DIỄN ĐÀN BÁO CHÍ VÀ DOANH NGHIỆP: Nâng cao năng lực báo chí kinh tế

Báo chí kinh tế được đề cập nhiều nhưng để xác định rõ ràng, có tính hệ thống cần phải tiếp cận và quan tâm nhiều hơn đến năng lực báo chí kinh tế.

Tham luận tại Diễn đàn Báo chí và doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc 2024 do VCCI và Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin & Truyền thông tổ chức, PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng – Trưởng ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam đề cập 4 thách thức trong bối cảnh kinh tế số và báo chí số mà các cơ quan báo chí, các nhà báo viết về kinh tế đối mặt. Đó là thách thức cạnh tranh khốc liệt, áp lực cập nhật thông tin nhanh chóng; kiểm chứng thông tin; tin giả và thách thức từ công chúng với việc thay đổi hành vi đọc, nghe, xem của mình.

PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng – Trưởng ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam

Từ thực tế đó, các cơ quan báo chí và các nhà báo viết về kinh tế cần quan tâm đến khái niệm mới nhưng cần thiết. Đó là năng lực báo chí kinh tế – tổng hợp các kiến thức, kỹ năng, thái độ và giá trị mà nhà báo cần có để thực hiện tốt công việc trong lĩnh vực kinh tế góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Để nâng cao năng lực báo chí, PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng đề xuất 4 giải pháp bao gồm: đào tạo bài bản, mỗi cơ quan báo chí cần nhà báo kinh tế vững, có kiến thức và kỹ năng chuyên biệt; hợp tác quốc tế những tờ báo kinh tế lớn trên thế giới và Việt Nam đều mời chuyên gia nước ngoài, gửi nhà báo đào tạo ở nước ngoài; xây dựng cộng đồng, tạo môi trường chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà báo kinh tế, kết nối các nhà báo kinh tế với doanh nghiệp và đầu tư công nghệ, trang bị công cụ hiện đại hỗ trợ công việc của nhà báo.

PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng giới thiệu một số mô hình đào tạo bồi dưỡng báo chí kinh tế trên thế giới. Chẳng hạn tại Hoa Kỳ, các trường báo chí danh tiếng như Columbia, Northwestern, Berkeley có những chương trình đào tạo báo chí kinh tế uy tín, kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực tiễn.

Tại Anh có các trường đại học đào tạo báo chí lâu đời, đặc biệt chú trọng đến việc rèn luyện kỹ năng viết, phân tích, đánh giá, nhận định. Tại các nước Bắc Âu chú trọng tính độc lập và trách nhiệm xã hội của nhà báo, trong đó dự án SIDA Thuỵ Điển đã có những khoá đào tạo chuyên sâu về báo chí kinh tế cho Việt Nam.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn

Trong khu vực châu Á, về đào tạo báo chí kinh tế, thành công nhất phải kể đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Trung Quốc. Tại Hàn Quốc, việc đào tạo báo chí kinh tế kết hợp giữa đào tạo và thực tiễn, các tập đoàn kinh tế thường xuyên bảo trợ cho các đơn vị báo chí truyền thông, các trường đại học lớn có phòng lab chú trọng đào tạo báo chí. Trong khi đó, Nhật Bản tập trung đào tạo chuyên môn và dài hạn; Trung Quốc tập trung vào việc phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế quốc gia, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành.

Hàm ý cho Việt Nam, PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng để tăng năng lực cho những người làm báo kinh tế cần tăng cường hoạt động nghiên cứu để xây dựng hệ giá trị, mô hình đào tạo và phát triển đội ngũ nhà báo kinh tế; xây dựng bộ chỉ số đo năng lực các cơ quan báo chí về chủ đề kinh tế; thúc đẩy song song các hoạt động nghiên cứu – đào tạo – bồi dưỡng, có sự phân khúc và phối hợp rõ ràng ở khối các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan báo chí.

Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác báo chí – doanh nghiệp; hợp tác quốc tế; xây dựng mạng lưới các cơ quan báo chí kinh tế và các nhà báo, nhà truyền thông; thúc đẩy giải pháp số trong phát triển năng lực của báo chí kinh tế; xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Theo Tạp Chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp