“Có nhân viên cưới chồng, cưới vợ phải đi nước ngoài. Mấy em mấy cháu tới tạm biệt mà rơm rớm nước mắt vì không muốn xa công ty đã có một thời gian dài gắn bó. Làm nhân sự mà thành công là ở chỗ anh em họ tin, thương mình vậy đó”, ông nói.
Là một trong những doanh nhân lớn trên thương trường Việt Nam, sở hữu “đế chế” hàng hiệu IPP, song ông Johnathan Hạnh Nguyễn ít khi xuất hiện để chia sẻ đại chúng về triết lý kinh doanh của mình.
Mới nhất, tại buổi chia sẻ tại Trường đại học Đà Lạt, vị doanh nhân 73 tuổi lần đầu chia sẻ về nơi ông bắt đầu hành trình cuộc đời (Viện đại học Đà Lạt, tiền thân Trường đại học Đà Lạt) cũng như triết lý kinh doanh, chọn và xây dựng đội ngũ nhân sự của mình.
Được biết, ông Hạnh Nguyễn là cựu sinh viên Chánh trị Kinh doanh khóa 6 (niên khóa 1969 – 1973) của Trường đại học Đà Lạt giai đoạn đầu, khi đó còn là Viện đại học Đà Lạt với nhiều trường thành viên. Đến nay, dù đã đi, đã học, đã sống ở nhiều nơi sau khi rời trường nhưng những giá trị ông tiếp nhận được từ ban sơ luôn theo ông luôn là vốn quý.
“Triết lý Thụ nhân có từ thời trường mới thành lập là hành trang cho cả hành trình còn lại của cuộc đời tôi”
“Triết lý Thụ nhân có từ thời trường mới thành lập là hành trang cho cả hành trình còn lại của cuộc đời tôi. Tôi biết ơn vì điều đó”, ông nói. Và hôm nay, ông trở về để chia sẻ lại cho thế hệ mới, đặc biệt nhấn mạnh yếu tố Trí tuệ nhân tạo (AI) cho hành trang sắp tới của các bạn sinh viên.
Theo ông, lúc này khi bước ra khỏi trường đại học các bạn phải nghĩ về AI, nói với AI và làm việc cùng AI. Bởi, AI đã là xu hướng mà thế giới xác lập thì ta không thể đứng ngoài được. Dự kiến trong tương lai, thậm chí hiện giờ chúng ta đã thấy được rằng AI đang đặt nền tảng cho tương lai, và robot sẽ xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau để hỗ trợ con người làm việc.
Do đó, sau khi triển khai giáo dục AI tại Tp.HCM, ông Hạnh Nguyễn cũng đã mang AI đến Đà Lạt và thành lập Trung tâm Giáo dục đào tạo trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence Center – AIC) Trường đại học Đà Lạt.
Chương trình đào tạo của AIC Trường đại học Đà Lạt sử dụng bộ giáo trình quốc tế AI, gọi tắt là K12. Đây là bộ sách đã được mua bản quyền và Việt hóa từ bộ giáo trình AI Future Intelligent Manufacture của Công ty UBtech Education (Mỹ), hiện đang được triển khai giảng dạy tại nhiều nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, và Hàn Quốc.
“Lý do tôi chọn trường để lập trung tâm mà không phải nơi khác: cái thứ nhất như tôi đã nói tôi muốn trả ơn cho Đà Lạt, nơi cho tôi nền tảng để đi học cao hơn tại Mỹ và bắt đầu những công việc có vị thế tại đó.
Thứ nữa, Tây Nguyên còn thiếu thốn lắm nên chúng tôi muốn đưa về để cân bằng Tây Nguyên và các tỉnh thành lớn khác.
Tôi kỳ vọng thông qua đào tạo và phát triển AI, thời gian tới Đà Lạt trở thành nơi giao lưu của cộng đồng trí tuệ nhân tạo AI. Và Tây Nguyên nhờ ứng dụng AI trong các lĩnh vực sẽ cân bằng với các tỉnh thành khác về nhiều mặt”, ông chia sẻ.
Ở một góc độ khác, ông cho biết Đà Lạt thuận lợi để trở thành một trung tâm giao lưu học thuật, khoa học kỹ thuật lý tưởng. Vị doanh nhân này cũng bày tỏ khi mua bản quyền các tài liệu về AI tại Mỹ, Công ty không đặt mục tiêu kiếm tiền mà đặt nền móng cho giới trẻ từ cấp tiểu học đến đại học trở thành công dân toàn cầu: hiểu bằng AI, nói bằng AI và tư duy với AI.
Cũng chia sẻ về phương pháp học tập, ông Hạnh Nguyễn cho biết thực tế có nhiều quan điểm về việc học sao cho hiệu quả rồi còn đi làm cho hiệu quả. Nhưng cá nhân ônh, từ chuyện học của mình ông đặc biệt khuyên các bạn sinh viên không được học như con mọt sách, học để trả bài.
“Mình phải học trước, học trên trường, rồi mình hỏi nhiều, trả lời nhiều để mức độ hấp thụ tăng lên 150%. Học tổng thể rồi đi sâu vô ngóc ngách. Và chú trọng tối đa tất cả những kiến thức liên quan tới cái nghề mình đang học. Kiến thức là do mình, vì mình chứ không ai nhồi nhét vô được hết. Học gì là do mình hết”, ông nói.
Bên cạnh hành trang học đường, phương pháp hiệu quả…, đại diện IPP cũng chia sẻ một yếu tố then chốt làm nên thành công của ông và cơ ngơi tính đến hiện tại, chính là quản trị đội ngũ nhân sự. Thực tế, đây cũng là bài toán khó cho nhiều doanh nghiệp thời gian qua, khi chúng ta liên tiếp đối mặt với khủng hoảng từ đại dịch đến suy thoái.
“Làm nhân sự mà thành công là ở chỗ anh em họ tin, thương mình vậy đó”
“Nhân sự là linh hồn của công ty”, ông Hạnh Nguyễn nói, “những người lao động làm nên công ty và uy tín công ty chứ không phải ông chủ tịch Hội đồng quản trị hay ông tổng giám đốc. Nhưng 2 ông này có nhiệm vụ lèo lái công ty cùng đội ngũ nhân sự đi đúng hướng. Từ đó người lao động làm việc tạo giá trị cho bản thân và công ty”.
Theo vị này, ông sẽ đào tạo nhân sự theo kiểu đôn quân. Phát triển đội 1 thì đội 2 được đào tạo để có cơ hội tiếp bước đội 1, và đội 3, đội 4 và tiếp nối như thế. Ông cũng nhấn mạnh rằng không phải cứ làm việc lâu thì sẽ được tiến lên những nấc thang cao hơn, mà Công ty luôn có những tiêu chuẩn đánh giá để nâng hạng nhân sự. Các công ty con trong tập đoàn cũng theo cách này để luôn có hậu phương vững chãi đi con đường dài hạn, đúng tầm nhìn của ban lãnh đạo.
“Ở Công ty, tôi tuân thủ luật lao động, nhưng nhiều khi thấy anh em hành xử khiến tôi rất xúc động. Khi nào tôi còn làm thì anh em còn làm.
Có nhân viên cưới chồng, cưới vợ phải đi nước ngoài. Mấy em mấy cháu tới tạm biệt mà rơm rớm nước mắt vì không muốn xa công ty đã có một thời gian dài gắn bó. Làm nhân sự mà thành công là ở chỗ anh em họ tin, thương mình vậy đó.
Ở chỗ tôi, nhân viên tạp vụ tôi cũng đối xử như những nhân viên khác. Họ xứng đáng được tôn trọng vì nhiều lẽ. Đối với tôi, đào tạo nhân sự là trên hết. Và nói đến đây, cũng gửi gắm tới các em sinh viên, một đời làm việc là một đời học. Muốn lên cao, từ bậc 4 lên bậc 3, 2, 1 thì cấp học của mình cũng phải vậy. Học ở đây gồm đi học và tự học trọn đời”, ông chia sẻ thêm.
Hiện, IPPG một trong những tập đoàn kinh doanh bán lẻ lớn nhất Việt Nam, với quy mô 25.000 nhân viên, sở hữu 35 công ty thành viên và công ty liên doanh. Doanh nghiệp được thành lập vào năm 1986 bởi ông Johnathan Hạnh Nguyễn.
Bên dưới IPP là hàng chục công ty thành viên trong đó những công ty nổi bật có thể kể đến như Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC), Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Châu Âu (ACFC), Công ty Dịch vụ Thực phẩm và Giải khát Việt Nam (VFBS), Công ty Dịch vụ Phân phối Đông Dương (DFS), Trung tâm thương mại Tràng Tiền…
Vài năm qua, IPP còn đầu tư khá mạnh vào lĩnh vực hàng không, dịch vụ sân bay. IPP cùng DAFC và ACFC hiện còn nắm giữ hơn 45% cổ phần của SASCO – công ty dịch vụ hàng không lớn nhất nước. Bên cạnh đó, IPP còn là cổ đông lớn nhất nắm giữ 30% cổ phần của Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn thời gian gần đây còn thể hiện tham vọng mới của mình trong mảng du lịch hàng không.
Trong đó, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) và Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) vừa ký kết hợp tác cùng đăng cai tổ chức sự kiện Diễn đàn Trinity 2024 tại Tp.HCM vào cuối năm nay. Theo kế hoạch, diễn đàn sẽ có hơn 600 CEO của các tổ chức phi hàng không trên thế giới tham dự.