyển đổi thành những không gian sáng tạo, thu hút đông khách tới tham quan. Có thể kể đến như: Trạm cứu hỏa tại Kortrijk, Bỉ – tòa nhà được xây dựng vào năm 1940 và được xếp hạng là di sản thành phố vào năm 2003, mới đây đã được biến đổi thành nhà cộng đồng tại địa phương, nơi người dân có thể gặp gỡ, sinh hoạt, trao đổi sáng kiến giúp phát triển khu vực. Hay, công trình Zeche Zollverein (North Rhine-Westphalia, Đức) từ mỏ than công nghiệp chuyển thành công viên văn hóa đa năng; Nagasaki Shipyard Museum (Nagasaki, Nhật Bản) từ bến tàu cảng công nghiệp chuyển đổi thành bảo tàng lịch sử công nghiệp; hay xưởng đóng tàu cũ FRAC Nord-Pas de Calais (Pháp) được chuyển đổi thành phòng trưng bày nghệ thuật đương đại FRAC…

Trạm cứu hỏa cũ tại Bỉ được cải tạo thành nhà cộng đồng

Hà Nội có hơn 100 cơ sở sản xuất công nghiệp nằm trong diện di dời ra khỏi nội đô. Theo ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội (HUPI): Trong quá trình đô thị hóa, các cơ sở công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân và cản trở phát triển đô thị. Trong quá trình di dời, đối với những công trình xây dựng có giá trị về lịch sử, văn hóa và kiến trúc, công tác bảo tồn, phục chế tôn tạo theo quy định của Luật Di sản văn hóa cần được triển khai, ưu tiên sử dụng các công trình này cho các mục đích công cộng.

Đây là nguồn lực tiềm năng cho việc chuyển đổi, xây dựng thành các không gian sáng tạo, một cơ hội lớn để giúp phát triển nền kinh tế văn hóa của thành phố, tạo ra dịch vụ, sản phẩm mới và thu hút đầu tư, tạo ra việc làm, góp phần vào chiến lược phát triển công nghiệp văn hoá Thủ đô, hướng đến phát triển bền vững. Không những vậy, cơ hội về một hệ sinh thái mở cho các các doanh nghiệp lớn nhỏ, các đơn vị tổ chức sự kiện, các tổ chức xã hội hợp tác cùng phát triển đem lại tiềm năng về một nền kinh tế bền vững.

Điều quan trọng, việc thay đổi nhận thức của các chủ sở hữu các cơ sở công nghiệp trong việc biến cơ sở công nghiệp cũ thành các không gian sáng tạo đó cần được quan tâm. Bởi thực tế, nhiều chủ cơ sở lựa chọn lợi ích trước mắt là xây dựng các chung cư, trung tâm thương mại khi di dời ra khỏi nội đô hơn là xây dựng thành các không gian cộng đồng.

Không gian sáng tạo trên nền các nhà máy cũ

Trên thực tế, mô hình tái thiết công xưởng, nhà máy trở thành không gian hiện đại, sáng tạo đã được thực hiện thành công và đem lại những tác động tích cực tới cộng đồng tại địa phương. Các tổ hợp sáng tạo được nhiều người Hà Nội quen thuộc như: Complex 01, 282 Design, Zone9, Hanoi Creative City … là những minh chứng cho sự chuyển đổi thành công này. Các tổ hợp sáng tạo của thành phố như Complex 01 vốn là Nhà máy in Công đoàn, 282 Design được tái thiết từ Nhà máy Mũ cối, hay Trung tâm văn hóa Pháp được xây trên nền Nhà máy in Báo Nhân dân cũ, tổ hợp Zone9 hình thành từ cơ sở sản xuất của xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 2… Tuy có tổ hợp còn tồn tại, có tổ hợp tạm dừng hoạt động do các yếu tố khách quan, song có thể khẳng định hiệu quả hoạt động của các không gian sáng tạo được cải tạo từ cơ sở công nghiệp cũ là không thể phủ nhận.

Không gian 282 Design với thiết kế mới lạ, độc đáo nhưng rất hài hòa và thân thiện. Không gian này chia làm nhiều khu, trong đó, khu chia sẻ sáng tạo được thiết kế thành nhiều công năng: Nơi nói chuyện về sáng tạo; nơi triển lãm hội họa; nơi tổ chức hoạt động vui chơi sáng tạo… Đặc biệt, các hạng mục được thiết kế tại đây đều sử dụng vật liệu tái chế như: Cánh cửa gỗ mà người dân bỏ đi, lưới sắt của chủ đầu tư cũ bỏ lại, rồi cả sỏi, đá, thép, gỗ… cũng đều là phế liệu. Kiến trúc sư Phạm Thanh Huy, người sáng lập 282 Design chia sẻ: “nhận thấy Hà Nội còn thiếu các không gian sáng tạo nên đội ngũ kiến trúc sư tại đây đã quyết định sử dụng một phần địa điểm này biến thành không gian sáng tạo”. Chính hướng đi mới mẻ này đã tạo sự hấp dẫn cho 282 Design, biến không gian này đã trở thành điểm hẹn của nhiều nghệ sĩ cùng các bạn trẻ Hà Nội.

Hay Tổ hợp Complex 01 được thiết kế, đáp ứng các chức năng đa dạng của tổ hợp nhưng vẫn mang hơi hướng của một nhà máy cũ, với những lớp gạch xù xì, cầu thang sắt thô ráp và gam màu trầm. Complex 01 được chia làm nhiều khu vực: Khu thương mại, khu tổ chức sự kiện, khu hội họp, khu trải nghiệm các hoạt động sáng tạo… Bên cạnh đó, Complex 01 còn tổ chức các sự kiện về văn hóa, thường xuyên hỗ trợ các hoạt động về khởi nghiệp, hoạt động phục vụ thiện nguyện phục vụ cộng đồng. Không chỉ những ngày tổ chức các sự kiện văn hóa, sáng tạo mà ngày thường, Complex 01 cũng thu hút nhiều bạn trẻ đến tham quan, trải nghiệm.

Tổ hợp Complex 01 được xây dựng trên nền Nhà máy in Công đoàn cũ

Những tổ hợp này không chỉ đóng góp vào nỗ lực bảo tồn các di sản của thủ đô giàu tính lịch sử, bản sắc văn hóa trong kiến trúc mà còn tạo ra điểm nhấn mới về thiết kế, sáng tạo giữa lòng thành phố. Bên cạnh đó, những không gian này tạo cơ hội cho người dân tham gia vào nhiều hoạt động như mua sắm, giải trí, học tập, làm việc, … nhanh chóng trở thành điểm đến yêu thích của giới trẻ, thúc đẩy giao lưu văn hóa, nghệ thuật qua các sự kiện, các hoạt động hấp dẫn.

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo – Đòn bẩy cho sự đổi mới của các tổ hợp sáng tạo

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 là một trong những nỗ lực của thành phố để phát huy danh hiệu “Thành phố Sáng tạo”. Lễ hội với không gian tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm hứa hẹn sẽ biến nơi đây thành một tổ hợp văn hóa sáng tạo mới, trở thành điểm đến độc đáo về sáng tạo, thiết kế và nghệ thuật. Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, vốn là “Ngôi nhà ký ức”, nơi lưu giữ hình ảnh, kỷ vật của ngành Đường sắt Việt Nam và ký ức của người dân khu vực gần nhà máy, giờ đây sẽ trở thành di sản đương đại với công năng mới, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân thành phố.

Nhà máy Xe lửa Gia Lâm trở thành không gian sáng tạo trong Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2023

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 do UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo tổ chức với chuỗi hoạt động di sản thể hiện mạnh mẽ định hướng chuyển đổi di sản công nghiệp thành tổ hợp văn hóa. Lễ hội sẽ đem lại một góc nhìn, diện mạo đương đại cho những di sản văn hóa Thủ đô như: Ga Hà Nội, Tháp nước Hàng Đậu, Vườn hoa Vạn Xuân, Ga Long Biên, Cầu Long Biên và Nhà máy Xe lửa Gia Lâm.

Việc chuyển đổi di sản công nghiệp thành tổ hợp văn hóa sáng tạo của Hà Nội vừa góp phần bảo tồn di sản, vừa đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa mới của người dân. Các cơ sở công nghiệp lâu đời đã hình thành nên ký ức quan trọng trong tiến trình xây dựng không gian đô thị, chứa đựng bản sắc và lịch sử của người dân khu vực nói riêng và cả thành phố nói chung. Những giá trị này sẽ được tiếp nối và phát huy theo dòng chảy thời đại qua các hoạt động trải nghiệm tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 từ ngày 17-26/11/2023 tới đây.

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 danh nghĩa tổ chức bởi UBND TP Hà Nội, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, do Sở Văn hoá thể thao Hà Nội, Tạp chí Kiến trúc với sự đồng hành của Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội, Chương trình Định cư con người Liên hợp quốc UN-Habitat, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, UBND quận Long Biên, quận Hoàn Kiếm, quận Ba Đình và các quận, huyện, cùng các đơn vị, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và nhà sáng tạo, nghệ sỹ… phối hợp thực hiện.

Theo Tạp chí Kiến trúc