Ngày 9/9, Hội Nữ doanh nhân TP.HCM đã phối hợp với Sở Công thương TP.HCM tổ chức diễn đàn Nhịp cầu ASEAN++ với chủ đề “Kết nối để phát triển bền vững”.
Diễn đàn có sự tham gia của các đồng chí: Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước; Đặng Thị Ngọc Thịnh, nguyên Phó Chủ tịch nước; Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI; Trần Lan Phương, Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam; Phan Thị Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM.
Diễn đàn “Nhịp cầu ASEAN ++” năm 2022 với mục tiêu thúc đẩy giao thương giữa các Hiệp hội trong khu vực ASEAN++; Mở rộng mọi cơ hội kết nối đa chiều cân bằng mọi khía cạnh; Tạo điều kiện xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp phát triển kinh tế khu vực qua hình thức Business Matching. Thông qua giao thương sự kiện mong muốn thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn xanh dựa trên sự phát triển bền vững.
Nhờ vào vị trí đắc địa và môi trường kinh doanh thuận lợi, ASEAN đã phát triển mạnh mẽ trong mười năm qua. Với tổng giá trị đạt 3,2 nghìn tỷ USD, ASEAN hiện là nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới, sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức. Thậm chí, khu vực này còn đang trên đà phát triển để vượt qua cả Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ tư vào năm 2030.
ASEAN là khu vực giàu tiềm năng đầu tư, thương mại. Đặc biệt, Singapore, Indonesia và Việt Nam là những quốc gia thu hút dòng đầu tư mạnh mẽ. Chỉ riêng ba quốc gia này đã được rót 80% tổng dòng vốn FDI chảy vào toàn khu vực năm 2019.
Cũng trong năm 2019, ASEAN là khu vực nhận được dòng vốn FDI lớn nhất so với các thị trường mới nổi khác. Dù trãi qua hai năm hứng chịu thiệt hại từ đại dịch Covid, ASEAN vẫn thu hút được 175 tỷ USD dòng vốn FDI vào năm 2021, bằng với mức trước đại dịch.
Tại diễn đàn, bà Ng Jiak See, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Dịch vụ Tư vấn Tài chính, Deloitte châu Á – Thái Bình Dương đã có những chia sẻ về cam kết phát triển bền vững trong khu vực. Bà Ng Jiak See cho biết, cùng với xu thế tất yếu của phát triển bền vững, Deloitte Toàn cầu đã triển khai nhiều chiến lược nhằm thúc đẩy lựa chọn có trách nhiệm với khí hậu trong tổ chức và lan tỏa đến cả hệ sinh thái gồm khách hàng, đối tác và các bên liên quan khác.
Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương và ASEAN, khu vực được xem là những mảnh đất màu mỡ cho phát triển cho thương mại và đầu tư, Deloitte nhận thấy rằng việc cam kết phát triển bền vững trong khu vực và vòng tuần hoàn bền vững để thúc đẩy tăng trưởng và đầu tư thực sự quan trọng.
Đánh giá tổng quan, ASEAN đang là tâm điểm của sự chú ý. Khu vực này sẽ một trong những điểm đầu tư hấp dẫn nhất với các nhà đầu tư đang phát triển, mở rộng trên phạm vi toàn cầu nhờ vào thực tế vấn đề thu hút đầu tư được quan tâm, vị trí địa lý chiến lược, dễ dàng thực hiện các hoạt động kinh doanh, có ưu đãi thuế và các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Tuy nhiên, theo chuyên gia Deloitte, để có thể phát huy những lợi thế, ASEAN cần hành động ngay bây giờ. Theo báo cáo Bước ngoặt Đông Nam Á (Turning Point) của Deloitte, khu vực ASEAN đang ở trong thời điểm có tính quyết định – hoặc để tình trạng biến đổi khí hậu không kiểm soát gây thiệt hại cho nền kinh tế khu vực lên đến 28 nghìn tỷ USD (tính theo giá trị hiện tại) trong vòng 50 năm tới – hoặc chung tay hành động ngay hôm nay hướng đến một nền kinh tế phát thải thấp vào hưởng lợi 12,5 nghìn tỷ USD (tính theo giá trị hiện tại) tính đến năm 2070.
Tổng hợp