Điện gió ngoài khơi chờ chính sách, lo lỡ quy hoạch

 Tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi của Việt Nam rất lớn, nhưng để biến tiềm năng thành hiện thực, nhà đầu tư mong Nhà nước sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách để rót vốn đầu tư. Việc chậm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý dẫn đến không ít nhà đầu tư chùn bước, thậm chí là từ bỏ kế hoạch đầu tư và nguy cơ bị “lỡ hẹn” của quy hoạch điện 8.

Nối tiếp đề xuất đầu tư

Ông Kudryashov Sergei Ivanovich, Tổng Giám đốc Công ty Zarubezhneft, doanh nghiệp có hơn 40 năm hợp tác cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam), mới đây đã bày tỏ mong muốn phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam.

Cụ thể theo báo Chính phủ, tại cuộc găp với Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 8-4 trong chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam, Tổng giám đốc doanh nghiệp này cho biết Zarubezhneft đang hoàn thiện các thủ tục, phương án thực hiện các dự án mới tại Việt Nam, đồng thời mong muốn mở rộng hợp tác, trong đó có phát triển điện gió ngoài khơi.

Nhà máy điện gió Bạc Liêu, công suất 100 MW. Ảnh minh họa :TTXVN

Ông Kudryashov Sergei Ivanovich cho biết, phía Nga tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng phát triển các dự án của Rusvietpetro tại Nga trong thời gian tới nhằm phát triển cân bằng hơn các dự án hợp tác dầu khí tại Việt Nam và Nga; đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo để hai bên phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc tại các dự án hợp tác.

Còn tại TPHCM, ở hội thảo khoa học “Phát triển điện gió ngoài khơi Cần Giờ” vào trung tuần vừa qua, đại diện nhóm nhà đầu tư, ông Đặng Quốc Toản, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng dầu khí Châu Á (AsiaPetro), đề xuất đầu tư dự án điện gió ngoài khơi Cần Giờ.

Với công suất thiết kế 6.000MW, dự án điện gió Cần Giờ có thể giúp giảm phát thải hơn 200 triệu tấn các bon (carbon) trong vòng đời của dự án, cung cấp nguồn điện sạch vào lưới điện quốc gia thông qua việc đấu nối tại trạm biến áp 500kV Đa Phước. Ngoài ra, dự án còn cung cấp điện, hydrogen xanh cho các đô thị, các khu công nghiệp, các phương tiện vận tải để giảm phát thải khí các bon.

Theo ông Toản, dự án sẽ không gây ảnh hưởng đến đất rừng phòng hộ mà còn có thể tạo ra hàng chục ngàn việc làm. Khi đi vào hoạt động, dự án có thể cung cấp điện cho các dự án lớn đang và sắp triển khai ở Cần Giờ.

Đây là hai đề xuất mới nhất và diễn ra cùng một tuần liên quan đến phát triển điện gió ở vùng biển ngoài khơi Việt Nam. Trước đó, nhiều nhà đầu tư lớn, nhất là những tập đoàn năng lượng nước ngoài, gồm cả Tập đoàn năng lượng hàng đầu thế giới Orsted cũng thăm dò và đề xuất đầu tư những dự án về điện gió quy mô lớn ở vùng biển ngoài khơi Việt Nam.

Với chiều dài bờ biển hơn 3.400 km, Việt Nam được các chuyên gia quốc tế đánh giá là có nguồn tài nguyên gió tốt nhất trong khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 5 ở châu Á và thứ 13 trên thế giới. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Cơ quan Năng lượng Đan Mạch, tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi của Việt Nam lên đến 599.000 MW…

Đáng chú ý, Việt Nam được đánh giá có nhiều lợi thế trong phát triển chuỗi cung ứng cho phát triển điện gió ngoài khơi do có lịch sử lâu dài trong phát triển ngành dầu khí, giao thông biển, cảng biển và sản xuất thiết bị cơ khí.

Cụ thể chuỗi cung ứng cho ngành dầu khí đã được thiết lập tốt, có thể sử dụng gần như ngay lập tức hoặc chuyển đổi nhanh chóng để hỗ trợ thực hiện nhiều công đoạn trong quá trình xây dựng hoặc thiết lập hệ thống hạ tầng cần thiết cho phát triển trang trại điện gió ngoài khơi.

Thiếu cơ chế, chính sách…

Trong bối cảnh thủy điện cơ bản hết dư địa phát triển; nhiệt điện than không được phát triển thêm sau năm 2030 theo cam kết quốc tế, việc bảo đảm cung ứng điện và an ninh năng lượng quốc gia là thách thức rất lớn.

Do đó, theo các chuyên gia, việc đẩy nhanh các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia; đồng thời hỗ trợ đất nước đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết tại Hội nghị COP26.

Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội điện gió – điện mặt trời tỉnh Bình Thuận cũng cho rằng, trong xu thế chuyển dần năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, việc phát triển điện gió đang có nhiều lợi thế, trong khi Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển.

Bên cạnh đó, Việt Nam là nước đi sau, có thể thừa hưởng những thành quả khoa học của các nước đi trước, áp dụng được những công nghệ mới vào khai thác điện gió.

Đáng chú ý, theo ông, giá thành sản xuất điện gió đã giảm mạnh, từ khoảng 25 cent/KWh hơn 10 năm trước còn khoảng 10 cent/KWh hiện nay, tương lai gần có thể giảm còn 6 cent/KWh.

Tuy nhiên, ông Thịnh lo lắng, đang thiếu các quy định, chính sách, quy hoạch không gian, chính sách giá đối với điện. Điện đang ngày càng thiếu nhưng các dự án về điện lại không thể triển khai. Các nhà đầu tư có thể làm ra điện nhưng lại lấn cấn về giá cả. Do đó, ông kiến nghị có những cơ chế, chính sách đặc biệt để TPHCM phát triển điện gió ngoài khơi.

Lo lắng của ông Thịnh cũng là nỗi niềm của nhiều nhà đầu tư trong thời gian qua tham gia nghiên cứu để phát triển điện gió ngoài khơi của Việt Nam.

Đó là thiếu hành lang pháp lý, như chưa phê duyệt quy hoạch không gian biển quốc gia nên chưa có căn cứ xác định phạm vi quản lý biển; hay pháp luật về đầu tư chưa quy định cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án loại này.

Các quy định về thủ tục, trình tự, hồ sơ, quản lý hoạt động đo đạc, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển, gió cũng chưa có…

Nguy cơ “lỡ hẹn” quy hoạch và nhà đầu tư chùn bước

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8) đến năm 2030, điện khí và điện gió ngoài khơi chiếm tới khoảng 50% tổng công suất nguồn điện cần bổ sung, trong đó riêng điện gió ngoài khơi là 6.000 MW.

Trong khi đó, theo các nhà đầu tư và chuyên gia, thời gian xây dựng dự án điện gió ngoài khơi phải 6 – 8 năm, trong đó riêng khâu khảo sát mất đến 3 năm.

“Đối với dự án điện gió ngoài khơi, thời gian xây dựng rất lâu. Vì vậy, từ nay đến năm 2030 không chắc các doanh nghiệp đã kịp làm được 6.000MW điện gió ngoài khơi để kịp đưa vào quy hoạch đã được phê duyệt đến năm 2030”, ông Đặng Quốc Toản của AsiaPetro nhận định.

Riêng với dự án điện gió Cần Giờ, theo ông Toản, nếu năm nay được khảo sát thì 3 năm sau mới có số liệu để làm báo cáo nghiên cứu khả thi, triển khai công việc. “Nếu may mắn thì nhanh lắm cũng phải đến năm 2030 mới hoàn thành được thủ tục để triển khai dự án”, ông Toản phân tích.

Một số nhà đầu tư nước ngoài cũng cho rằng, đối với dự án điện gió ngoài khơi, thời gian thực hiện cần khoảng từ 6-8 năm kể từ lúc khảo sát. Do đó, việc triển khai các dự án điện gió ngoài khơi để đáp ứng tiến độ đưa vào vận hành trước năm 2030 là thách thức không hề nhỏ.

Lãnh đạo một doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cũng cho hay để thực hiện dự án điện gió ngoài khơi đến khi hoàn thành phải mất tám năm trong điều kiện khuôn khổ chính sách pháp luật chặt chẽ, đầy đủ. Trong khi đó, việc thực hiện dự án điện gió ngoài khơi có đến khoảng 20 bộ luật liên quan phải hoàn thiện, sửa đổi.

Trên thực tế vì những bất cập nêu trên mà Tập đoàn năng lượng Orsted – nhà phát triển điện gió ngoài khơi hàng đầu thế giới vào giữa năm ngoái đã tuyên bố rút khỏi Việt Nam sau nhiều năm theo đuổi các cơ hội phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Một số nhà đầu tư nước ngoài khác cũng chia sẻ không ưu tiên thị trường Việt Nam dù trước đó họ đặt nhiều kỳ vọng để đầu tư ở vùng biển của nền kinh tế hơn 100 triệu dân này.

Theo các chuyên gia, mỗi dự án điện gió ngoài khơi cho dù nhỏ nhất, suất đầu tư cũng lên hàng tỉ đô la Mỹ. Và như vậy Việt Nam sẽ mất rất nhiều, từ thu hút đầu tư nước ngoài đến việc đạt được các mục tiêu về phát thải ròng, trong khi nguồn cung cấp điện cho sinh hoạt và sản xuất lại đang thiếu hụt.

Chính vì vậy, để đạt được mục tiêu về phát triển điện gió ngoài khơi, có rất nhiều việc cần phải triển khai từ ngay từ bây giờ, nhất là những giải pháp mang tính đột phá của Nhà nước là vô cùng quan trọng.

Các chuyên gia nhận định, hiện nay là thời điểm chín muồi để phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam và mong Chính phủ sớm ban hành khung pháp lý rõ ràng và nhất quán, điều cần thiết cho sự phát triển của ngành công nghiệp mới và cũng rất quan trọng này. Trong đó, vấn đề cần Chính phủ giải quyết sớm là xây dựng lộ trình phát triển; các cơ chế, chính sách cụ thể để có thể thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài; tạo được niềm tin để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư lâu dài ở Việt Nam.

Các chuyên gia cho rằng dự án điện gió ngoài khơi cần đưa vào danh mục dự án quan trọng quốc gia cần được áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt.

Được biết, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương nghiên cứu xây dựng đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi. Trong đó nghiên cứu giao các tập đoàn kinh tế nhà nước (PVN, EVN) hoặc Bộ Quốc phòng triển khai các dự án thí điểm. Đề án phải rà soát toàn diện các vướng mắc, thiếu sót tại các văn bản hiện hành.

Theo Kinh Tế Sài Gòn Online