TS Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng điện mặt trời mái nhà tự dùng nếu bán 0 đồng sẽ khó thu hút người dân, doanh nghiệp vì suất đầu tư không hiệu quả.
Hạn chế tối đa mức độ lãng phí do không được bán phần điện dư lên lưới
Tại dự thảo Nghị định lấy ý kiến tuần qua, Bộ Công Thương giữ đề xuất điện mặt trời mái nhà lắp tại nhà ở, cơ quan công sở để tự dùng và nối lưới quốc gia sẽ không được bán hoặc bán giá 0 đồng. Tức, người dân có thể bán phần dư thừa nhưng Nhà nước chỉ ghi nhận sản lượng, không thanh toán tiền.
Góp ý, ông Lã Hồng Kỳ – Tạp chí Năng lượng Việt Nam cho biết, mặc dù cơ chế mới cho điện mặt trời vẫn chưa được cấp có thẩm quyền ban hành chính thức, nhưng từ năm 2021 đến nay có nhiều hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp đặt sử dụng theo tiêu chí “tự sản, tự tiêu”.
Theo thống kê sơ bộ, tính đến tháng 7.2023 có khoảng 1.030 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất khoảng 399,96 MWp đã được các tổ chức, cá nhân lắp đặt (chủ yếu là các công ty TNHH, khu công nghiệp) với mục đích tự dùng tại chỗ.
Hiện nay, Quyết định số 13 ngày 6.4.2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam đã hết hiệu lực từ ngày 31.12.2020.
Trong khi đó, điện mặt trời mái nhà là nguồn điện sạch, tái tạo có tính chất phân tán, quy mô nhỏ, được tiêu thụ tại chỗ, giảm tổn thất của quá trình truyền tải, phân phối, tận dụng hạ tầng lưới điện hiện có của ngành điện, có thời gian phát chủ yếu vào ban ngày, trong giờ cao điểm của hệ thống điện giúp giảm đỉnh phụ tải.
Theo ông Lã Hồng Kỳ, hiện tại, Chính phủ chưa ban hành cơ chế cơ chế khuyến khích phát triển các nguồn điện mặt trời áp mái với mục đích tự tiêu thụ cho nhu cầu phụ tải tại chỗ (có thể bán phần nhỏ dư thừa lên lưới) để đáp ứng mục tiêu phấn đấu có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu đã được phê duyệt trong Quy hoạch điện VIII.
Vị chuyên gia cho rằng cần hỗ trợ tính toán phần công suất lắp đặt tối thiểu cho các hộ gia đình có đủ điều kiện lắp đặt (mức độ dùng điện, thời điểm dùng điện, điều kiện mặt bằng…) để phê duyệt phương án, hạn chế tối đa mức độ lãng phí do không được bán phần điện dư lên lưới.
Không công bằng và đi ngược nguyên tắc thị trường
TS Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, đầu tư điện mặt trời mái nhà nhưng không được bán hoặc giá 0 đồng là không công bằng và đi ngược nguyên tắc thị trường.
“Sẽ khó thu hút người dân, doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư ban đầu”, ông Việt nói và cho biết không thể bán phần dư thừa hoặc được khấu trừ vào sản lượng sử dụng sẽ là không hiệu quả, đặc biệt khu vực chênh lệch lớn về hiệu suất theo thời điểm như miền Bắc.
Trường hợp không bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN, ông Nguyễn Quốc Việt đề xuất người dân được khấu trừ sản lượng tiêu thụ trong kỳ thanh toán như tín dụng, hoặc tính bằng một tỷ lệ nhất định so với giá mua điện lưới.
Để có thể phát triển loại hình năng lượng này, TS Tô Văn Trường – chuyên gia độc lập về năng lượng, tài nguyên và môi trường cho hay, cần cho phép các cá thể, doanh nghiệp đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà được phép bán điện lên lưới hoặc khấu trừ sản lượng tiêu thụ trong chu kỳ thanh toán. Với các hệ thống bán điện lên lưới có thể khống chế sản lượng tối đa 30% để đảm bảo hiệu quả tổng thể.
Cho phép thương mại hóa việc đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà để phù hợp với tính cung – cầu của thị trường, tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất tiếp cận nguồn năng lượng sạch với chi phí hợp lý, góp phần thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu.
Nghiên cứu phát triển cơ chế giá điện phát lên lưới theo khung giờ đối với điện mặt trời mái nhà nhằm khuyến khích việc tự đầu tư hệ thống pin lưu trữ tại chỗ.
Nghiên cứu phương án hỗ trợ phát triển hệ thống pin lưu trữ tại chỗ và các phương án kỹ thuật liên quan để nâng cao khả năng cân bằng lưới điện từ các nguồn vốn xã hội.
“Về bản chất đây là các vấn đề liên quan nhiều đến kỹ thuật, độ thông minh của hệ thống lưới điện truyền tải, khả năng truyền tải điện. Vậy nên cần những cơ chế đột phá hơn nhằm nâng cao các nguồn vốn xã hội cho việc cân bằng lưới điện”, TS Tô Văn Trường nói.